Không gian âm nhạc mà ông là tác giả khi đó cũng không ít ngậm ngùi...
Phóng to |
Nhạc sĩ Bảo Chấn (phải) và ca sĩ Ngọc Anh nồng nàn với bài hát Bên em là biển rộng trong đêm nhạc 2-11 tại TP.HCM - Ảnh: CƯỜNG NGUYỄN |
Vậy là sau tám năm khán giả thành phố mới lại “gặp” ông - tác giả của hàng loạt ca khúc: Nỗi nhớ dịu êm, Hoa cỏ mùa xuân, Bên em là biển rộng, Biển chờ, Chiếc lá vô tình, Dấu vết, Và cơn mưa tới, Một ngày mùa đông, Về với anh... từng phủ sóng tai nghe của người yêu nhạc Việt những năm 1990.
Rồi sau đó, sau những ồn ào của vụ án đạo nhạc Tình thôi xót xa, cái tên nhạc sĩ Bảo Chấn dần dần khuất lấp. Khuất lấp bởi chính người trong cuộc muốn thế, ông thậm chí đã phải ra nước ngoài sống một thời gian để tránh những búa rìu dư luận. Tám năm, đủ để bây giờ ông bình thản khi chiêm nghiệm rằng cú ngã ấy giống một chu kỳ của số phận, rằng sau khi ông đã nhận được dường như no nê danh lợi của phù hoa thì điểm rơi của định mệnh đã sắp đặt sẵn: ông phải tán gia bại sản, chẳng còn gì!
Nhưng có một thế hệ từng nghe nhạc thập niên 1990 không quên ông. Những người làm nghề không quên ông. Bởi thế tám năm ấy ông vẫn lặng lẽ cộng tác cùng đồng nghiệp, đứng đằng sau phối khí cho rất nhiều ca sĩ, album nổi tiếng. Có đến 90% nhạc phối khí để biểu diễn ở hải ngoại được làm ở VN, và Bảo Chấn là một phần không nhỏ trong 90% ấy. Để sự trở lại sân khấu trong những đêm nhạc mà nhạc sĩ Lê Minh Sơn làm đạo diễn, hay sắp tới đây là đêm nhạc của người bạn đồng niên: nhạc sĩ Dương Thụ lại thắp lên trong lòng người nghe nhạc không ít hoài niệm về một thời chưa xa...
Tôi sáng tác để chiêu đãi người nghe
* Trở lại bằng sự xuất hiện trên sân khấu thay vì lặng lẽ sau những bản phối khí, cảm giác và cảm xúc của ông ra sao?
- Ớn lạnh - như đang làm một chuyện gì trang trọng lắm, sợ mình sơ suất gì đó, lỡ mình mặc đồ không đẹp thì không sửa sai được. Sân khấu với tôi như ngôi đền mà bước ra là không thể thờ ơ, không thể bông phèng được. Nhưng tất nhiên cũng không đến nỗi rùng rợn quá, tôi biết nhiều ca sĩ giọng rất tốt mà lên sân khấu tự nhiên giọng bị rè.
* Trước Lê Minh Sơn, hẳn cũng có nhiều đồng nghiệp “cố” kéo ông ra phía trước tấm màn nhung sân khấu chứ?
- Mỗi người đều có mục đích khi làm chương trình, còn mình có quyền chọn sân chơi. Tôi bị Sơn thuyết phục bởi sự thấu hiểu. Sơn rất là quái. Tôi trọng tài năng của Sơn nên nhận lời. Sơn cùng với Lưu Thiên Hương, Đỗ Bảo, Hồ Hoài Anh... hồi xưa mình nổi tiếng thì tụi nó đu cánh gà xem. Giờ thì tụi nó làm cho tôi vui, cho tôi sự tin tưởng rằng âm nhạc Việt chưa đến nỗi nào...
* Lê Minh Sơn đã dành cho ông những lời nhiệt thành, rằng thập niên 1990 là của Bảo Chấn, băng đĩa, sân khấu, sóng phát thanh, sóng truyền hình và cả quán cà phê là của ông. Những năm ấy đi đâu cũng nghe nhạc mình, ông thấy thế nào?
- Thị trường hồi đó còn khiêm tốn nên những đĩa nhạc mình làm chung với mọi người được phát hoài. Nghe một hồi tôi cũng chẳng để ý nữa, nghe riết cũng giống như mình bây giờ đi cà phê nghe thấy nhạc mà thôi. Thời điểm tôi chơi nhạc, mọi người đang muốn lùng nghe một thứ gì khác đi.
Tôi là nhạc công, khi chơi đàn tôi quan sát, nhìn được dung mạo bài hát tôi hiểu tại sao người ta thích. Tôi nảy ra ý định sáng tác, sáng tác để chiêu đãi người nghe. Tôi rút ra kinh nghiệm nhạc phải có tính đại chúng, tính nâng cao và tính phổ cập, không phổ cập thì chết, vì bán được cho ai? Các bài hát nổi tiếng bây giờ nổi trội vẫn là bài của các nhạc công đấy, như Đức Trí, Đỗ Bảo, Võ Thiện Thanh, Hồ Hoài Anh, Trần Mạnh Hùng. Nhạc công mà viết nhạc là tinh ranh lắm. Tất nhiên vẫn có ngoại lệ.
Kỷ niệm là đời sống hiện tại
* Ông từng nói khiêm nhường rằng: “Những bài đại chúng thích không phải là bài hay, chẳng qua tung ra đúng lúc, đúng dịp, gặp đúng ca sĩ thời thượng”...
- Thì nhiều người vẫn phê phán chúng tôi lời lẽ không sâu sắc bằng một số người khác. Nhưng ca khúc mà, giai điệu giải quyết mọi chuyện, lời ca chỉ giải quyết cho giai điệu thôi. Mà những bài tôi “trúng” lại là những bài tôi không đánh giá cao nhưng người nghe rất thích như Nỗi nhớ dịu êm, Nơi ấy bình yên... Sau này tôi thích nâng cao, tính phổ cập ít đi, những bài tôi thích như Rồi dấu yêu về, Chiếc lá vô tình, Dấu vết, Về với anh, Như cơn mưa đi mãi... thì người nghe cũng bắt đầu ít đi...
Nhưng tôi không thể quay lại con đường như xưa nữa, như trước đây tôi cũng viết nhạc sến cho một số ca sĩ hải ngoại đấy, mà tôi xấu hổ nên để tên khác nên các bạn không biết đâu.
* Nhưng có mâu thuẫn gì không khi ông bảo: “Sáng tác là cái gọi lên từ kinh nghiệm, kỷ niệm”. Đã là kỷ niệm thì cách nào mà đại chúng lại gặp kỷ niệm riêng tư từ một người nhiều lần đến thế?
- Mẫu số chung là ở đời ai chẳng đau khổ, than hoài đau khổ thế nào chả gặp vô số người đồng cảm. Khi viết, 30 phút sáng tác sẽ cộng với nửa cuộc đời, giống bức hình cũ khi xem lại cả đống kỷ niệm ùa về, bịa tạc thành lời thôi. Chứ mỗi bài hát là một câu chuyện thì mấy bà vợ giết mình chết (cười). Có nhiều khi chả có cô nào đá mình, nhưng mình bịa ra cho nó đau đớn chút xíu. Lâu lâu cũng bị vợ hỏi: “Ê bài đó phải tôi không đó?”, mình trả lời liền: “Bà chứ ai!”.
* Vậy những kỷ niệm trong khoảng tám năm trở lại đây có đủ mạnh để ông tải nó thành âm nhạc?
- Cũng có ít bài, nhưng phai nhạt lắm, lại nguội theo tuổi. Tôi ngoài 60 rồi, kỷ niệm có khi là đời sống hiện tại. Nghề sáng tác đứng thứ ba, bài hát ra trước rồi sau đó là ca sĩ, nhạc sĩ khuất sau đó. Mấy ai để ý đến nhạc sĩ, tiền cũng ít. Tôi sống nhờ vợ con là chính, họ cũng chẳng muốn tôi làm nhạc nữa.
Hiện tại người ta nghe nhiều loại, trào lưu cũng khác. Mình không có gì buồn, đó là nhạc sinh hoạt, lâu lâu biết đâu vẫn đẻ ra quái nhân. Tôi chẳng bao giờ thất vọng về âm nhạc Việt như những người khác than vãn. Tôi nghĩ mọi cái tự thân vận động, bảo đảm những người mới không bao giờ kém chúng tôi.
* Ông và những sáng tác của ông đã đem đến cho công chúng nhiều giọng ca nổi tiếng. Họ ở đâu mà đêm nhạc hôm qua lại là Tấn Minh và Ngọc Anh, những cái tên mà chắc rằng thời ông nổi tiếng, ông còn chưa biết đến họ?
- Ngọc Anh hát nhạc của tôi cũng hay lắm đó. Đêm qua, sau buổi diễn, đi ăn khuya vô tình tôi gặp Thanh Lam, tôi bảo: “Khi nào em hát lại những bài của anh như kiểu ngày xưa đi...”. Cô ấy khóc vì xúc động. Tôi cũng nhớ ngày xưa lắm. Ngày xưa đi show vui, ca sĩ nổi tiếng cũng đi cả đoàn bằng xe đò, hay đi show bằng xe máy chứ đâu như bây giờ, sát giờ diễn mới lạnh lùng xuống sân bay. Ngày xưa, Bằng Kiều là người hát nhạc tôi quái nhất, hồi ấy Bằng Kiều suốt ngày chở Mỹ Linh đi hát, tôi còn đùa chúng mày mà lấy nhau thì sinh ra toàn chai LaVie! (bật cười)
* Bây giờ hạnh phúc của ông là gì?
- Tri túc - tiện túc, biết đủ là đủ. Cái đó rất dữ dội, vì con người ta, tôi quan sát rồi, bao tử như không có đáy vậy, lúc nào cũng sợ không bằng người nọ người kia. Trong khi mình chỉ cần ngày ăn hai bữa, không bị đói, có nhà để ở và không thiếu tiền điện, thế là đủ rồi.
* Cảm ơn ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận