TTCT - Đầu tuần này, dự án Hope (Mộng ước) với 35 suất diễn nhạc kịch trong vòng ba tháng tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) vừa được công bố. Số buổi diễn ấy gần gấp đôi độ tuổi của những người thực hiện: đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh cùng các cộng sự. Vở Đêm hè sau cuối -Đô Tăng Khoảng một tháng trước khi vở Đêm hè sau cuối khai màn vào mùa thu này, Phi Anh “mang” mọi cuộc hẹn đến sàn diễn - nơi anh cùng các diễn viên, nhạc công tập luyện. “Ngày xưa tôi ở phòng tập rất nhiều. Ngày nay tôi ở ngoài đường nhiều hơn” - anh nói. Người khai phá “Ngày xưa” là những ngày làm việc từ 7g sáng đến 2g đêm của năm 2012 và 2013, khi hai vở nhạc kịch Góc phố danh vọng và Đêm hè sau cuối do Phi Anh đạo diễn, biên kịch và sản xuất với hàng chục suất diễn. Còn “ngày nay” khi những diễn viên, cộng sự đã quen nhịp làm việc của ba, bốn năm trước, Phi Anh trực tiếp lo những công việc mà anh nhận: “Phải đích thân tôi làm”. Một trong những phần việc quan trọng đó là mời tài trợ. “Tôi cần bán được sức lao động của mình” - Phi Anh nói. Và họ đã “bán được”. Với khoản tài trợ đã có cho Hope, anh nói: “Lần này các diễn viên, nhạc công được trả lương theo cách chuyên nghiệp hơn và khi đã có tài trợ thì giá vé sẽ hạ xuống”. Trở lại sau ba năm, những gì Phi Anh công bố lần này đồ sộ gấp nhiều lần trước. Ba vở nhạc kịch theo phong cách Broadway lần lượt được công diễn từ ngày 4-10. Ngoài hai vở cũ được làm mới là Đêm hè sau cuối và Góc phố danh vọng, anh mang đến vở diễn hoàn toàn mới Mộng ước không xa vời do chính mình viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất. Ba vở diễn trong 35 buổi, mỗi vở có khoảng 35 diễn viên cả cũ và mới - những con số “kinh ngạc” trong thời “truyền hình hóa nghệ thuật”, sô diễn ế ẩm. Để đảm bảo tinh thần “nhạc kịch”, phần âm nhạc được diễn “live” tuyệt đối với 17 nhạc công trực tiếp chơi trên sân khấu. Những bản nhạc đình đám của Lady Gaga, Bruno Mars, Britney Spears..., trích đoạn từ các vở nhạc kịch nổi tiếng như Cabaret, Grease, Nine... phiên bản tiếng Việt do Phi Anh viết lời. Anh chung thủy với tinh thần đưa thể loại còn tương đối xa lạ và “khó nhằn” như nhạc kịch đến gần hơn với đại chúng. Những người trẻ tuổi thực hiện chương trình này muốn hướng đến phục vụ khoảng 10.000 khán giả thuộc mọi giới, trong đó có những người chưa bao giờ bước vào rạp hát, từ người lái xe ôm, người giúp việc, người quét rác, trẻ lang thang đến nhân viên văn phòng... Phi Anh hào hứng nói về cách đưa những vở nhạc kịch đến lớp khán giả đặc biệt: “Mỗi buổi diễn chúng tôi dành khoảng 10 suất vé với giá ưu đãi đến người lao động nghèo và 50 suất dành cho học sinh, sinh viên. Chúng tôi khuyến khích khán giả đã quen với việc xem các chương trình nghệ thuật đi cùng những người chưa bao giờ bước chân vào rạp hát, để chia sẻ niềm vui và những khía cạnh khác nhau của nghệ thuật”. Đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh -Đô Tăng “khi người ta trẻ” Ngoài nhạc kịch, trong thời gian hoàn thành chương trình học ở Mỹ vào năm 2015, Phi Anh đã kịp thực hiện bộ phim truyện dài 90 phút Cơn bão đi qua địa cầu với dự định có thể đưa bộ phim quay ở Hà Nội này ra rạp. Chàng trai sinh năm 1991 từng chứng minh sức sáng tạo đáng nể qua những tác phẩm được đánh giá cao khi còn theo học ở Singapore và Mỹ. Những thành tích thuộc dạng hiếm có đó phải chăng là nhờ bệ đỡ nào hoặc vai vế gia đình? Phi Anh nói anh không phải “con nhà nòi”. “Bố tôi làm kinh doanh, mẹ tôi làm về nhân sự ở Công ty Nokia, nay đã nghỉ việc và chuyển sang làm tư vấn. Gia đình chỉ sống thoải mái, không phải đại gia để con cái thích gì cho nấy. Tôi có một em trai đang theo học ngành toán tại Pháp. Khi tôi theo học nghệ thuật, bố mẹ tôi không hài lòng. Vì không được ủng hộ, tôi chỉ còn cách lao vào học để có học bổng 100% ở nước ngoài từ cấp học phổ thông. Những chương trình tôi làm trước đây đều vào kỳ nghỉ hè khi về nước. Lúc ấy tôi tự xoay xở. Tôi vất vả để bố mẹ thấy tôi có thể vững vàng với lựa chọn của mình và đến giờ bố mẹ mới không phản đối tôi”. Đó là con đường riêng của một người ý thức từ rất sớm về những gì mình sẽ làm và thực thi từng kế hoạch với tinh thần kỷ luật khắc kỷ. Chính những điều này đã hun đúc nên bản lĩnh lãnh đạo và năng lực kết nối ngay ở tuổi đôi mươi. Trong những năm học phổ thông tại Trường Anglo Chinese ở Singapore, Phi Anh đã thực hiện nhiều tác phẩm nghệ thuật thị giác từ tranh trừu tượng đến sắp đặt. Trong số này có tác phẩm mang tên gọi Seeker, Dreamer, Enchanter được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Singapore hơn một tuần và đoạt giải ba toàn Singapore. Hình ảnh ba nhân vật trong bức tranh khổ lớn đó như biểu đạt chính chân dung tác giả: một người khai phá, một kẻ mộng mơ và truyền cảm hứng. Chân dung ấy đang dần được định hình theo những hành trình được chính anh vạch ra rõ ràng nhưng không thiếu sự liều lĩnh, bay bổng. Vở Đêm hè sau cuối -Đô Tăng Khi còn là học sinh, ở lớp 10 Phi Anh đặt mục tiêu đến Singapore khi chính phủ nước này chủ trương cấp học bổng chiêu mộ tài năng từ nước ngoài. Ở Singapore, ngoài học văn hóa, anh tiếp tục học vẽ, tham gia dàn dựng nhạc kịch và đó là bước đệm để nuôi mộng đến Mỹ học nghệ thuật. Những thành tích thời trung học như làm tổng đạo diễn, tác giả kịch bản suốt hai mùa của chương trình gây tiếng vang Geek Show, chỉ đạo sân khấu vở Making Nice đoạt huy chương đồng tại Singapore Youth Festival 2010... giúp anh kiếm được suất học bổng toàn phần cho ngành đạo diễn, biên kịch của khoa sân khấu, điện ảnh Trường ĐH Hamsphire. Khi học ở Mỹ, trích đoạn Raised In Captivity do Phi Anh đạo diễn được giáo sư Djola Branner, trưởng khoa nghệ thuật của trường, gọi là trích đoạn nhạc kịch diễn thú vị và công phu nhất trong những buổi công chiếu. Sau này, Phi Anh tham gia thực tập tại Hãng phim nổi danh Walt Disney, bộ phim Cơn bão đi qua địa cầu - sản phẩm tốt nghiệp của anh - được đánh giá rất cao. Đến giờ, sau những vở nhạc kịch “cháy vé” ở trong nước, 35 buổi diễn mới được hi vọng là “lưng vốn” để anh nuôi tiếp kế hoạch giành học bổng cao học ở Mỹ. Phi Anh nói có thể sau Hope, anh sẽ không tiếp tục làm nhạc kịch để theo đuổi nhiều dự định khác, nhưng thế nào thì anh vẫn giữ điều quan trọng nhất với mình: những người bạn, cộng sự “sống tử tế và đam mê” đã cùng nhau chia sẻ những năm tháng tuổi trẻ, cùng nhau thực hiện những điều chẳng mấy ai làm. “Trong công việc, tôi không chọn diễn viên theo vai hay kịch bản mà ngược lại, tôi sẵn sàng sửa lời thoại, tính cách nhân vật, diễn biến câu chuyện để phù hợp với diễn viên của mình. Những gì liên quan đến con người luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu trong mọi quyết định của tôi” - anh nói.■ Góc phố danh vọng - tác phẩm đầu tay Nguyễn Phi Phi Anh thực hiện tại Việt Nam là câu chuyện lãng mạn, mang màu sắc cổ tích, đậm chất trào phúng xoay quanh tình yêu và ham muốn nổi danh ở ba nhân vật chính là Rudolph, Roxanne và Flint. Đêm hè sau cuối thuộc thể loại nhạc kịch trinh thám với câu chuyện ly kỳ, hài hước xảy ra trong một gia đình trung lưu ở Hà Nội, với những con người hoang mang và không ngừng ngờ vực nhau... Mộng ước không xa vời dự kiến ra mắt lần đầu vào tháng 1-2017 với câu chuyện về một chuyến xe kiểu Uber, nơi mỗi người bước lên đều mang đến những câu chuyện riêng. Tags: Nhạc kịchĐạo diễn trẻNguyễn Phi Phi AnhDự án HopeĐạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.