22/08/2012 04:42 GMT+7

Nhạc hội đàn tranh: 2 câu chuyện, 1 nỗi buồn

LÊ TÂN SƠN
LÊ TÂN SƠN

TT - Ðó là câu chuyện từ Nhạc hội đàn tranh khu vực châu Á vừa được tổ chức tại Macau (ngày 12và 13-8) và chuyện về Nhạc hội đàn tranh châu Á sắp diễn ra ở VN.

Theo kế hoạch, nhạc hội sẽ diễn ra vào tháng 9 tại Nhạc viện TP.HCM...

XQgK7zG2.jpgPhóng to
Hội ngộ đàn tranh 2011 với hai danh cầm Hải Phượng (trái) - Vân Ánh cùng nhiều tài năng nhạc dân tộc đã không kiếm đủ tài trợ để làm được những điều tốt hơn - Ảnh: LÊ TÂN SƠN

Trong những lần hiếm hoi về nước, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên đều nhắc đi nhắc lại khát khao đưa âm nhạc dân tộc vào học đường, ngay từ cấp tiểu học. Ðó không đơn thuần là chuyện dạy nhạc hay nâng cao khả năng mỹ học cho các em. Câu chuyện lớn hơn nằm ở chỗ nuôi dưỡng lòng yêu âm nhạc nước nhà bởi người ta sẽ không thể cảm, yêu một cái gì đó khi không biết nó là gì. Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên kể ở Úc, nơi anh dạy nhạc, trẻ em được học nhạc từ rất sớm và là học nhạc dân tộc, sau đó mới đến âm nhạc các nước khác.

Giáo sư Trần Quang Hải cùng phu nhân - danh ca Bạch Yến, trong nhiều cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ cũng cho biết điều tương tự được thực hiện ở khắp các nước: nền tảng vững chắc về nhạc dân tộc được xây dựng, củng cố từ rất sớm.

Những chuyến lưu diễn để giới thiệu cái hay, cái đẹp của nhạc Việt của GS Trần Quang Hải - Bạch Yến hay lần tham gia nhạc hội đàn tranh vừa rồi của nghệ sĩ Hải Phượng đều được ban tổ chức nước bạn "bao" hết toàn bộ chi phí ăn, ở, đi lại, thậm chí còn được nhận thù lao mang về.

Tại VN, Nhạc hội đàn tranh châu Á là cái tên đã được chọn từ chương trình Hội ngộ đàn tranh lần 2 năm 2011 tại Cung văn hóa Lao động với mong mỏi sẽ hội tụ những tài năng nhạc dân tộc các nước đến Việt Nam để cùng giao lưu, học hỏi. Thế nhưng đến tận hôm nay, khi chỉ còn non tháng nữa chương trình sẽ chính thức bắt đầu thì chỉ mới có đoàn Nhật xác nhận sẽ đến, các nước khác vẫn im lặng. Nguy cơ rất lớn là chương trình sẽ phải đổi tên, rút gọn thành Nhạc hội đàn tranh, không còn "châu Á". Buồn hơn nữa là ngay cả các đoàn trong nước như Học viện Âm nhạc quốc gia VN, Học viện Âm nhạc Huế... cũng chưa xác nhận sẽ tham gia hay không. Lý do? Tiền.

Không có kinh phí. Không được tài trợ, ban tổ chức nhạc hội đàn tranh không thể trả chi phí máy bay, ăn ở cho các nghệ sĩ khách mời. Ðoàn nghệ sĩ Nhật đến Việt Nam sẽ phải tự túc mọi chi phí. Khi được hỏi vì sao không nhân cơ hội sang Macau để mời nước bạn, Hải Phượng cười buồn: "Mặt mũi nào mình vừa mới cầm tiền của người ta rồi mở miệng bảo người ta tự lo chi phí qua tham gia với mình". Sự phối hợp giữa Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương, Cung văn hóa Lao động và Nhạc viện TP.HCM cũng chỉ giúp chương trình có một khán phòng tốt hơn cho âm nhạc - khán phòng của nhạc viện thay vì hội trường cung văn hóa vốn không được thiết kế cho các đêm nhạc đỉnh cao.

Sự "lặng lẽ" của âm nhạc dân tộc, tương tự ở mảng nhạc hàn lâm Việt, đã không đủ sức thuyết phục nhà tài trợ dù ai cũng hiểu chất lượng của những đêm nhạc này cao đến mức nào. Giữa một nền âm nhạc chuộng sự ồn ào, hào nhoáng, phấn son, thật khó trách sao người ta chỉ đặt rating (tỉ lệ người xem) hay hiệu ứng truyền thông lên hàng đầu.

Trên chuyến bay về nhà...

...Bây giờ mới thật là nhẹ nhõm. Ngả lưng thoải mái trên ghế máy bay và hồi tưởng hai ngày vất vả mà đầy vui vẻ vừa qua, cảm xúc lâng lâng vẫn còn in đậm trong tâm hồn mình.

Nhớ mãi hình ảnh mọi người cùng loay hoay mô tả, so sánh, săm soi các cây đàn của nhau rồi cùng "ồ, à..." thích thú.

Ðầu tiên là so kích thước của các cây đàn. Cây đàn koto Nhật Bản là dài nhất: 180cm, đàn kayakeum của Hàn Quốc thì 160cm, đàn guzheng Trung Quốc dài khoảng 150cm và cây đàn tranh Việt Nam "mi nhon" nhất với chiều dài chỉ 125cm. Nói về cân nặng thì cây guzheng đứng đầu và cây đàn Việt Nam là nhẹ nhất. Bà Yamauchi, nghệ sĩ koto, xin cầm thử cây đàn tranh và cứ tấm tắc: sao mà nhẹ thế.

Rồi đến lượt thử tiếng đàn. Tuy cũng là các cây đàn cùng họ đàn tranh nhưng âm sắc mỗi cây đương nhiên khác nhau vì mỗi cây thể hiện quan điểm thẩm mỹ của từng dân tộc và bắt chước tiếng nói của dân tộc đó nên thật là phong phú. Ðàn koto có hệ thống thang âm đặc trưng riêng biệt, đàn kayakeum (Hàn Quốc) mạnh mẽ và cách nhấn thì y như cách nói nhấn âm mạnh như có dấu hỏi của tiếng Hàn, đàn guzheng Trung Quốc trầm ấm, đàn tranh Việt Nam thì âm thanh trong trẻo. Min Yung Kim nói: "Bạn nói thử một câu tiếng Việt đi". Mình mới nói rằng Min là nghệ sĩ đẹp nhất mình từng thấy, đẹp như là hoa hậu. Min chẳng hiểu gì cả nhưng nhận xét: "Cây đàn của bạn nói giống bạn". Mình sờ vô những đầu ngón tay phải của Min và cảm nhận được tất cả các vết chai cứng hình thành qua tháng năm miệt mài với nghề nghiệp. Cô ấy lại sờ ngón tay của bàn tay trái mình để cũng thấy những vết cắt thật nhỏ qua những lần miết sâu trên dây đàn.

Ông Peter Tam - thành viên ban tổ chức sau đêm diễn, đến nói rằng: "Lúc đầu tôi cứ nghĩ đàn Việt Nam giống như Trung Hoa, nhưng bây giờ thì tôi đã biết sự khác biệt rồi". Mình có thể làm gì? Ông ấy còn nói: "Chúng tôi đã rất lo lắng: liệu chúng tôi có cần phải để micro riêng cho cô không. Nhưng sau khi tổng duyệt thì tôi biết là không cần phải lo nữa, tiếng đàn VN rất vang và sắc nét đến từng ngón nhấn".

À cái này thì mình phải về cảm ơn nhạc sư Vĩnh Bảo mới được. Mẹ cứ bảo mình là "anh hùng thì phải có bửu kiếm" ... mà thầy Vĩnh Bảo thì lại bảo "thôi thầy lên núi ở ẩn rồi, thầy làm cho con mấy cây đàn đặc biệt để ra giang hồ vậy". Và thiệt không hổ danh "đàn Vĩnh Bảo", tiếng đàn thật vang và ngân dài cho đến từng nốt nhấn. "Lão sư" Hoàng Châu (người độc tấu guzheng) từ Bắc Kinh đã thử và lắc đầu thán phục: "Cây đàn guzheng không thể nào nhấn đến quãng 4 như vậy được".

Sáng nay báo Macau đăng bài về nhạc hội, có ảnh của mình và giáo sư Hoàng Châu nữa cùng với những lời nhận xét hết sức tốt đẹp.. Vui quá đi!

Lại nghĩ đến lời ông Hoàng (nhạc sĩ sáng tác bài guzheng được diễn tấu trong chương trình) đã nói: "Cây đàn Việt Nam được chú ý đặc biệt vì giai điệu phong phú, cách "chuyển hơi" của đàn Việt Nam là cực kỳ độc đáo. Chỉ sử dụng một cây đàn mà diễn tả nhiều hơi nhạc khác nhau tạo ra nhiều giai điệu khác nhau". Ông ấy còn nhận xét rất hay rằng: sau này khi kỹ thuật ngày càng phát triển và không còn xa lạ với giới chơi đàn tranh các nước, thì giai điệu chính là cái quyết định cho thành công của tác phẩm.

Chia tay và hẹn một ngày nào đó sẽ được gặp lại mọi người. Ở đâu đó trên trái đất hay ở VN chẳng hạn. Có ai cấm mình mơ đâu nhỉ!

LÊ TÂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên