Các vở nhạc kịch được công diễn thời gian này: Cuộc sống Paris, Đêm hè sau cuối, Chuyện tình nàng Giáng Hương và Khu vườn bí ẩn - Ảnh: QUANG ĐỊNH, HBSO, A.M., G.H. |
“Nhạc kịch là loại hình tương lai của sân khấu, là hướng mà sân khấu Việt nên theo đuổi. Với nhạc kịch, tôi mừng cho lớp trẻ có những con người ngay ngắn, tích cực, sáng tạo, góp phần thay đổi diện mạo sân khấu hiện đang đi vào cũ mòn |
Ông Lê Duy Hạnh (nguyên chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM) |
Trước đó tại TP.HCM, Chuyện tình nàng Giáng Hương cũng vừa công diễn vào tháng 10, còn Hà Nội vẫn đang “sốt xình xịch” với vở Đêm hè sau cuối.
“Tiếc là Ben Hur chưa thể ra đời trong thời điểm này vì sự ra đi của đạo diễn Đoàn Bá” - nhạc sĩ Đức Trí tiết lộ về một dự án nhạc kịch lẽ ra cũng ra mắt công chúng vào cuối năm nay.
Làm nhạc kịch bán hết vé và sáng đèn mấy năm
Chuyện tình nàng Giáng Hương sau chín suất diễn chỉ bán chưa tới 20% vé, còn lại chủ yếu là vé mời. Dẫu vậy, đơn vị sản xuất vẫn cho biết sẽ tiếp tục đưa vở này diễn vào dịp Tết Đinh Dậu 2017 và dù lỗ vẫn sẽ duy trì việc diễn nhiều suất với mong muốn tạo cơ hội cho những nghệ sĩ trẻ học hỏi cũng như tạo nên một thói quen xem nhạc kịch.
Thực tế, nhạc kịch không chỉ có lỗ. Ông Nguyễn Minh Tân - phụ trách phòng tổ chức biểu diễn của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) - cho biết các vở nhạc kịch của nhà hát (Dido và Aeneas - 2012, Cây sáo thần - 2014, Carmen - 2015) luôn bán hết vé và tín hiệu đáng mừng là khán giả Việt mua vé khá đông.
Đêm hè sau cuối của Phi Phi Anh cũng là một “kỳ tích” khi luôn trong tình trạng “cháy vé” kể từ lúc ra mắt vào năm 2013 cho đến nay (suất diễn nào vé cũng được bán hết trước đó). Nhạc sĩ Huy Tuấn đánh giá: “Dẫu khuôn viên của L’Espace, Hà Nội khá nhỏ với chưa tới 300 chỗ ngồi, nhưng suất nào cũng kín chỗ là một tín hiệu vô cùng tốt và chỉ cần vài vở thu hút được khán giả như thế thôi là chúng ta đủ tạo nên một thị trường”.
Ca nhạc sĩ Thanh Bùi - người chủ xị vở The secret garden (tạm dịch: Khu vườn bí ẩn) - nói thêm về quyết định làm nhạc kịch trong thời điểm hiện tại: “Những nhà hát nổi tiếng, những vở nhạc kịch kinh điển, tư duy thẩm mỹ và văn hóa thưởng thức nghệ thuật cộng đồng ở các nước trên thế giới không phải tự nhiên mà có. Tất cả mọi thứ đều phải được xây dựng từ những lần đầu tiên, bắt đầu từ cái nhỏ để tạo ra những cái lớn.
Đến khi nào Việt Nam mới có thể làm được những điều đó nếu như không bắt đầu từ bây giờ? Chúng tôi nghĩ rằng chính mình phải làm một cuộc cách mạng, phải là người đặt những viên gạch đầu tiên để tạo nên thói quen thưởng thức nghệ thuật cộng đồng...”.
Và anh cũng vui mừng chia sẻ năm suất diễn đầu tiên (4, 5, 6, 11 và 12-11) của The secret garden đã “sạch vé” trước ngày công diễn đầu tiên tại sân khấu SOUL Live Project, Q.3, TP.HCM.
Khu vườn bí mật và những lần đầu tiên của nhạc kịch Việt...
Nhạc kịch dẫu vậy vẫn là một loại hình nghệ thuật còn khá mới mẻ với công chúng Việt. Vì vậy, bất cứ vở hay dự án nào tại VN hiện tại cũng mang tính tiên phong, đều là những “lần đầu”.
Nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương là vở diễn lần đầu được viết trên cốt truyện cổ Việt Nam về chuyện tình của Từ Thức và Giáng Hương với phần lớn ca khúc được chọn thể hiện là những tác phẩm bất hủ của Văn Cao, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn...
Trong khi đó, The secret garden lại được diễn hoàn toàn bằng tiếng Anh với tất cả lợi nhuận sẽ được chuyển đến tổ chức từ thiện Saigon Children's Charity. Vở còn là một tác phẩm nghệ thuật không biên giới khi kết nối được cả người Việt Nam và người nước ngoài cùng làm việc với nhau từ khâu sản xuất đến biểu diễn.
Thanh Bùi tiết lộ trong tương lai không xa sẽ tái hiện những vở nhạc kịch Broadway khác như: Les miserables, The Lion King, Phantom of the opera ngay tại Việt Nam.
Trở lại với Cuộc sống Paris (công diễn ngày 19 và 20-11 tại Nhà hát TP), đây là vở nhạc kịch đầu tiên được HBSO trình diễn theo phong cách nhạc kịch Broadway (opera được “pop hóa” từ âm nhạc đến phong cách trình diễn kèm vũ đạo thu hút).
Bản dựng lần này của HBSO sẽ được hát bằng tiếng Pháp nguyên bản với lời thoại tiếng Việt, có kèm phụ đề tiếng Anh.
Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng tài năng người Pháp Pactrick Souillot, đạo diễn “có nghề” Tây Phong cùng dàn diễn viên “cứng cựa”: Nam Khánh, Phạm Khánh Ngọc, Đào Mác, Lý Hoàng Kim, Duyên Huyền..., các nghệ sĩ của HBSO hi vọng sẽ mang đến cho công chúng những giá trị nghệ thuật đỉnh cao của thế giới, góp phần làm phong phú thêm đời sống nghệ thuật, giải trí của TP, đặc biệt trong bộ môn đang lên là nhạc kịch.
Có tiếng chứ chưa có tiền Không kể những đoàn chính quy như HBSO hay Nhà hát Vũ kịch Việt Nam (VNOB), thời gian qua nhạc kịch cũng đã được “xã hội hóa”. Nổi bật nhất trong nhóm “xã hội hóa” này là Buffalo. Cùng sinh năm 1990, cùng niềm đam mê nhạc kịch, Nguyễn Khắc Duy và diễn viên Vũ Hoàng Quân quyết chí theo đuổi giấc mơ nhạc kịch Broadway. Họ ra mắt nhóm nhạc kịch Buffalo và từ năm 2013 đến nay nhóm đã dựng nhiều vở nhạc kịch: Chicago, High school musical, Vũ nữ, Tuyết đỏ, Tuyết Sài Gòn, Tấm Cám... Các vở đều gây được tiếng vang, Chicago nhận được giải của Hội Sân khấu Việt Nam, Vũ nữ đoạt giải Cù Nèo Vàng 2014 và huy chương bạc Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2015 nhưng vẫn... lỗ. Với ngần ấy vở diễn, Buffalo xác nhận chỉ mới có tiếng chứ chưa làm ra tiền từ nhạc kịch. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận