Ông Nguyễn Văn Tám (huyện Chợ Lách, Bến Tre) phải đốn vườn do hạn mặn và đứt vốn đầu tư trồng vụ mới - Ảnh: CHÍ CÔNG
Có muôn kiểu nợ nần bủa vây nhà vườn từ nợ ngân hàng, nợ tiền nóng vay bên ngoài đến nợ đại lý phân, thuốc, hoặc đơn giản bị giật nợ rồi trở thành... con nợ.
“Nhà vườn nào chỉ nợ ngân hàng còn đỡ nhờ lãi suất hợp lý. Ai đi vay bên ngoài với lãi suất “mềm” nhất cũng gấp 2-3 lần thì kẹt cứng. Thậm chí có người còn nợ ngân hàng nên không vay thêm được, đã đi vay bên ngoài để bị nợ chồng nợ.
Ông Nguyễn Văn Thiệu (chủ nhà vườn huyện Đức Huệ, Long An)
Lâm nợ vì mộng làm giàu
"Tiêu rồi, tiêu tùng hết rồi" - ông Nguyễn Văn Phóng (57 tuổi, ngụ xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) vừa hì hục đốn vườn sầu riêng lâu năm vừa nói với chúng tôi.
Hạn mặn xâm nhập, khu vườn trồng hơn 60 cây sầu riêng Ri6 của ông chết cành, khô trụi lá. Không chịu được thiên tai khắc nghiệt, trái trên cây rụng la liệt đầy gốc.
Lượng trái sót lại trên cây ông phải bấm bụng bán với giá rẻ bèo 5.000 đồng/kg cho nhà máy làm kem bởi chất lượng kém. Đây cũng là vụ sầu riêng thất bát nhất từ khi ông gắn bó với loại cây trồng này. Đặc biệt, cũng chính mảnh vườn này những năm trước ông đều đặn thu hơn 50 triệu đồng mỗi vụ.
"Tui còn mảnh vườn trồng sầu riêng chuồng bò cũng bị thiệt hại tương tự. Tiền bạc đầu tư lên liếp, cây giống rồi phân thuốc làm trái coi như mất hết. Bây giờ tui không còn vốn đầu tư nữa" - ông Phóng thở dài tâm sự.
Theo ông Phóng, chi phí đầu tư vườn sầu riêng từ nhỏ đến khi lấy trái khoảng 30 triệu đồng/công. Vụ vừa qua, ông được đại lý phân thuốc cho thiếu 30 triệu đồng đợi thu hoạch rồi trả, nhưng tình hình hạn mặn khốc liệt khiến ông không kịp trở tay.
"Tui vay 100 triệu đồng từ ngân hàng để xây nhà, giờ sầu riêng chết hết không biết phải sao đây. Ngoài ra, tui còn vay tiền bên ngoài với lãi suất 1 triệu thì mỗi tháng đóng lãi 30.000 đồng để trả tiền phân, thuốc. Chưa năm nào thấy bế tắc như năm nay" - ông Phóng chia sẻ.
Nhìn vườn sầu riêng lụi tàn vì hạn mặn, ông Phóng chua xót cho biết đang có ý định bán đất, chuyển qua Cần Thơ mua vài công vườn bởi nghe đất cánh bên đó không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Không chỉ riêng gia đình ông Phóng, nhiều nhà vườn gần đó cũng "chết đứng" vì hạn mặn, dịch bệnh làm mất giá, rồi ôm nợ.
Ông Nguyễn Văn Dũng (huyện Chợ Lách, Bến Tre) chua xót nhìn vườn chôm chôm hơn 10 năm tuổi bị đốn trụi, bản thân thì đứt vốn, không thể đầu tư tiếp.
"Vợ đi đóng thùng chôm chôm, con thì đi làm công nhân may mặc nên thu nhập cũng không bao nhiêu. Muốn trồng lại vườn thì cần chi phí rất lớn mà cũng phập phồng lo vì sợ hạn mặn lại tới tiếp. Nói vậy chứ tui cũng đang nghĩ đến việc đi vay ngân hàng đặng tái đầu tư chứ không mần vườn thì lấy gì mà ăn" - ông Dũng bày tỏ.
Trong khi đó, nhiều nhà vườn trồng quýt hồng tại huyện Lai Vung, Đồng Tháp cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Ông L.V.R. (huyện Lai Vung) thở dài tâm sự: "Tui lên miếng vườn gần 1ha, thuê đất trồng cam sành, quýt đường nhưng do dịch bệnh nên chết sạch. Tiền thuê đất, đầu tư này nọ đã gần cả tỉ đồng. Mấy năm gần đây, phần quýt bệnh, phần dịch COVID-19 ập đến khiến giá quá thấp nên hầu như chẳng ai có lời cả".
Ông R. đã vay ngân hàng khoảng 600 triệu đồng đầu tư vườn, hiện phải chạy đôn chạy đáo tìm mọi cách để trả nợ ngân hàng hằng tháng. "Không chỉ riêng tui mà phần đông nhà vườn ở đây ai cũng lao đao. Chi phí nhân công, đầu tư phân thuốc tăng mà giá trái cây thì giảm. Dịch bệnh quá nên tui buộc phải tính toán lại, chuyển đổi cây trồng đặng còn tìm lối thoát mới" - ông R. chia sẻ.
Còn nguyên nhân mang nợ của anh Nguyễn Văn Hải (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) cũng chỉ tóm gọn trong mấy chữ "mộng làm giàu". Ban đầu anh thuê 2 công đất trồng quýt hồng. Thấy "có ăn" nên anh tiếp tục vay mượn người thân và ngân hàng để đầu tư thêm.
Chỉ tính riêng chi phí đầu tư cơ bản 3 năm đầu đã ngốn của anh hơn trăm triệu đồng. Dịch bệnh trên cây ập đến nhanh và bất ngờ, vườn quýt hồng tiêu điều chỉ hái được vài trăm ký không đủ tiền đầu tư.
"Giờ tui đi làm chuyện lặt vặt xung quanh xóm để có tiền sống qua ngày, chứ không còn mơ mộng kiếm tiền tỉ như trước nữa rồi. Tưởng đâu ngon ăn chứ có ngờ lâm vào tình cảnh nợ nần, khốn đốn như giờ" - anh Hải ngậm ngùi kể.
Tại những vương quốc sầu riêng như Cai Lậy (Tiền Giang) hay Vũng Liêm (Vĩnh Long), câu chuyện người nông dân lao đao vì nợ nần cũng rất nhiều.
Lợi nhuận từ những vườn cây ăn trái có sức hấp dẫn khó cưỡng đối với người nông dân, kể cả những người chưa từng có kinh nghiệm trồng, chăm sóc sầu riêng lẫn ít vốn. Hệ quả là họ gánh số nợ lớn sau khi vay mượn hàng trăm triệu đồng đầu tư, nhưng do dịch bệnh, hạn mặn khiến vườn chết sạch.
"Con tui đi Nhật, gửi tiền về để đầu tư trồng sầu riêng nhưng giờ ảnh hưởng hạn mặn cũng thót tim đứng ngồi không yên. Vườn mới đầu tư chưa mang trái nên không bị ảnh hưởng nhiều nhưng sau này thì không biết sao" - ông Phạm Văn Vị (huyện Vũng Liêm) rầu rĩ cho biết.
Ông Phạm Văn Hùng trồng quýt tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp) bị giật nợ, lâm cảnh khó khăn - Ảnh: CHÍ CÔNG
Thành con nợ vì bị... giật nợ
Chuyện thật tưởng như đùa, nhiều nông dân bị giật nợ rồi bất đắc dĩ trở thành con nợ. Trong căn nhà xập xệ, ông Phạm Văn Hùng (54 tuổi, huyện Lai Vung) cho biết bản thân ông bị chủ vựa trái cây giật nợ hơn 540 triệu đồng tiền bán quýt tết. Hiện giờ tiền đầu tư mùa màng, tiền nợ ngân hàng trở thành gánh nặng đối với ông.
"Cứ 6 tháng phải thanh toán lãi suất một lần, chạy vạy khắp nơi mần thêm đủ thứ việc để kiếm tiền trang trải. Vừa qua, tui nuôi thêm 2 con bò, trồng thêm mấy bụi chuối đặng đỡ đồng nào hay đồng đó. Thiệt lòng hiện tình cảnh của tui đang rất khốn khổ, cũng chỉ vì bị giật nợ mà ra" - ông Hùng phân trần.
Ông Hùng cho biết ngày đêm lo lắng vì sợ bị ngân hàng phát mãi. Ngoài ra chi phí lo ăn học cho 2 người con cũng trở thành gánh nặng đối với gia đình ông. Cạnh nhà, ông Phạm Văn Cường cũng bị giật hơn 230 triệu tiền bán quýt cũng vì quá tin tưởng chủ vựa trong những lần làm ăn trước đây.
Ông vay 100 triệu đồng, cứ đều đặn 3 tháng phải đóng lãi 3 triệu đồng cho ngân hàng. "Chủ vựa nợ tiền cũng 3 năm rồi mà không thấy trả gì hết khiến đời sống nông dân tụi tui đã khó lại càng khó hơn. Làm nông chỉ mong thu hoạch có tiền trả đại lý, ngân hàng mà gặp cảnh này thiệt éo le hết sức" - ông Cường than thở.
Khó khăn nhất có lẽ là trường hợp của bà Phan Thị Diệu Hiền khi lâm vào cảnh "một cổ hai tròng" vừa phải đóng tiền lãi ngân hàng nhà nước vừa vay nóng bên ngoài. "Tui phải cầm cố đất cho người ta đặng lấy tiền thanh toán nợ nần. Tháng nào cũng phải chạy đủ mọi cách để đóng lãi, có lúc từng nghĩ đến cái chết. Đau đầu và mệt mỏi với nợ" - bà Hiền rầu rĩ.
Sẽ giải quyết vấn đề nợ nần
Về vấn đề nhiều nông dân bị quỵt nợ, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - chủ tịch UBND huyện Lai Vung (Đồng Tháp) - cho biết đang chờ kết quả thanh tra.
Nếu ai sai sẽ xử lý theo pháp luật. Riêng về việc nhiều nhà vườn trồng quýt lâm cảnh khó khăn vì giá cả, dịch giã, ông Nghĩa cho biết huyện đang trình tỉnh đề án khôi phục 500ha quýt và chờ phê duyệt.
"Cây trồng có vòng đời, cao trào rồi thoái trào. Mấy năm nay thoái trào, trước đây cũng bị một lần rồi. Đề án khôi phục cây quýt hồng sẽ có hỗ trợ cho nông dân trong việc vực dậy vùng quýt hồng" - ông Nghĩa cho biết.
"Cái khó ló cái khôn", trong tình cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn mặn, dịch bệnh, nhiều nhà vườn tại ĐBSCL đã tìm hướng đi mới để thích ứng.
Kỳ tới: Bỏ cây bạc tỉ, trồng cây an toàn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận