Ban nhạc Nhật Bản Arashi có album bán chạy nhất - 3,3 triệu bản - trong năm qua - Ảnh: JAPAN FORWARD
Thành tích của những ban nhạc "bản địa" ở những thị trường riêng biệt hé lộ một cách nhìn khác trong thời đại âm nhạc toàn cầu, nơi mà cuộc đua tới Mỹ, sự thừa nhận của khán giả Mỹ trở thành thước đo của sự thành công.
Không có gì bất ngờ khi những cái tên quen thuộc như Lover của Taylor Swift, Map of the soul: Persona của BTS, Where we fall asleep, where do we go? của Billie Eilish và Thank u, next của Ariana Grande đều xuất hiện.
1. Một chút bất ngờ nho nhỏ đến từ việc album nhạc phim của A star is born và Bohemian Rhapsody, sau gần hai năm phát hành, vẫn trụ vững trên bảng xếp hạng và không hề có dấu hiệu hạ nhiệt, và việc Abbey Road - album phòng thu cuối cùng của The Beatles - gây sốt trở lại nhân dịp kỷ niệm 50 năm phát hành lần đầu tiên.
Nhưng bất ngờ thực sự đến từ vị trí số 1 trong danh sách album bán chạy nhất năm. Những tưởng sự trở lại của Taylor Swift đã là sự kiện lớn nhất trong năm qua của làng nhạc đại chúng.
Taylor Swift - Lover
Vậy mà không. Lover bán được 3,2 triệu bản, con số rất lớn, nhưng vẫn chịu xếp sau một album tổng hợp của Arashi. Album 5×20 All the BEST!! 1999-2019 của Arashi bán được những 3,3 triệu bản.
Câu hỏi là: vậy thì Arashi là ai? Chúng ta cứ nghĩ rằng BTS đã là nhóm nhạc nam bán chạy nhất châu Á hiện thời. Rồi bỗng dưng xuất hiện một nhóm Arashi nào đó mà khán giả quốc tế hầu như không ai biết.
Bắt đầu thành lập từ năm 1999, Arashi thực chất là một nhóm nhạc đã hoạt động hơn 20 năm, là một biểu tượng của nhạc pop Nhật Bản.
Cái tên Arashi trong tiếng Nhật có nghĩa là "cơn bão", với mong muốn ban đầu là họ có thể trở thành cơn bão càn quét khắp thế giới. Điều đó đã không xảy ra, nhưng dường như cũng chẳng quan trọng nữa.
Arashi không phải cái tên duy nhất đại diện cho những nền âm nhạc địa phương lọt vào danh sách của IFPI. Xếp ngay trên Abbey Road là một album không tựa đề của Ramstein - một ban nhạc rock đến từ nước Đức.
Dù Ramstein cũng hoạt động khá tích cực ở Mỹ và các nước châu Âu khác, từng được nhận xét rằng "so với Ramstein thì những ban metal của Mỹ vừa vụng về, vừa trẻ con lại thiếu máu", nhưng vẫn khó có thể gọi họ là những ngôi sao quốc tế.
Ban nhạc Nhật Arashi
2. Thành tích của những ban nhạc "bản địa" ở những thị trường riêng biệt hé lộ một cách nhìn khác trong thời đại âm nhạc toàn cầu, nơi mà cuộc đua tới Mỹ, sự thừa nhận của khán giả Mỹ trở thành thước đo của sự thành công.
Danh tiếng trên đất Mỹ luôn được phóng đại và trông có vẻ hào nhoáng hơn so với việc nổi tiếng ở bất cứ nơi nào khác. Nhưng thực tế, theo những số liệu của IFPI, hầu hết ở đâu chúng ta cũng ưu ái âm nhạc địa phương.
Ở Hàn Quốc, 10 album bán chạy nhất đều thuộc về các nhóm Kpop. Ở Tây Ban Nha, đó là 10 album của nghệ sĩ Tây Ban Nha. Tương tự với Brazil và Anh. Thị trường âm nhạc ở Nhật Bản, Pháp, Bỉ, Đức, Ý cũng thể hiện "tính dân tộc" rất cao.
Toàn cầu hóa là nguyên nhân chúng ta có ngày thứ sáu hằng tuần trở thành "ngày phát hành quốc tế", giúp người hâm mộ trên khắp thế giới có thể stream hoặc mua nhạc gần như cùng lúc, tránh tình trạng mua lậu khi mà phát hành nơi trước nơi sau.
Nhưng có vẻ chỉ cách thức nghe nhạc là giống nhau ở mọi nơi, còn thị hiếu thì luôn khác biệt.
Nhưng xét cho cùng thì cũng như trong văn chương, bạn không thể nói Haruki Murakami liệu có thành công hơn Minae Mizumura hay không.
Thứ ngôn ngữ sáng rõ có thể giúp Murakami được dịch thuật và đọc trên toàn cầu, trong khi thứ ngôn ngữ quá tinh xảo và khiến tác phẩm của Mizumura gần như bất khả dịch và chỉ được biết đến ở Nhật Bản.
Nhưng thế giới vẫn luôn cần những nghệ sĩ bản địa và không thể tiếp cận như Mizumura, để sự khác biệt không bao giờ bị đồng hóa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận