04/08/2019 13:33 GMT+7

Nhà vô địch một tay của Iraq

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Năm nay, Najla Imad Lafta 14 tuổi. Em sống sót sau vụ ôtô của cha bị gài bom và phát nổ, nhưng mất hai chân và một tay. Bi kịch đã không ngăn được em đến với bóng bàn và trở thành một trong những tay vợt xuất sắc của Iraq.

Nhà vô địch một tay của Iraq - Ảnh 1.

Nhà vô địch bóng bàn người khuyết tật của Iraq Najla Imad Lafta - Ảnh: NYT

Tôi cho rằng đây thực sự là điều kỳ diệu. Sự kiên trì, nỗ lực và hi vọng có ở Najla phải là bài học lớn cho chúng ta và cho tất cả người dân Iraq.

Ông Hameed

Cô gái 14 tuổi ấy trông chẳng giống chút nào với một vận động viên truyền thống: chân phải của em bị cắt lên tới phần bắp vế, chân trái mất tới đầu gối và cánh tay phải chỉ còn lại đến cùi chỏ.

Chỉ còn một tay trái, nhưng khi Najla chơi bóng bàn, phần thân trên của em chuyển động linh hoạt và nhuần nhuyễn hệt như một vũ công để đón trúng tầm bóng và tung đòn phản công nhanh lẹ tới mức đối thủ phải chật vật ứng phó.

Mới đây, Najla Imad Lafta mang về nhà tấm huy chương bạc thứ tư và huy chương đồng thứ tư ở giải đấu thể thao quốc tế dành cho người khuyết tật, diễn ra trong tháng 6 tại Ai Cập. Câu chuyện đầy cảm hứng về em mới đây đã được đăng trên báo New York Times.

"Lên lớp 4, em nhận ra mình khác với các bạn gái cùng trang lứa" - Najla chia sẻ với báo New York Times khi ngồi trên xe lăn tại nhà em ở vùng ngoại ô Baquba, Iraq. Nhà em ở trên một con phố đường đất, chẳng nhà ai có nước máy để dùng, còn điện thì chập chờn lúc có lúc không.

"Em thấy các bạn chạy nhảy trong trường, đi lại và chơi đùa, các bạn suy nghĩ về những việc sẽ làm trong tương lai - cô bé nói - Trong khi tất cả những gì em làm chỉ là ngồi trên chiếc xe lăn và nghĩ là mình cũng muốn được chạy nhảy như các bạn ấy".

Vụ tai nạn nổ bom xảy ra năm Najla 3 tuổi. Đó chắc chắn là hành động tấn công của nhóm Al Qaeda tại Iraq. Chúng gài bom nhắm vào cha Najla vì ông làm việc tại một căn cứ quân sự ở địa phương với các quân nhân Mỹ.

Chỉ trong khoảnh khắc, cô bé rơi vào số phận chung bất hạnh của hàng trăm ngàn người Iraq. Họ bị thương tật nặng nề trong cuộc chiến dai dẳng kể từ sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003. Dĩ nhiên không phải ai cũng bị thương tật nặng như Najla. 

Và mỗi người đều phải chật vật tự tìm cách vượt qua bất hạnh để sống. Najla là một trong số ngày càng nhiều vận động viên khuyết tật Iraq đang vươn lên khẳng định bản thân trong lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp, bất chấp việc không còn đầy đủ chân tay.

Theo phó chủ tịch Ủy ban Paralympic Iraq Mohammed Abbas al-Salami, kể từ năm 2003, số vận động viên Iraq bị khuyết tật là nạn nhân của khủng bố tham gia các kỳ Paralympic Games đã tăng khoảng 70%. Những vận động viên bị thương tật vì chiến tranh, theo ông Abbas al-Salami, là những người có động lực vươn lên và tài năng đặc biệt xuất sắc. Song ở một phương diện khác, họ cũng phải nỗ lực vượt qua những sang chấn tâm lý sau các bi kịch.

Năm năm trước, Najla không thể chạy như các bạn cùng lớp. Ban đầu, em mua cây vợt đánh bóng bàn chỉ để có một việc làm cho mình khi làm xong bài tập về nhà. Nhưng ban đầu mọi thứ rất khó khăn. Najla thuận tay phải, nhưng nay bàn tay ấy đã mất, lại không có tay giả, em phải học cách dùng tay trái, tập phản xạ đỡ, đánh bóng với bức tường trong nhà.

Sau nhiều lần nỗ lực tìm kiếm vẫn không thể giúp con gái có được chân tay giả hỗ trợ đi lại phù hợp, ông Imad Lafta nhờ một người bạn là huấn luyện viên bóng bàn tới nhà chỉ dẫn cho con. Cô bé Najla không bao giờ quên ngày mà người thầy Hossam Hussein al-Bayat tới nhà họ và cả câu ông ấy đã nói khi đó với em: "Ta muốn cháu hãy cầm cái vợt này và bắt đầu luyện tập mỗi ngày".

Najla nghe lời ông và bắt đầu tập luyện từ một đến hai tiếng mỗi ngày. Sau khi quan sát cách chơi bóng của cô bé và sự tiến bộ mỗi ngày của em, ông al-Bayat tin tưởng cô bé "có khả năng để chơi rất giỏi".

Hằng ngày Najla luyện tập 2-3 tiếng ở nhà. Gia đình mua cho em một chiếc bàn bóng bàn chiếm gần như hết diện tích một căn phòng của họ. Mỗi tuần một lần, ông thầy sẽ đưa cô bé tới nhà mình tập luyện, chỉ dẫn cho em tới lúc ông biết em đã sẵn sàng để so tài với các tay vợt khuyết tật ở các tỉnh, thành khác.

Năm 12 tuổi, Najla đã giành được một suất tham gia đội tuyển quốc gia dự Paralympic. Bí quyết thành công của Najla là không nhìn vào những đối thủ khác. Bóng bàn là môn thể thao mà các tay vợt vẫn thường dùng đòn tâm lý để gây hoang mang đối thủ. Khi chơi, ánh mắt Najla chỉ tập trung vào trái bóng. Nó là bạn và cũng là kẻ thù của em. Tốc độ của nó, độ xoay cũng như vòng cung chuyển động của nó là mối quan tâm duy nhất của em khi thi đấu.

"Điều khiến tôi kinh ngạc ở Najla là em sinh ra trong một gia đình rất nghèo, sống ở nơi toàn những người cư trú trái phép và em chỉ có một cánh tay, nhưng em là nhà vô địch của Iraq và đã giành huy chương vàng trong giải vô địch Iraq, huy chương bạc châu Á" - ông Aqil Hameed, chủ tịch Ủy ban Paralympic Iraq, nói.

"Tôi cho rằng đây thực sự là điều kỳ diệu. Sự kiên trì, nỗ lực và hi vọng có ở Najla phải là bài học lớn cho chúng ta và cho tất cả người dân Iraq" - ông Hameed nói thêm.

Hạnh phúc với điều làm được

Gần đây, Ủy ban Paralympic Iraq đã mua chi giả cho Najla và chúng có chất lượng tốt hơn nhiều so với những cái em từng có. Song dù thế, chúng vẫn không phải những thứ được làm chuyên cho các vận động viên. "Thực sự thì chẳng có gì sánh được với việc có chân và tay thật - Najla nói với nét mặt đầy vẻ khao khát - Nhưng ít nhất em cũng hạnh phúc với những gì đã làm được".

Cô gái múa một chân vươn lên chiếc bóng đời mình

TTO - 10 tháng sau tai nạn, Băng về lại bản làng người Tày ở vùng núi Cao Bằng. Một sớm mai, chống nạng bước lên sân thượng, nắng mai chiếu rọi, cô buông đôi nạng và bỗng thấy cô gái đang ngúng nguẩy đôi tay rất đẹp dù chiếc bóng chỉ còn một chân.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên