Quách Thị Lan (số đeo 385) ở đợt chạy chung kết 400m rào nữ hôm 22-4 tại Giải vô địch điền kinh châu Á 2019 ở Doha (Qatar) - Ảnh: Reuters
Mở đầu cuộc trò chuyện, chia sẻ thật lòng: "Tôi từng nghĩ mình không thể bước lên bục cao nhất của bất kỳ cuộc thi nào khi liên tục chỉ giành HCB tại SEA Games hay Asiad. Tấm HCV tại Giải vô địch điền kinh châu Á ở Doha mới đây giúp tôi tự tin vào bản thân và có thêm tiền để đóng học phí tại trường đại học".
Tôi từng khẳng định với lãnh đạo Tổng cục TDTT là Lan có thể vượt thành tích mà Nguyễn Thị Huyền đã giành được dù trước đó Lan luôn thua Huyền. Tôi tin là thời gian tới Lan còn có thể mang về nhiều thành tích cho điền kinh VN.
HLV Vũ Ngọc Lợi (đội tuyển điền kinh VN)
Tuổi thơ ăn cơm độn khoai
* Quách Thị Lan là cái tên quen thuộc của điền kinh VN 10 năm qua với tố chất tuyệt vời từ hình thể đến sức mạnh, tốc độ. Cơ duyên nào giúp cô gái dân tộc Mường đến với thể thao?
- Gia đình tôi ở huyện miền núi Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa và làm nông nghiệp, chăn nuôi. Những năm tôi còn nhỏ cuộc sống khá khó khăn, việc ăn cơm độn khoai, sắn là chuyện bình thường. Tôi cũng quen với việc ruộng đồng, nuôi gà, chăn lợn phụ giúp bố mẹ.
Năm học lớp 10 tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú Ngọc Lặc, tôi tham gia một số giải thể thao cho học sinh. Sau đó tôi được các HLV tuyển về Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh Thanh Hóa để tập điền kinh.
Ban đầu các thầy cho tôi tập nhảy sào, 7 môn phối hợp rồi sau đó mới chuyển sang tập chạy 400m và 400m rào. Tôi đến với điền kinh tình cờ như vậy và đến nay cũng đã tròn 10 năm.
* Năm 2012, hai anh em Quách Công Lịch - Quách Thị Lan đã ghi dấu trong làng điền kinh VN khi giành HCV Giải điền kinh vô địch quốc gia. Đây chắc hẳn là cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của Lan?
- Đó là tấm HCV quốc gia đầu tiên của hai anh em tôi. Trước đó, vào năm 2011, tôi được Thanh Hóa đưa ra tập luyện tại Trường ĐH TDTT Bắc Ninh cùng chuyên gia Trung Quốc. Trong năm đó, tôi giành 2 HCV tại giải điền kinh các nhóm tuổi và được gọi lên đội tuyển trẻ quốc gia.
Năm 2012, tôi lần đầu tiên giành HCV quốc gia 400m rào, còn anh trai tôi giành HCV 400m. Đây cũng là dấu ấn để cả hai được triệu tập vào đội tuyển điền kinh quốc gia từ đó đến nay.
Từ năm 2012 đến giờ, anh em tôi ăn tập tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) và đi đâu dường như cũng có nhau.
Xóa dớp về nhì
* Được đánh giá là có tố chất tốt, chăm chỉ tập luyện nhưng Lan khá "vô duyên" với HCV. Lần đầu tiên giành HCV cá nhân (sau 8 năm ở đội tuyển quốc gia) ở Giải điền kinh vô địch châu Á 2019 tại Doha, cảm giác của Lan thế nào?
- Tôi thường không gặp may khi quá trình tập luyện, chuẩn bị tốt nhưng cứ đến gần giải đấu lại dính chấn thương. Như quá trình chuẩn bị SEA Games 2017, phong độ của tôi ổn định nhưng 2 tuần trước khi đại hội diễn ra tôi cùng đội tuyển điền kinh đi tập huấn tại Trung Quốc thì lại bị chấn thương. Vì vậy tôi chỉ giành HCV tiếp sức 4x400m.
Các đại hội khác tôi cũng giành HCV nhưng chỉ là HCV tiếp sức, còn cá nhân thì chỉ toàn HCB.
Vì thường giành HCB nên tôi từng nghĩ mình không thể leo lên bục cao nhất nhận HCV. Tấm HCV 400m rào ở Doha giúp tôi xóa được dớp về nhì, bản thân tự tin là mình có thể làm được nhiều hơn thế.
Dù giành HCV với thành tích 56 giây 10 nhưng thông số kỹ thuật của tôi chưa được như kỳ vọng, mục tiêu của tôi và HLV là tôi phải chạy 55 giây 9 để có chuẩn tham dự giải vô địch điền kinh thế giới.
* Năm 2019 Lan còn rất nhiều giải đấu quan trọng phía trước, mục tiêu của bạn là gì?
- Tấm HCV châu Á 2019 là động lực rất lớn để tôi phấn đấu cho các kế hoạch phía trước. Tôi hi vọng mình có thể giành 2-3 HCV tại SEA Games 30 ở Philippines và đạt chuẩn tham dự giải điền kinh thế giới tại Qatar vào tháng 9 tới.
Bên cạnh đó, tôi cũng rất nỗ lực với mong muốn sẽ đạt chuẩn tham dự Olympic Tokyo 2020, đây là nhiệm vụ rất khó khăn.
Quách Thị Lan (giữa) và tấm HCV tại Doha - Ảnh: Reuters
Chế độ đãi ngộ đã tốt hơn
* Thời gian qua anh trai Lan là Quách Công Lịch từng chia sẻ việc đãi ngộ kém khiến VĐV thể thao không yên tâm tập luyện. Là VĐV trọng điểm quốc gia, hiện Lan được hưởng chế độ thế nào?
- Sau khi anh Lịch chia sẻ về việc này thì chế độ đãi ngộ của chúng tôi cũng được nâng lên. Bản thân tôi hiện được hưởng lương và các loại chế độ ở Thanh Hóa và đội điền kinh quốc gia vào khoảng gần 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra là VĐV khi có huy chương chúng tôi cũng được thưởng một khoản cho thành tích đạt được.
* Là VĐV trọng điểm thường xuyên đi tập huấn và thi đấu nước ngoài nên việc học tại trường đại học bị chậm trễ. Được biết thời gian qua Lan và anh trai đã phải đóng đến 50 triệu đồng tiền học phí để học trả nợ các môn bị chậm tại Trường ĐH TDTT Bắc Ninh?
- Anh em tôi thường nói với nhau cố gắng tập luyện chăm chỉ, có thành tích để có tiền đóng học phí. Trong năm qua, hai anh em tôi đóng khoảng 50 triệu tiền học phí cho những môn học chúng tôi nợ do bận đi tập huấn và thi đấu không học kịp. Đây là quy định của Nhà nước nên chúng tôi cũng không dám kêu ca gì.
Thích nấu món canh đắng
Lan chia sẻ ngoài chạy, sở thích của cô là nấu ăn: "Khi rảnh rỗi tôi thích nấu ăn, nhất là những món truyền thống của người Mường như món canh đắng". Khi được hỏi về mong muốn theo chân anh trai Quách Công Lịch làm người mẫu thời trang, Quách Thị Lan cho biết hiện tại cô chỉ tập trung vào việc tập luyện, cố gắng giành thành tích tốt nhất cho điền kinh VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận