09/08/2020 11:58 GMT+7

Nhắc nhau giữ sức khỏe vì cuộc chiến với COVID-19 còn dài

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Vận chuyển gần 1.000 ca bệnh thông thường để giảm tải cho các bệnh viện đang bị phong tỏa, những chiếc xe của Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng đã không ngừng nghỉ.

Nhắc nhau giữ sức khỏe vì cuộc chiến với COVID-19 còn dài - Ảnh 1.

Tiếp nước, bù khoáng sau một ca vận chuyển bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng “tắm mồ hôi” - Ảnh: LAN NHÃ

'Đã có lúc đuối sức nhưng không ai muốn bỏ cuộc. Chúng tôi nhắc nhở nhau giữ sức để còn đóng góp dài lâu trên chiến trường chống dịch như chống giặc này vì đâu có ai thay thế vai trò của mình' - bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, phó giám đốc Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng, nói.

Trong bộ đồ 'không điện giải'

Với mấy ngày được nghỉ ngơi hồi phục sau những ngày làm việc quên ăn quên ngủ, y sĩ Huỳnh Đức Thành đã phục hồi. Anh được tạm bố trí việc hành chính tại Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng. Cuối ngày 4-8, anh kiệt sức, đồng đội đưa đi truyền nước. 10 ngày qua, lịch làm việc trên những chuyến xe 115 của anh kín mít, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng.

Ngoài các ca cấp cứu thông thường, chỉ trong chưa đầy một tuần trung tâm này thực hiện vận chuyển gần 1.000 lượt bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng sang các bệnh viện khác. Đó là chưa kể những chuyến xe đưa hơn 200 người nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng về các bệnh viện được chỉ định điều trị.

'Theo nguyên tắc phòng dịch, khi làm nhiệm vụ luôn mặc đồ bảo hộ để bảo vệ đội ngũ' - bác sĩ Ngô Thị Phương Thảo, phó giám đốc Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng, nói. Miền Trung đang nắng nóng, mồ hôi vã nhanh chóng, rất dễ mất nước.

'Anh em đều biết và đều chuẩn bị các loại nước bù khoáng mang theo. Nhưng khi mặc đồ bảo hộ lên người rồi thì chỉ dám uống nước và làm vệ sinh cá nhân sau khi thực hiện xong ca bệnh và thực hiện khử khuẩn.

Khi nhận vận chuyển các ca bệnh đường dài, các trường hợp nghi nhiễm hoặc bệnh nhân COVID, mọi người thường được trang bị đồ bảo hộ rất dày, dự liệu trường hợp 'không điện giải' trước khi đi uống nước rất nhiều để bù. Nhưng nắng nóng quá nên không chịu nổi vì mất rất nhiều mồ hôi và sức lực' - y sĩ Huỳnh Đức Thành nói.

Những chuyến xe không ngừng lăn bánh

Chỉ có 15 xe, có thời điểm trung tâm này vận hành tới hơn 150 chuyến mỗi ngày để 'sơ tán' các bệnh nhân mắc COVID-19, các ca cấp cứu, chuyển người là F1 đi cách ly... Những chuyến xe đã không dừng bánh bất kể ngày đêm.

Theo bác sĩ Ngô Thị Phương Thảo, phức tạp nhất là những ca chở bệnh nhân COVID-19 nặng từ Bệnh viện Đà Nẵng ra Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 ở Phong Điền với thời gian cả đi lẫn về hơn 4 tiếng đồng hồ. Trong thời gian này, ngoài công việc chuyên môn, anh em phải chấp nhận 'chịu nhiệt' khi mang lớp trang bị đồ 'đặc chủng'.

'Đợt cao điểm vẫn là tuần lễ vận chuyển bệnh nhân ra khỏi Bệnh viện Đà Nẵng, gần như xe không ở yên. Việc nhiều, chúng tôi chỉ còn cách cố gắng chia nhỏ ca làm việc và nhắc nhở anh em ăn uống đầy đủ để bù đắp dinh dưỡng tốt nhất cho cơ thể mau phục hồi' - bác sĩ Thảo nói.

Giữa 'tâm dịch', toàn bộ nhân viên Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng đều xác định tự cách ly người thân. Mức độ sẵn sàng cao nhất, toàn bộ trung tâm chia thành 5 kíp trực để xoay vòng nhân viên. Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng khẳng định dù khối lượng công việc trong những ngày tới có nhiều hơn nữa thì toàn bộ nhân lực trung tâm đều quyết tâm "bám trụ" 100% quân số để chia sẻ công việc cho nhau.

"Cấp trên có hỏi đơn vị chúng tôi có cần chi viện nhân lực gì không? Thú thiệt anh em chúng tôi quá vất vả nhưng bây chừ công việc của mình mà mình không làm thì ai thay. Có tay nghề nhưng đâu phải ai cũng nhảy lên xe cấp cứu là quen với máy móc, cách vận hành đâu.

Tôi có hỏi lại anh em là có ai muốn người khác thay thế công việc của mình không thì thật may, chưa ai đưa tay' - bác sĩ Hồng hóm hỉnh.

Ngất xỉu trên đường truy vết F1

Chị là Đặng Thị Thu Hà, nhân viên y tế của Trạm y tế phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cũng phải nằm viện trong những ngày chống dịch vừa qua. Chị kiệt sức sau hơn 10 ngày phải đi quá nhiều nơi để truy tìm F1 và tuyên truyền người dân đi cách ly trong khi mình lại ăn uống, ngủ nghỉ bất thường.

Theo ông Trần Viết Tiến - phó giám đốc Trung tâm y tế quận Liên Chiểu, những người làm công tác y tế như chị Hà làm việc bất kể ngày đêm mỗi khi trên địa bàn phát hiện có ca tiếp xúc F1 với bệnh nhân nhiễm COVID-19.

'Tin báo về liên tục, địa bàn nào có ca F1 thì nhân viên y tế phải tới nhà ngay để hướng dẫn và đưa họ đi cách ly tập trung. Sáng tối gì cũng đi, có như thế mới hi vọng cắt được nguồn lây, chặn được dịch' - ông Tiến nói.

Chi viện cho Quảng Nam, Đà Nẵng: Nhiều y bác sĩ tiếp tục lên đường Chi viện cho Quảng Nam, Đà Nẵng: Nhiều y bác sĩ tiếp tục lên đường

TTO - Hôm qua 8-8, thêm nhiều bác sĩ từ Phú Thọ, Bình Định, TP.HCM cùng đến Đà Nẵng, Quảng Nam chi viện cho hai địa phương này chống dịch.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên