Ông không mặc áo đuôi tôm hay bất cứ bộ đồ lịch thiệp nào vẫn gắn liền với dòng nhạc cổ điển. Ông mặc một chiếc áo nỉ, quàng tấm khăn dày màu đỏ, đắp một chiếc chăn mỏng cũng màu đỏ.
Tay không có gậy chỉ huy, nhưng ông đang chỉ huy dàn nhạc Saito Kinen mà ông sáng lập chơi đoạn ouverture trong bản Egmont của Beethoven. Buổi trình diễn được tường thuật trực tiếp cho những nhà du hành vũ trụ trên Trạm không gian quốc tế ISS.
Seiji Ozawa - tài năng châu Á
Đó là buổi concert chính thức cuối cùng của Seiji Ozawa. Với đôi tay run rẩy, gần như không có sức để nâng lên hạ xuống hay vung vẩy, nhưng vị nhạc trưởng già vẫn điều hành dàn nhạc chơi một bản bi kịch đầy hào hùng. Ông chảy nước mắt khi bản nhạc kết thúc.
Seiji Ozawa mất vào đầu năm nay, ở tuổi 88.
Ngay cả những người không yêu âm nhạc lắm cũng đâu đó đã biết đến ông, qua một cuốn sách thật kỳ lạ giữa ông và tên tuổi lớn của văn chương Nhật đương đại, Haruki Murakami, cuốn Absolutely on Music (đã từng được dịch ở Việt Nam với tiêu đề Bàn về âm nhạc).
Beethoven: “Egmont” Overture / Ozawa · Berliner Philharmoniker
Nội dung sách như tên, chỉ gồm những cuộc trò chuyện rất sâu của hai nghệ sĩ về âm nhạc, và trong đó Ozawa đã kể lại câu chuyện tuổi trẻ của mình những năm 1960.
Khi ông chỉ là một thanh niên Nhật tới New York với vốn tiếng Anh bập bẹ, đến mức kể cả khi tình cờ được cặp đôi màn bạc Elizabeth Taylor và Richard Burton bắt chuyện thì ông cũng chẳng nói được gì.
Khi đồng lương của ông làm trợ lý cho nhà soạn nhạc/nhạc trưởng Leonard Bernstein chỉ là 100 USD/tuần, những ngày trời nóng phải ra rạp chiếu bóng ngủ tạm;
Khi ông không có nổi một cây piano làm của riêng và phải đọc chay bản nhạc nhiều đến nỗi nó trở thành một kỹ năng thượng thừa của ông;
Và cả cái lần vì không có cây gậy chỉ huy nào tử tế nên ông đã "thó" mất ba chiếc của nhạc trưởng Eugene Ormandy trước khi bị phát hiện.
Lần đầu Ozawa chỉ huy một dàn nhạc trước công chúng là khi Leonard Bernstein, sau khi đã trình diễn bản encore khép lại buổi diễn và được tiếng vỗ tay của khán giả gọi trở lại sân khấu, ông lôi Ozawa ra - lúc này còn chưa chuẩn bị tinh thần mình sẽ phải đứng trước khán giả - và đề nghị mọi người thưởng thức tài năng của nhạc trưởng trẻ tuổi.
Khán giả mới đầu thất vọng nhưng sau đó họ đều sửng sốt. Đó là điểm khởi đầu của một biểu tượng, một trong những tên tuổi châu Á đầu tiên làm nên chuyện trong bộ môn gần như toàn những người da trắng.
Maurizio Pollini ngoài 80 vẫn chơi đàn
Bên cạnh nhạc trưởng Ozawa, vừa qua nhạc cổ điển còn đón một tang lễ nữa - nghệ sĩ dương cầm người Ý vĩ đại của nửa sau thế kỷ 20, Maurizio Pollini.
Ngày Pollini xuất hiện trong Cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin, Artur Rubinstein, huyền thoại được mệnh danh là "Vua Arthur" của giới piano, đã không tiếc lời ca ngợi rằng Pollini dù là thí sinh trẻ nhất nhưng đã chơi nhạc hay hơn tất cả các vị giám khảo ngồi đây.
Thế mà chiến thắng cuộc thi ấy xong, Pollini đi ở ẩn, mãi mấy năm sau mới tái xuất giang hồ. Suốt cả đời mình, ông luôn kiệm lời, ít nói, để những bản diễn tấu thay lòng mình.
Mất đi Pollini là mất đi một người có thể đi vào tận cùng cõi mơ buồn của Chopin, mất đi một người tiên phong đưa tác phẩm của những người cùng thời như Boulez, Ligeti, Stockhausen vào nhạc mục của mình, với khao khát để khán giả phải biết đến họ như luôn biết về Beethoven hay Mozart.
Nhưng chúng ta còn có thể đòi hỏi gì thêm tới những con người như Pollini khi mà ông đã trao cho chúng ta cả cuộc đời mình?
Maurizio Pollini – Beethoven: Sonata No. 30
Với Maurizio Pollini, ông có buổi biểu diễn đầu tiên năm 11 tuổi, và ngoài 80 vẫn còn chơi đàn.
Trong khi đó nhạc trưởng Seiji Ozawa, ngay cả khi bị chẩn đoán bệnh ung thư thực quản vào hơn 10 năm trước, vẫn một mực khẳng định sẽ "dạy học và chỉ huy dàn nhạc đến ngày tôi chết", và ông đã làm đúng như lời mình nói.
Đây là những ngày buồn của nhạc cổ điển, nhưng ở một khía cạnh khác, có thể coi đó là những cuộc hồng tang.
Bởi những nhân vật ấy, họ đã sống cả một đời dài và chơi nhạc cũng cả một đời dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận