Tấn Đạt (vai Từ Thức) và Thanh Nguyên (vai Giáng Hương) trong nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương do bà Trần Nguyễn Thiên Hương làm đạo diễn và biên kịch, với chín suất diễn trong các ngày 14, 15, 21, 22 và 23-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Sau ba tháng cật lực chuẩn bị và tập luyện, tối 14-10 êkip chương trình nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương có buổi diễn đầu tiên trước công chúng tại nhà hát Hòa Bình (TP.HCM). Tiếc là người xem không đến kín rạp trong buổi công diễn đầu tiên.
Nhạc kịch còn khá lạ lẫm với số đông công chúng Việt Nam và bản thân nhạc kịch vẫn là một bộ môn nghệ thuật kén người xem. Nhưng không chỉ có thế...
Lấy cảm hứng từ truyện cổ Việt Nam, nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương là một sản phẩm coi được. Nhưng như ý kiến của phần lớn khán giả, nó vẫn chưa đạt đúng chuẩn một vở nhạc kịch bởi phần nhạc thì thừa, phần kịch lại thiếu.
>>Xem clip:
Một trong những ý tưởng táo bạo của vở diễn này là tình yêu của chàng Từ Thức và nàng Giáng Hương được “kể” trên nền nhạc là những ca khúc bất hủ của Văn Cao, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn...
Những tuyệt phẩm Riêng một góc trời, Dư âm, Thiên thai, Kiếp nào có yêu nhau, Cát bụi... nay được giám đốc âm nhạc của dự án là nhà sản xuất, nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam dụng công phối lại thật xuất sắc, khiến khán giả quên mất mình đang thưởng thức một vở nhạc kịch khi cứ sau mỗi bài hát lại vỗ tay rào rào.
Vô tình, phần diễn của nhân vật, những đoạn nhạc mang tính kết nối hay kể cả những ca khúc được viết riêng cho vở (phù hợp hơn cả những tuyệt phẩm kể trên) bị khán giả bỏ quên.
Và như vậy sau mỗi màn (vở có tổng cộng sáu màn) lẽ ra phải vang dội tiếng vỗ tay thì khán giả thản nhiên ngồi chờ hậu đài kéo màn chuyển cảnh.
Với nhạc kịch, cái khó nhất là các nhân vật phải trò chuyện với nhau bằng âm nhạc, nhưng âm nhạc trong Chuyện tình nàng Giáng Hương - dù nhiều - lại lan man, thiếu chặt chẽ, chưa kể một vài lựa chọn không hợp lý như cảnh Từ Thức vừa gặp Giáng Hương lần đầu tiên đã về tương tư và “quằn quại” với Riêng một góc trời, Đông Tử hát Vợ người ta (lời chế) khi Giáng Hương theo Từ Thức, hay đoạn rap “trời ơi đất hỡi” mà Từ Thức đọc cùng Giáng Hương giữa phân cảnh tình cảm chốn bồng lai tiên cảnh.
Lời thoại hơi trẻ con đi cùng những bài tình buồn, mang nặng kiểu độc thoại nội tâm khiến phần diễn khó tự nhiên, thuyết phục, nhất là khi các ca sĩ của vở không giỏi về diễn xuất, nhảy múa.
Cái đáng giá nhất ở vở chính là giọng hát đẹp của Nam Khánh, Tấn Đạt, Thanh Nguyên, Hoàng Kim, Duyên Quỳnh, Mạnh Duy, Thu Hà, Huy Hoàng, Nguyên Vinh, Tương Phùng... - đều là những giọng ca đã qua đào tạo bài bản, được đánh giá cao tại các sân khấu cổ điển thính phòng.
Và việc hóa thân tròn vai vào các nhân vật đã là nỗ lực rất lớn từ họ. Nhưng giọng ca đẹp, ca khúc hay chưa chắc có thể níu chân người xem suốt 90 phút cho một vở diễn chưa liền lạc, thiếu kịch tính hay những chi tiết đắt giá.
Vậy nên nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương vẫn chỉ dừng lại ở mức ca cảnh, mà người xem khi về chỉ lưu luyến bởi những giọng hát hay và các bài ca bất hủ.
“Dù sao với tình hình văn hóa văn nghệ “khá buồn tẻ” hiện nay thì mình rất hoan nghênh những gì mới lạ, để mọi người có thêm nhiệt huyết làm nên thêm nhiều món ăn tinh thần mới” - facebooker Trần Hà Mi, khán giả của chương trình, viết.
Thị trường giải trí vẫn cần lắm những ý tưởng táo bạo, những đầu tư mạnh tay cho các dự án nghệ thuật mang tính tiên phong, tạo nên sự khác biệt như Chuyện tình nàng Giáng Hương. Nhưng cũng cần không kém là sự tỉnh táo chọn lựa chỗ đứng.
Người đưa ra ý tưởng, nhà đầu tư không nhất thiết phải nhọc công ôm luôn cả phần viết kịch bản, làm đạo diễn hay dàn dựng.
Dẫu biết rằng tất cả những điều đó đều được làm từ đam mê và tình yêu vô điều kiện dành cho nhạc kịch. Nhưng yêu đến... bất chấp thì quả có thiệt thòi cho cả đôi bên!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận