Nhà vua Akihito và Hoàng hậu đến Hà Nội - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Thư ký báo chí của Nhà vua Nhật Bản Hatsuhisa Takashima đánh giá chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua Akihito và Hoàng hậu là một trong những chuyến thăm được mong đợi nhất đối với người dân và chính giới hai nước và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quan hệ song phương.
Ông Takashima nhấn mạnh: Nhà vua là biểu tượng của đất nước Nhật Bản, vì vậy việc lần đầu tiên Nhà vua và Hoàng hậu thăm Việt Nam - quốc gia có mối quan hệ thân thiết với Nhật Bản, sẽ là một sự kiện vui mừng đối với toàn thể nhân dân Nhật Bản.
Đánh giá về sự kiện này, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường cho biết qua cuộc yết kiến Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu tại Hoàng cung trước chuyến thăm, ông được biết Nhà vua và Hoàng hậu đều rất trông chờ vào chuyến thăm tới Việt Nam lần đầu tiên này.
Chuyến thăm đầu tiên của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đến Việt Nam sau 44 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là chuyến thăm lịch sử, mang ý nghĩa biểu tượng đồng thời cũng là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.
“Quan hệ hai nước ngày càng thân thiện, ngày càng phát triển và có độ tin cậy. Lãnh đạo của hai nước kể cả Việt Nam và Nhật Bản đã nhiều lần khẳng định quan hệ song phương đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Và chuyến thăm lần này của Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu chính là minh chứng hùng hồn nhất cho sự phát triển trong quan hệ, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới”- Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhìn nhận.
Lễ đón chính thức Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản diễn ra tại Phủ chủ tịch vào sáng 1-3. Sau khi hội kiến với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Nhà vua và Hoàng hậu đến đặt vòng hoa và viếng Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh.
Buổi chiều, Nhà vua và Hoàng hậu có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và dự quốc yến do Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân chủ trì vào tối ngày 1-3.
Trong những ngày tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân hội kiến với Nhà vua và Hoàng hậu. Hai vị khách quí cũng sẽ dự tiệc trà do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân chủ trì.
Trong chương trình chuyến thăm tại Hà Nội, Nhà vua và Hoàng hậu tham dự cuộc giao lưu với các cựu sinh viên Việt Nam từng học tập tại Nhật Bản. Đặc biệt, Nhà vua và Hoàng hậu sẽ gặp gỡ gia đình các cựu binh Nhật đang sống tại Việt Nam.
Nhật Hoàng đến Hà Nội -Ảnh: VIỆT DŨNG |
Ngày 3-3, Nhà vua và Hoàng hậu rời Hà Nội đi thăm cố đô Huế. Theo đại sứ Nguyễn Quốc Cường, cố đô Huế được chọn là địa điểm duy nhất Nhà vua và Hoàng hậu đến thăm trong chuyến đi này sau các hoạt động chính thức tại Hà Nội vì hai lý do lịch sử và văn hóa.
Cố đô Huế có giá trị rất đặc biệt trong lịch sử của đất nước Việt Nam. Về văn hóa, cố đô Huế với 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, là nơi giao thoa, hội tụ của nền văn hóa rất đặc sắc của nước ta.
Đây cũng là nơi có giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ngoài ra, Huế cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử của Việt Nam mà Nhật Bản đã có nhiều hỗ trợ trong việc bảo tồn, duy trì những di tích lịch sử này trong nhiều năm nay.
Trong thời gian lưu lại Huế, Nhà vua và Hoàng hậu đi thăm Đại Nội và nghe Nhã nhạc cung đình Huế tại Duyệt Thị Đường, tham nhà lưu niệm Phan Bội Châu.
Nhà vua Akihito lên ngôi ngày 7-1-1989, là Nhà vua thứ 125 của Nhật Bản sau khi Nhà vua Hirohito (Nhật hoàng Chiêu Hòa) băng hà. Nhà vua Akihito ra đời vào ngày 23/12/1933, là con trai trưởng của Nhà vua Showa và Hoàng hậu Kojun. Nhà vua Akihito có bốn chị gái, một em trai và một em gái. Nhà vua Akihito học tiểu học và trung học tại Gakushuin, Trường Bộ Nội chính Hoàng Gia, sau trở thành cơ sở giáo dục tư thục. Trong thời kỳ chiến tranh, Nhà vua Akihito và các bạn đồng môn tiểu học được sơ tán khỏi Tokyo đến vùng nông thôn Nikko. Ngài lưu lại Nikko cho đến khi chiến tranh kết thúc năm 1945. Năm 1952, Nhà vua Akihito vào học Khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Gakushuin; năm 1956 hoàn thành chương trình giáo dục đại học. Ngày 10/4/1959, Nhà vua Akihito cưới Hoàng hậu Michiko Shoda, con gái của một doanh nhân xuất sắc. Hoàng hậu Michiko sinh ngày 20-10-1934 là con gái cả của doanh nhân Hidesabuto và Fumiko Shoda. Hoàng hậu Michiko học Trường tiểu học Futaba và phải nghỉ học khi lên lớp bốn do cuộc sống tại Tokyo thời chiến tranh quá khó khăn. Hoàng hậu Michiko quay trở lại Tokyo để hoàn thành việc học tập sau khi chiến tranh kết thúc. Sau đó, bà vào học Trường Trung học Thánh tâm ở Tokyo và thi đỗ vào khoa Văn học Anh, Trường Đại học Thánh Tâm. Trong những năm trung học, Hoàng hậu Michiko được bầu làm Chủ tịch Hội sinh viên và tốt nghiệp thủ khoa vào năm 1957. Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko có ba người con (Hoàng tử Naruhito, Hoàng tử Fumihito và Công chúa Sayako). (Theo TTXVN) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận