Phóng to |
* Được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa trân trọng gọi ông với cái tên rất thân thương là “Công dân danh dự của Trường Sa, Nhạc sĩ của Trường Sa”, và bây giờ được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba, xin ông cho biết cảm xúc của mình trước sự kiện trên?
- Nhạc sĩ Hình Phước Long: Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa đã dành cho tôi một tình cảm hết sức đặc biệt này. Và tôi cũng thật sự hạnh phúc khi được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba về những ca khúc mà tôi đã viết về Trường Sa.
* Chúng tôi được biết, ca khúc Gần lắm Trường Sa được sáng tác khi ông chưa đặt chân đến quần đảo này?
- Đúng vậy! Tôi viết ca khúc Gần lắm Trường Sa năm 1982. Đến năm 1984 tôi mới có dịp ra thăm quần đảo Trường Sa.
* Ông có thể cho biết nguyên nhân nào đã tạo nên cảm xúc để ông hoàn thành tác phẩm trên?
- Tôi nhớ năm 1980, khi ấy tôi đang công tác tại Phòng văn hóa - thông tin huyện Cam Ranh thì lãnh đạo Lữ đoàn 146, đơn vị bảo vệ quần đảo Trường Sa, hậu cứ đóng ở bán đảo Cam Ranh, mời tôi vào dàn dựng giúp chương trình văn nghệ cho đơn vị để tham dự Hội diễn văn nghệ toàn tỉnh Phú Khánh. Tôi vào hậu cứ, được lãnh đạo đơn vị giới thiệu khá cặn kẽ về quần đảo Trường Sa... Nhưng thú thật, với những bức ảnh trắng đen, với tấm sa bàn đắp nổi chừng 3m2, tôi không làm sao hình dung ra được một quần đảo Trường Sa mênh mông là thế... May sao lúc ấy đơn vị vừa nhận một bộ phim tư liệu trắng đen mới thực hiện xong ở Trường Sa về chiếu cho tôi xem... Thế là hình ảnh quần đảo Trường Sa hiện dần lên trong tâm hồn tôi từ đó. <?xml:namespace prefix = "o" ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Năm 1982, tức hai năm sau đó, tôi về dự trại sáng tác âm nhạc do Sở Văn hóa - thông tin tỉnh tổ chức tại thành phố Nha Trang. Cùng dự trại có em trai của tôi là nhạc sĩ Hình Phước Liên. Thời gian của trại sáng tác chỉ vỏn vẹn 15 ngày. Những ngày đầu, tôi và Hình Phước Liên viết chung một vở operette (ca cảnh) Tình ca đảo chim viết về loài chim yến, một đặc sản quý của vùng biển Nha Trang - Khánh Hòa. Ca cảnh đã viết xong, nhưng lòng tôi vẫn canh cánh về đề tài Trường Sa mà tôi mang trong lòng như là một món nợ...
Ðầu giờ chiều hôm ấy tôi rời trại, một mình đạp xe vẩn vơ trên đường Trần Phú. Bỗng tôi nhìn về phía biển, trước mắt tôi là một cô gái với tà áo dài và mái tóc bồng bềnh bay trong gió. Dừng xe lại bên lề đường, nhìn cô gái từ phía sau lưng, tôi chợt nghĩ và tự hỏi với mình: “Giá như cô gái ấy có người yêu là chiến sĩ đang đóng quân ngoài quần đảo Trường Sa, liệu cô ấy có nghe được lời nói của người yêu mình đang quyện vào con sóng, từ Trường Sa vọng đến nơi này không nhỉ...?”. Và tôi tự đáp: “Có! Cô ấy sẽ nghe được...”. Tôi chợt nhớ lại, khi chúng tôi còn thơ ấu, câu hát ru ngày nào má tôi vẫn ru chúng tôi đi vào giấc ngủ: “Khi xa sát vách cũng xa/ Khi gần muôn dặm đường xa cũng gần...”. Thế là tôi bật lên câu hát: “Không xa đâu Trường Sa ơi! Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh!”. Tôi rút vội tờ giấy trong túi áo ra và ghi vội lại cả nhạc và lời câu hát ấy, xong là đạp xe liền về trại.
Ngay chiều hôm ấy tôi và Hình Phước Liên về Ninh Hòa để thăm má tôi, đến nhà đã 17 giờ rồi, tôi nhấc chiếc ghế ra ngoài sân và ngồi đó viết một mạch xong luôn bài hát. Bài hát hoàn thành khoảng gần một tiếng đồng hồ mà không phải sửa lại một nốt nhạc, một ca từ nào cả. Món nợ không vay của ai vậy mà cứ canh cánh bên lòng suốt hai năm trời nay mới trả được!
* Ngoài ca khúc Gần lắm Trường Sa, ông còn có sáng tác nào về các đảo khác ở quần đảo Trường Sa?
- Có... Và có nhiều nữa là đằng khác! Cho đến nay tôi đã sáng tác được 17 ca khúc về Trường Sa, trong số đó có ca khúc Gặp anh trên đảo Sinh Tồn (được tặng giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam), ca khúc Vầng trăng nơi đảo xa (Giải A của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) và một số ca khúc khác như Tâm tình người lính Trường Sa, Tiếng hát đảo Sơn Ca, Ðêm trên đảo Thuyền Chài.....
* Hiện nay ca khúc viết về Trường Sa khá nhiều, với nhiều thể loại và phong cách đa dạng... Ông có nhận xét gì về vấn đề này?
- Mỗi con người có một dáng nét riêng để phân biệt họ với những người khác. Vậy thì mỗi tác giả đều phải có phong cách sáng tác riêng của mình cũng là điều tất yếu. Phong cách nhạc cổ điển, bán cổ điển phương Tây, hay phong cách dân ca Việt Nam, hoặc phong cách nhạc trẻ, theo tôi không việc gì phải bàn cả... Điều đáng lưu ý là, dù viết ở thể loại nào, dù cho phong cách gì đi nữa, thì tác phẩm đó phải tạo được ấn tượng, đi vào tâm hồn của người thưởng thức. Không làm được điều đó thì có viết đến hàng trăm ca khúc phỏng được gì?
* Đến nay ông đã có khá nhiều ca khúc viết về các đề tài khác nhau, liệu thời gian tới đề tài Trường Sa có còn được ông quan tâm?
- Một nhạc sĩ chuyên nghiệp thì cả đời họ viết từ 300 đến 400 ca khúc là chuyện bình thường... Tôi cũng không là ngoại lệ. Vấn đề là họ đã để lại gì cho cuộc đời (dẫu là một vài) trong số lượng ca khúc ấy, thế là cũng thỏa rồi! Tôi nay đã 63 tuổi, là tuổi bước dần lên lão. Người lớn tuổi thì phải cẩn thận khi sống, khi suy nghĩ, khi chọn đề tài và cả khi viết. Trường Sa là đề tài không chỉ của quê hương Khánh Hòa mà còn là của cả Việt Nam... và đề tài ấy luôn luôn nằm trong tâm trí tôi!
* Xin cảm ơn nhạc sĩ.
Áo Trắng số 13 ra ngày 15/07/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận