19/11/2015 11:13 GMT+7

Nhà xe hay nông dân... bị vắt kiệt?

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Lâu nay báo chí từng thông tin khá nhiều về chuyện cánh tài xế, nhà xe bị làm luật, phải chung chi để qua đường, qua trạm.

Một nhân viên cho xe không thuộc diện ưu tiên qua làn ưu tiên để xuống phà sớm đã bị đình chỉ công tác ngày 13-11 - Ảnh: Đức Vịnh

Từ chuyện qua phà Vàm Cống, do một đơn vị hoạt động kinh doanh phục vụ vận tải do Nhà nước quản lý điều hành, mà cũng phải nộp tiền mãi lộ khiến nhiều người không khỏi đặt câu hỏi: “Sao giới nhà xe phải chung chi nhiều thứ, nhiều nơi quá vậy?”.

Tại nhiều hội nghị, hội thảo, không ít ý kiến khẳng định ở VN có thu nhập bình quân đầu người còn thấp nhưng giá cước vận tải lại cao hơn nhiều nước, ngay cả những nước lân cận. Trong cơ cấu giá cước, cùng với nhiều khoản thuế, phí chất chồng còn có những khoản thu vô tội vạ không tên, tuy không nói ra nhưng ai cũng biết.

Ở những cung đường có cầu đường mới xây dựng thì phải nộp phí cao. Còn những tuyến có cầu đường tải trọng thấp cũng thường xuyên bị kiểm tra phải... nộp phạt.

Để còn đường làm ăn, giới nhà xe phải biết điều chung chi định kỳ như đóng hụi chết, cũng vì vậy nên mới có những đoàn “xe vua”, mới có chuyện dán logo, ám hiệu trên xe. Phương tiện lưu thông trên đường, qua phà, vào các bến cảng bốc dỡ hàng muốn nhanh chóng, muốn khỏi bị làm khó thường phải nộp tiền mãi lộ. Xe tải ghé xuống hàng, nhận hàng trong khu vực chợ hoặc lân cận chợ ở bất kỳ địa phương nào cũng bị thu phí...

Theo quy luật kinh tế thị trường, các đơn vị kinh doanh vận tải, giới nhà xe cố gắng hạ giá cước để cạnh tranh, nhưng nó vẫn ở mức cao ngất, bởi không thể loại bỏ được những khoản bị... vắt hái thường ngày.

Tại ĐBSCL, cước phí vận chuyển lúa gạo, nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư, hàng hóa... đường dài trên các tuyến quốc lộ mỗi tấn hàng 100.000 - 150.000 đồng/100km, còn ở các vùng nông thôn tăng lên gấp 2 - 6 lần, do phải chịu thêm nhiều khoản phí không tên khác.

Một khi chi phí vận tải cao, giá thành sản xuất, giá thành đầu cuối của nông sản, của hàng hóa... đến tay người dân đều bị đẩy lên cao ngất. Cuối cùng, tất cả đều đổ dồn cho nông dân gánh chịu...

Nhà xe là chùm khế ngọt, là con bò sữa. Có điều xét kỹ lại thì thấy cái “chất ngọt” trong trái khế, trong bầu sữa đó chung quy có được đều từ mồ hôi, nước mắt của những người dân chân lấm tay bùn! Xem ra, chính nông dân mới là người bị vắt kiệt!

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên