Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Trung Tính, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, cho biết do nghị định 10 và quy định liên quan chưa có quy định về thời gian thu hồi phù hiệu, từ đó mới nảy sinh bất cập là xe vi phạm bị tước phù hiệu, biển hiệu nhưng lại rất nhanh chóng có thể xin cấp lại. Bây giờ phát sinh lỗ hổng, phía Cục Đường bộ Việt Nam mới cho hay là đang đưa vào dự thảo sửa nghị định.
Ông Tính cũng nói thông tin nhà xe ở Quảng Ngãi vi phạm tốc độ 6.000 lần/tháng bị tước phù hiệu. Sau đó, nhà xe xin cấp lại rồi tiếp tục vi phạm mà Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi chưa có giải pháp chấn chỉnh mạnh tay là không thuyết phục.
"Bởi khi phát hiện nhà xe có tới 6.000 lần vi phạm tốc độ một tháng thì Sở Giao thông vận tải địa phương phải có giải pháp ngăn chặn. Sở có thể kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải bổ sung ngay quy định. Trong thời gian này, sở xem xét tạm ngưng cấp mới cho doanh nghiệp vi phạm quá nhiều lần để chờ xin ý kiến của cấp trên", ông Tính nói.
Theo ông Tính, có rất nhiều cách để xử lý nhưng vấn đề là lực lượng chức năng cần vào cuộc quyết liệt. Ngành giao thông cần định kỳ hằng tháng, hằng quý công bố công khai về doanh nghiệp gây tai nạn, vi phạm.
Thậm chí khi phát hiện doanh nghiệp tái phạm liên tục, địa phương hoàn toàn có thể tổ chức thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh và đề xuất biện pháp xử lý.
Ngoài ra, theo ông Tính, hệ thống giám sát hành trình đã được đầu tư rất tốn kém nhưng việc sử dụng vẫn chưa hiệu quả. Dữ liệu được xài để mang tính hậu kiểm hoặc khi xảy ra sự cố, tai nạn thì đối chiếu.
"Muốn hiệu quả phải nâng cấp thiết bị thành cảnh báo, xe đang chạy mà vi phạm phải cảnh báo ngay. Dữ liệu cũng cần được liên thông với lực lượng cảnh sát giao thông địa phương. Để khi phát hiện xe đang vi phạm có thể ngăn chặn, xử lý kịp thời thay vì hằng tháng mới trích xuất để các địa phương xử lý", ông Tính đề xuất.
Hôm nay tước phù hiệu, ngày mai xin cấp lại
Trên thực tế trả lời Tuổi Trẻ Online, Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi cũng phát hiện các bất cập và kiến nghị bổ sung kịp thời các quy định để mạnh tay xử lý mới chấm dứt nạn phóng nhanh vượt ẩu.Trong khi đó, qua trao đổi, lãnh đạo sở giao thông vận tải một số địa phương cũng nhận định chính vì các quy định hiện nay chưa bổ sung kịp thời làm cho việc xử lý vi phạm chưa triệt để.
Chẳng hạn như việc thu hồi phù hiệu, biển hiệu khi xe vi phạm tốc độ (từ nguồn giám sát hành trình truyền về Cục Đường bộ Việt Nan) chưa phát huy tác dụng ngăn ngừa.
Mặt khác, quy định hiện nay không quy định thời gian xin cấp lại sau khi bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu, doanh nghiệp hôm nay bị thu hồi, ngày mai có thể xin cấp lại. Doanh nghiệp vi phạm nhiều lần cũng không xử lý được vì không có hình thức phạt tiền. Hơn nữa, việc cấp biển hiệu, phù hiệu đang miễn phí cho doanh nghiệp, vừa mất thời gian, vừa tốn kém chi phí. Đây là vấn đề rất vô lý.
Xe chạy quá tốc độ đâu chỉ riêng ở Quảng Ngãi?
Thời gian qua, từ hệ thống giám sát hành trình, các địa phương liên tục phát hiện xe chạy quá tốc độ. Trong tháng 6-2023, có 4 xe vi phạm tốc độ… hơn 1.200 lần trong 1 tháng. Cũng vào tháng 6, tại Quảng Trị có hai xe khách của Công ty TNHH MTV Thành Liên Quảng Trị chạy quá tốc độ 630 lần và 545 lần. Một xe khách Công ty TNHH MTV dịch vụ du lịch Mến Thương có 366 lần quá tốc độ...
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, tính đến hết ngày 20-9 sở giao thông vận tải các địa phương đã xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với 469.739 phương tiện; chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 25.522 phương tiện vi phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận