Nhân viên Công ty CP đầu tư Điện Xanh lắp đặt cho một cao ốc tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
Các giải pháp hiện rất đa dạng. Bên cạnh các doanh nghiệp bỏ ra hàng tỉ đồng để đầu tư trọn gói hệ thống điện mặt trời trên các nhà xưởng của mình, không ít công ty năng lượng sẵn sàng đầu tư điện mặt trời trên mái của chủ nhà để bán lại điện cho chính gia chủ với giá rẻ hơn giá của EVN.
Không chỉ giảm tiền điện
Giữa trưa nắng oi bức, ông Lê Văn Trung - chủ tịch HĐTV Công ty Nơ Xanh đặt tại KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) - bật chiếc smartphone cho chúng tôi xem thông số được cập nhật theo thời gian thực của hệ thống điện mặt trời được lắp trên mái nhà xưởng của công ty.
Các chỉ số hiển thị cho thấy điện phát ra trong ngày tính đến 12h trưa là 460 kWh. Ông Trung nhẩm tính đến khi tắt nắng, sản lượng điện của hệ thống sẽ đạt mức 900 kWh.
Từ khi lắp đặt hệ thống (tháng 1-2019) cho đến nay, với ngày ít nắng, công suất của hệ thống đạt 700 - 800 kWh, những ngày nắng nhiều công suất có thể lên đến 1.200 kWh.
Ông Trung đã bỏ ra số tiền hơn 4,2 tỉ đồng để lắp 720 tấm pin trên mái nhà xưởng với diện tích gần 1.500m². Theo ông, xưởng giặt ủi của ông tiêu thụ từ 2.800 - 3.000 kWh/ngày. "Mỗi tháng tôi giảm được khoảng 60 triệu tiền điện, giảm hơn 30% tiền điện mỗi tháng" - ông Trung nói.
Với con số trên, ông Trung dự tính sẽ thu hồi vốn đầu tư trong khoảng 6 năm và các năm sau đó có lãi bởi hệ thống này hoạt động khoảng 25 năm.
Dù vay ngân hàng đến 70% vốn để đầu tư nhưng ông Trung cho biết sau khi đã khấu trừ tiền lãi, khoản đầu tư này vẫn đem lại lợi nhuận. Đặc biệt, hệ thống pin mặt trời lắp trên mái tôn cũng có tác dụng "cách nhiệt" cho nhà xưởng trong đợt nắng nóng cao điểm vừa qua.
"Nếu bên ngoài 32°C thì bên trong nhà xưởng phải 35°C nhưng từ khi lắp điện mặt trời trên mái thì nhiệt độ bên trong chỉ còn khoảng 29°C" - ông Trung nói. Tại TP.HCM, rất nhiều nhà xưởng ở KCN Tân Bình, KCX Linh Trung hay công viên Đầm Sen... cũng đã đầu tư điện mặt trời như ông Trung.
Không cần đầu tư vẫn có điện mặt trời
Từ đầu tháng 4 đến nay, cao ốc văn phòng SCS bên trong Khu công nghệ cao TP.HCM (Q.9) đội một chiếc "nón" mới khi không gian trên tầng thượng được đầu tư hệ thống điện mặt trời.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy (tổng giám đốc Công ty TNHH Sacom - Chíp Sáng, đơn vị quản lý tòa nhà) cho biết hệ thống điện mặt trời gồm 470 tấm pin (công suất lắp đặt trên 454 kW) sẽ giảm chi phí tiền điện cho tòa nhà, ước tính sản lượng điện này đủ để chiếu sáng cho tòa nhà và hệ thống sân vườn.
Đặc biệt, chi phí đầu tư, vận hành hệ thống hoàn toàn do đối tác cung cấp, tòa nhà chỉ mua lại lượng điện sản xuất trên mái nhà (với giá rẻ hơn khoảng 10% so với mức của EVN) trong vòng 15 năm và được chuyển giao sử dụng sau khoảng thời gian trên.
Nhiều doanh nghiệp năng lượng hiện sẵn sàng đứng ra đầu tư để bán lại như trên. Trung tâm thương mại Gigamall (Q.Thủ Đức) cũng vừa vận hành hệ thống điện mặt trời trên tầng thượng với hơn 1.000 tấm pin.
Theo anh Nguyễn Thành Luân (giám đốc vận hành Gigamall), hệ thống này có thể đáp ứng đủ lượng điện cho 1 tầng của trung tâm thương mại rộng lớn này. Ngoài ra, các tấm pin cũng vừa giúp giảm nhiệt, cân bằng ánh sáng ở các khu vực mái nhà bằng kính.
Còn tại một cao ốc ở quận Phú Nhuận, hệ thống điện mặt trời do Công ty CP đầu tư Điện Xanh lắp đặt trên tầng thượng từ đầu năm nay đã đáp ứng gần 20% lượng điện tiêu thụ của tòa nhà.
Ông Thái Huy Đức, giám đốc Công ty CP đầu tư Điện Xanh, cho biết giá điện kinh doanh hiện cao gấp 1,5 lần so với điện sản xuất cho nên các cao ốc, trung tâm thương mại đầu tư điện mặt trời có hiệu quả kinh tế rất lớn.
Theo ông Đức, xu hướng đầu tư điện mặt trời đang tăng, đã có hàng chục cao ốc, trung tâm thương mại, KCN kết nối với công ty để tính toán lắp đặt điện mặt trời. Theo ông Đức, mái các nhà xưởng, KCN ở các tỉnh phía Nam có tiềm năng cao bởi diện tích mái lớn có thể đầu tư hệ thống công suất cao. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, hệ thống điện mặt trời còn làm mát nhà xưởng.
Lưới điện đảm bảo cho điện mặt trời
Ông Phạm Quốc Bảo, tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cho biết hiện đã có trên 300 cao ốc đăng ký lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. Ông Bảo khẳng định ngay cả khi điện mặt trời hòa lưới với công suất dưới 10% của hệ thống, việc điều độ vẫn đảm bảo, do đó ở TP.HCM có thể lắp điện mặt trời nối lưới với tổng công suất lên đến 400 - 500 MW (hiện mới nối lưới khoảng 16 - 17 MW).
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tổng tiềm năng lắp đặt điện mặt trời tại TP.HCM là trên 3.000 MW. Tuy nhiên, ông Bảo cho rằng con số thực tế thấp hơn, trong đó con số khả thi để lắp điện mặt trời riêng trên các cao ốc là 150 - 200 MW.
Tính bình quân chi phí đầu tư là 20 triệu đồng/kW công suất lắp đặt, số tiền bỏ ra để TP.HCM có 50 - 80 MW điện mặt trời là 1.000 - 1.500 tỉ đồng. "Nguồn vốn này phải huy động từ các nguồn lực xã hội như các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp dịch vụ bởi cao điểm sản xuất và dịch vụ là vào ban ngày, trùng với thời điểm điện mặt trời sản sinh năng lượng mạnh nhất" - ông Bảo nói.
"Phong trào" lan rộng
Ngoài TP.HCM, nhiều nhà xưởng, cao ốc ở các tỉnh thành phía Nam như Tây Ninh, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau... cũng đã đưa vào vận hành hệ thống điện mặt trời.
Tại Long An, mái nhà xưởng của Công ty Dinsen và Công ty CP nhựa Rạng Đông Long An đã đưa vào vận hành hệ thống điện mặt trời với công suất lần lượt là 1 MW và 4,5 MW.
Theo đại diện Sở KH-CN tỉnh Long An, bên cạnh các nhà xưởng công nghiệp, các cơ quan hành chính của tỉnh này cũng đã lắp hệ thống điện mặt trời áp mái, giúp tiết kiệm được khoảng 25% số điện năng tiêu thụ.
Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam, tại 21 tỉnh thành phía Nam hiện có 1.200 khách hàng đã đầu tư điện mặt trời với sản lượng điện phát lên lưới khoảng 3 triệu kWh.
Ông Nguyễn Văn Bé (chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp KCN TP.HCM):
Khu công nghiệp muốn đầu tư điện mặt trời
Với lợi thế có 17 khu chế xuất, KCN và Khu công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM (hơn 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động), đây là khu vực có tiềm năng lớn để đầu tư điện mặt trời trên mái nhà.
Hiệp hội chúng tôi đã triển khai chương trình điện mặt trời mái nhà với sự tham gia của đối tác cung cấp thiết bị, nhiều ngân hàng và nhiều doanh nghiệp trong các KCN đã lắp đặt.
Tới đây, hiệp hội tiếp tục triển khai chương trình "Điện mặt trời - giải pháp bền vững cho tương lai". Hệ thống điện lưới quốc gia đang chịu nhiều áp lực về cung ứng điện nên việc phát triển các dự án điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời áp mái, là giải pháp cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận