Trước đó, Tuổi Trẻ Online có bài viết "Nhà vườn Bến Tre tiếc đứt ruột nhổ bỏ hoa Tết" phản ánh tình trạng một số nhà vườn ở Bến Tre nhổ bỏ hàng ngàn chậu hoa cúc mâm xôi chậm ra búp.
Thống kê sơ bộ từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, Bến Tre, có khoảng 145.000 chậu cúc mâm xôi chậm ra bông, trong đó toàn bộ tập trung tại xã Long Thới, nơi có khoảng 1 triệu chậu cúc mâm xôi.
Nhà vườn rất năng động, dám làm dám chịu
Nhìn những hình ảnh nhà vườn chở cả xe cúc mâm xôi còn tươi mơn mởn đi đổ bỏ, không ít bạn đọc tỏ ra xót xa.
"Thật sự xót ruột xót gan", bạn đọc nguy****@gmail.com bày tỏ. Bạn đọc Nguyên Song Giang cảm thấy "thương, tội nông dân mình quá đi".
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, bạn đọc Thien có ý kiến: "Chứng tỏ người làm vườn rất quyết đoán, năng động. Dám làm dám chịu chứ nếu cứ hời hợt, trông chờ thì làm sao có tiền".
Ở góc độ kinh tế, bạn đọc TVT đồng tình: "Bà con nông dân bây giờ khá tỉnh táo và sáng suốt, nhanh chóng đưa ra quyết định khi đã hiểu rõ tình hình.
Cũng như doanh nghiệp mạnh dạn ngừng hoạt động để cắt lỗ, tránh lún sâu vào gánh nặng nợ nần".
Phân tích kỹ hơn, bạn đọc TVT đưa ra hai giả thuyết và cho rằng nhà vườn đã chọn hướng đi đúng đắn: "Trường hợp thứ nhất, nếu để lại sẽ mất thêm tầm hai tháng vất vả và đội thêm chi phí, số nợ sau Tết không phải là 25 triệu đồng như lúc này mà sẽ là 40 hoặc 50 triệu đồng.
Trong trường hợp thứ hai, nếu dừng lúc này, số nợ chắc chắn chỉ là 25 triệu đồng, gần hai tháng làm việc khác còn có tiền tiêu Tết và trả nợ. Vậy nên họ chọn phương án hai là sáng suốt, phù hợp".
Còn bạn đọc tên Nhân góp ý với nhà vườn: "Nên để lại số ít vừa xem kịp bán rằm tháng giêng hay không, vừa theo dõi kiểm tra thử giống này thế nào.
Xem giống này bao lâu ra bông, bông đẹp hay xấu. Và cũng còn có cái để kiện nhà cung cấp giống hoàn trả lại vốn, chi phí bị thiệt hại".
Trách nhiệm của ai?
Truy tận gốc vấn đề, bạn đọc Nguyen Giang viết: "Cái này lỗi là do bên bán cây giống. Giờ cùng lắm thì khởi kiện dân sự tập thể thôi. Bên bán cây giống nhiều lúc họ cũng không kiểm soát được nguồn giống, nên thường là lỗi vô ý".
Cạnh đó, nhiều bạn đọc gửi gắm các cơ quan ngành nông nghiệp huyện Chợ Lách đứng ra bảo vệ nhà vườn.
Bạn đọc nguyen…gmail viết: "Lúc này rất cần phòng nông nghiệp phát huy vai trò".
Một bạn đọc khác gay gắt hơn: "Trời ơi, nghe mà tội giùm người dân. Lúc trước khi gieo hạt phòng nông nghiệp sao không khảo sát, hỗ trợ gì cho người dân hết vậy?".
Tuy nhiên, nhiều bạn đọc khác cho rằng nên bỏ tư duy đổ thừa đi. Lý do là người dân đã quyết trồng thì đố ai cản được.
Theo bạn đọc Trang, "do con giống, do phân thuốc, do thời tiết nữa. Cán bộ có xuống cũng không làm được gì đâu".
Bạn đọc Nguyễn Hữu Phước cũng cho rằng "người dân tự ý đi mua giống nơi khác và âm thầm gieo hạt, không nói ra thì ai biết được mà hướng dẫn".
Giải thích kỹ hơn về quy trình quyết định chọn giống của nhà vườn, bạn đọc Kid1 chia sẻ: "Người dân thường mua ở mấy cửa hàng vật tư nông nghiệp quen. Nông dân họ đâu có hỏi bên khuyến nông đâu mà giờ lại đổ lỗi cho phòng nông nghiệp?".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Hữu Nghị - phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách - cho biết hiện ngành nông nghiệp huyện đã nắm được sự việc nói trên và cử cán bộ xuống các vườn tìm hiểu.
"Hiện nay một số nhà vườn đã nhổ bỏ cúc mâm xôi. Tuy nhiên, theo tìm hiểu ban đầu, số cúc mâm xôi chậm nở này đều có nguồn gốc giống từ nơi khác nhập về, nên có thể chu kỳ sinh trưởng của hoa khác với cúc mâm xôi truyền thống tại địa phương.
Chúng tôi đang tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân chính thức và đưa ra khuyến cáo với người dân, nếu lỡ trồng loại cúc mâm xôi này thì ráng giữ thêm từ 10 - 15 ngày nữa. Nếu đến thời điểm đó hoa vẫn chậm nở thì sẽ có hướng xử lý", ông Nghị nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận