Thực tế này, theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, là "không thể chấp nhận", từ đó chỉ đạo "không để thiếu nhà vệ sinh công cộng".
Nhưng giải quyết vấn đề này bằng cách nào?
Quận 1 chỉ có 18 khu vệ sinh công cộng
Hiện tại toàn TP.HCM có 51 khu, điểm nhà vệ sinh với khoảng 200 nhà vệ sinh công cộng. Và điều đáng buồn ngay ở các khu vực trung tâm của TP, nơi có nhiều du khách đến tham quan, lại chính là nơi vừa thiếu nhà vệ sinh công cộng.
Điển hình như ở quận 1, trung tâm sầm uất nhất của TP.HCM hiện chỉ có 18 khu vệ sinh công cộng tại các chợ, công viên, trạm xe buýt, khu dân cư. Trong đó có 3 khu đã ngưng hoạt động.
Hơn 10h sáng tại bến xe buýt Hàm Nghi (quận 1), chúng tôi đang dò tìm nhà vệ sinh công cộng thì được một tài xế xe ôm chỉ vào 4 buồng vệ sinh đặt gần đó.
Buồng vệ sinh này được phường đặt đã lâu nhưng nay chỉ còn 2 sử dụng được, 2 đã hư hỏng suốt 1 năm chưa được sửa chữa. Do đó những người làm việc và di chuyển khu vực này thường phải "tranh thủ" mỗi khi có nhu cầu.
Do không có người túc trực quản lý và vệ sinh chà rửa, nên các buồng vệ sinh này xuống cấp trầm trọng.
"Đề cao tự ý thức nhưng đâu quản hết được người dùng. Ban ngày có những người vô gia cư đến tắm rửa, giặt giũ đồ đạc nước nôi lôi thôi. Ban đêm đôi lúc lại có những đối tượng phá phách, thậm chí hút chích vào chiếm lĩnh", tài xế xe ôm này cho biết.
Theo khảo sát của UBND quận 1, mỗi ngày có từ 1 - 2 triệu người di chuyển và hoạt động trên các tuyến đường của quận. Trong khi tần suất trung bình của các khu vệ sinh hiện hữu chỉ phục vụ được khoảng 12.500 lượt/ngày.
Phó chủ tịch UBND quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh cho rằng trong triển khai xây dựng nhà vệ sinh, khó nhất là việc tìm địa điểm bởi quỹ đất ở quận hiện nay rất hiếm. Tiếp đó là vấn đề nguồn lực thực hiện, chi phí đầu tư ban đầu không có, quận phải xin TP cấp dự toán.
Nếu ngân sách nhà nước không cấp phải tính toán sử dụng nguồn xã hội hóa. Hiện tại quận 1 đã rà soát vị trí ở một số khu đất trống hoặc khu đất thực hiện dự án mà chưa thực hiện để dựng nhà vệ sinh.
"Chúng tôi làm tạm thời nhưng không có nghĩa sau này nó sẽ mất đi bởi vì khu đất đó sau khi hình thành các dự án cũng có khu vệ sinh dành cho người dân", ông Vinh nói và cho biết đã có một đơn vị tư nhân đến quận để liên hệ trao đổi về việc đầu tư.
Sạch - bẩn do ý thức rất nhiều
Ngày 11-3, ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy tại một số nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội như cạnh hồ Xã Đàn, Đại học Thủy lợi, công viên Thống Nhất (quận Đống Đa), vườn hoa Bình Than, Bệnh viện Quân đội 108 (quận Hai Bà Trưng)... đều có nhân viên vệ sinh dọn dẹp thường xuyên nên không bốc mùi.
Tuy vậy, một số nhà vệ sinh có tình trạng xuống cấp khi cửa hỏng, bồn tiểu hư hỏng, sàn nhà ngấm nước...
Việc tìm nhà vệ sinh công cộng cũng khó khăn khi đa số tập trung ở khu vực cổng trường đại học, vườn hoa, công viên. Trong khi các khu đông dân cư, khu vực công sở, nhiều hàng quán thì lại không có.
Là tài xế công nghệ, anh Lê Văn Minh (trú Đống Đa) thường xuyên phải di chuyển tại nhiều con đường ở Hà Nội. Anh cho hay nhiều nhà vệ sinh tại Hà Nội đóng cửa không cho vào. Có nơi còn có mùi do không có người dọn thường xuyên.
Tuy vậy, gần đây nhiều nhà vệ sinh ở Hà Nội có nhân viên vệ sinh dọn dẹp nên đỡ mùi xú uế hơn nhưng sàn nhà thì vẫn bẩn. "Nhiều nơi xây kiểu ngày xưa không tránh khỏi hoen ố nhưng cũng còn may vì không còn nồng nặc mùi như vài năm trước", anh Minh nói thêm.
Còn anh Hải Đăng, nhân viên văn phòng, cho hay tại hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) những ngày cuối tuần có phố đi bộ nên các nhà vệ sinh công cộng quanh hồ Gươm đều quá tải. Tuy được dọn dẹp nhưng sàn nhà vẫn lênh láng nước.
"Tôi nghĩ chủ yếu là do ý thức người dân. Nếu ai cũng vứt giấy đúng nơi quy định, không ngồi xổm lên bệ vệ sinh, xả nước sau khi dùng thì nhà vệ sinh sẽ đỡ mùi hôi hơn", anh Đăng chia sẻ.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Được Lợi, nhân viên dọn vệ sinh tại quận Đống Đa, cho hay muốn nhà vệ sinh sạch sẽ thì phải quét dọn thường xuyên.
Trường hợp nhà vệ sinh... không vệ sinh là do sự kém ý thức và không phải ngay lúc nào, ngay lập tức cũng có thể có người dọn dẹp được.
Cần làm ngay
Đầu tháng 2 vừa qua, dẫn chỉ số từ bảng xếp hạng của QS Supplies, báo Nikkei Asia cho biết chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại TP.HCM xếp vị trí 67/69 TP du lịch trên thế giới.
Một cán bộ phòng quản lý đô thị của TP.HCM cũng cho rằng những năm trước đây TP đã từng đặt vấn đề về việc thiếu nhà vệ sinh.
Khi đó quỹ đất công không có để đặt, các địa phương phải đi vận động các địa điểm kinh doanh, cung ứng dịch vụ cho khách đi vệ sinh miễn phí. Nhưng dần về sau và nhất là khi gặp đại dịch đến, nhiều người e ngại.
Theo vị này, khi xây dựng nhà vệ sinh công cộng, đối tượng cần để tâm nhất là người lao động trên đường phố.
"Họ rất hay e ngại bước vào các quán xá để xin đi vệ sinh. Khi đó sẽ phát sinh chuyện là ai giữ xe mà nếu lỡ đi vệ sinh miễn phí mà giữ xe hết 10.000 đồng thì cũng gây khó", vị này nói.
Bởi vậy, trong nhiều cuộc họp gần đây Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã quyết liệt chỉ đạo: "Không thể chấp nhận việc ở TP thế này lại để xảy ra tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng".
Ông cho rằng các đơn vị không thể viện cớ không có quy hoạch để không triển khai nhà vệ sinh lưu động, mà tại những nơi có nhu cầu như trung tâm, công viên... cần phải làm ngay.
Nhiều khó khăn
Trao đổi với PV, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho hay đến nay, một số nhà vệ sinh công cộng bằng gạch xây dựng lâu năm (trước năm 1990) đã xuống cấp, hư hỏng như phần tường gạch cũ kèm ẩm mốc.
Các nhà vệ sinh thép mặt ngoài bị bong tróc, hoen gỉ; hệ thống thiết bị hỏng; đèn chiếu sáng đa số không hoạt động... Công tác duy tu còn gặp nhiều khó khăn và chỉ dừng lại ở việc sửa chữa nhỏ lẻ.
Lý do là theo hợp đồng duy trì các nhà vệ sinh công cộng chỉ chi trả cho công tác duy trì làm sạch, không có chi phí dành cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa. Đại diện Urenco đề nghị thời gian tới cần cải tạo, nâng cấp các nhà vệ sinh công cộng hiện có.
Đồng thời thực hiện đầu tư xây dựng thêm các nhà vệ sinh công cộng trên những đường phố chính, các điểm du lịch, thương mại và các nơi công cộng khác...
Trước đó, từ năm 2016, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án 1.000 nhà vệ sinh công cộng bằng hình thức xã hội hóa nhằm phục vụ người dân, đảm bảo mỹ quan đô thị, với chi phí từ 600 triệu đến hơn 1 tỉ đồng/nhà vệ sinh công cộng.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án xã hội hóa lắp đặt 500 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn, chủ đầu tư triển khai quá chậm so với cam kết; sự phối hợp giữa công ty với chính quyền các địa phương không chặt chẽ...
T.CHUNG
Dùng nguồn vốn nào cũng phải có cơ chế duy tu
Trước đây Sacombank đã tiên phong trong việc tài trợ nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn 4 - 5 sao, phục vụ miễn phí.
Cụ thể từ năm 2010 - 2014, ngân hàng này đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 14 nhà vệ sinh công cộng miễn phí tại TP.HCM, TP Đà Lạt, TP Vũng Tàu, TP Vĩnh Long, TP Cao Lãnh, Phú Quốc... Tại TP.HCM được xây dựng tại các công viên như 23-9, Lê Văn Tám, Tao Đàn...
Mỗi nhà vệ sinh có diện tích từ 60m2 và chi phí đầu tư từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng. Ngân hàng cũng bố trí nhân sự chuyên trách trực theo ca để quản lý, giữ gìn vệ sinh và đến nay Sacombank vẫn đang duy trì và vận hành các nhà vệ sinh này.
Mục tiêu của việc đầu tư, xây dựng và nhân rộng mô hình này đến khắp các quận, huyện tại TP.HCM và các tỉnh thành trọng điểm về du lịch trên cả nước, theo Sacombank, là một trong những hoạt động thể hiện trách nhiệm chung tay với các địa phương giữ gìn nét văn minh và tạo diện mạo mới cho khu dân cư.
Tuy nhiên sau Sacombank thì chưa có thêm ngân hàng nào tham gia đầu tư thêm các nhà vệ sinh công cộng tại TP.HCM. Từ sau năm 2014 đến nay Sacombank cũng không đầu tư thêm các nhà vệ sinh công cộng theo mô hình trên tại TP.HCM.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, khó khăn không nằm ở kinh phí đầu tư ban đầu mà ở việc quản lý và duy trì vận hành sau đó khá phức tạp, nhất là tại TP.HCM. Do vậy gần 10 năm nay mô hình này không được phát triển thêm.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia lĩnh vực môi trường, để câu chuyện nhà vệ sinh ở TP.HCM không chỉ khởi xướng chớp nhoáng rồi vụt tắt, chính quyền TP phải có phương án quản lý chặt chẽ song song việc kêu gọi xã hội hóa như Sacombank hoặc dự án nhà vệ sinh công cộng kết hợp ki ốt kinh doanh cùng Công ty cổ phần công nghệ môi trường Tiên Phong tại quận 3 và Tân Bình đã làm.
Vị này lấy ví dụ từ Singapore, nhà vệ sinh công cộng thậm chí phải xây dựng theo quy chuẩn của các luật về sức khỏe, môi trường.
Ví dụ như không chỉ đảm bảo yêu cầu về không gian mà còn phải qua các nghiên cứu tâm lý. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khỏe cộng đồng. Vị này cho rằng TP.HCM có thể kêu gọi xã hội hóa từ nhiều chủ đầu tư khác nhau, hoặc từ ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên phải đảm bảo hợp đồng quy định rõ các giải pháp quản lý, vận hành, khai thác dịch vụ "cộng sinh". Như trong việc dọn vệ sinh cần xác định hiệu quả công việc chứ không phải dựa trên số lượng nhân viên thực hiện.
Hoặc trong việc kinh doanh thu hồi vốn phải đảm bảo hài hòa giữa trách nhiệm và quyền lợi bởi có nhiều nơi vì lợi nhuận thu phí vệ sinh không cao, chủ đầu tư chỉ tập trung kinh doanh mà phó mặc khu vệ sinh tan hoang.
A.HỒNG - C.NƯƠNG
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát ngay
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện về việc tập trung kiểm tra, rà soát và đầu tư xây dựng trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng tại trường học, đô thị.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung kiểm tra, rà soát và đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại đô thị.
Công điện nêu rõ: hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại khu vực công cộng đô thị, khu du lịch... còn thiếu, quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, du khách.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra thực trạng tình hình, đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan về nhà vệ sinh ở đô thị.
Yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo công năng, sử dụng thuận tiện đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, chậm nhất hoàn thành trong quý 3-2023.
Lập chỉ dẫn nhà vệ sinh công cộng để người dân, du khách tiếp cận sử dụng. Với những nơi chưa có cần khẩn trương quy hoạch, sắp xếp bố trí quỹ đất, huy động nguồn lực, tháo gỡ khó khăn... để đảm bảo năm 2023 hoàn thành đầu tư, xây dựng.
Khuyến khích nghiên cứu, áp dụng các mô hình mới đáp ứng yêu cầu tiện ích, mỹ quan đô thị, thân thiện môi trường...
Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng rà soát, hoàn thiện, sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hạ tầng đô thị có liên quan, đáp ứng yêu cầu đồng bộ hạ tầng trong đô thị, trong đó có nhà vệ sinh công cộng...
THÀNH CHUNG
Có thể làm gì?
Liên quan đến vấn đề tưởng là nhỏ nhưng rất quan trọng này, Tuổi Trẻ ghi nhận thêm một số ý kiến về việc phát triển nhà vệ sinh công cộng cho các đô thị.
TS Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM):
Xây xong rồi cũng rất cần "chỉ điểm" thuận lợi
TP.HCM hoặc các đô thị khác cần định hướng quy hoạch xây dựng nhà vệ sinh công cộng phân theo vùng nội thành và ngoại thành: nội thành thì gắn với các công viên, khu vui chơi, trung tâm thương mại, bến xe cùng với các cây xăng; ngoại thành thì dựa trên khoảng cách địa giới hành chính. Tuy vậy, cần có cơ chế rõ ràng cho việc tự quản hoặc không tự quản.
Bên cạnh đó, cần xã hội hóa khi ngân sách dành cho việc này khá khó khăn. Có thể nghiên cứu giao cho các đơn vị công ích quận huyện hoặc công ty môi trường đô thị làm chủ đầu tư trên định hướng xã hội hóa nhằm duy trì hoạt động và thu hồi nguồn vốn, hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho chủ đầu tư có thể tiếp cận phát triển.
Nhà vệ sinh ở đô thị rất quan trọng cả về hình thức lẫn chất lượng, do đó cần có quy định màu sắc, kích thước, quy mô và đặc biệt là có thể di chuyển dễ dàng, lắp đặt mà không cần quy hoạch theo tiêu chuẩn đô thị.
Ngoài ra cần hướng dẫn người dân nhận biết nơi đặt nhà vệ sinh công cộng, hiện nay có thể dùng cả trên các trang web, thậm chí tạo app.
TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM):
Tính toán xây nhà vệ sinh lưu động
Nhiều người nước ngoài đánh giá TP.HCM có tất cả mọi thứ tốt đẹp từ các dịch vụ ăn uống, mua sắm, chỉ có thứ thiếu nhất là nhà vệ sinh công cộng. Không chỉ thiếu, nhà vệ sinh lại còn đặt ở những vị trí không thuận lợi và lại rất "thiếu vệ sinh".
Chưa kể, một số người có thói quen đi vệ sinh ngay bên vệ đường. Việc thiếu trầm trọng nhà vệ sinh công cộng khiến không ít người nghĩ rằng chúng ta e ngại đặt nhà vệ sinh di động trên đường phố trung tâm sầm uất gây mất mỹ quan nhưng lại dửng dưng trước hình ảnh nhiều người tiểu bậy trên đường phố (?!).
Tôi cho rằng TP.HCM và các đô thị cần nhanh chóng tăng số lượng nhà vệ sinh lên, đặc biệt là ở những khu vực đông người qua lại.
Để làm được như vậy có thể giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy hoạch thống nhất trên toàn TP từ kinh phí ngân sách hoặc xã hội hóa. Hoặc khả thi hơn là giao chỉ tiêu cho các quận huyện điều tra, lên phương án thông qua TP để xây dựng, quản lý, đảm bảo đầy đủ nguồn điện, nước.
Đặc biệt nên tính toán xây dựng nhà vệ sinh lưu động, bởi loại hình này có thể cơ động di chuyển ở các nơi theo giờ cao điểm.
TS Nguyễn Hồng Ngọc (khoa kiến trúc ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng):
Phải đảm bảo tính tiện dụng và an toàn cho mọi người
Một trong những yêu cầu đối với nhà vệ sinh công cộng là phải có địa điểm hợp lý. Cần bố trí ở những nơi có lượng dân di chuyển lớn; nơi có nhiều hoạt động sẽ trở nên an toàn hơn, đặc biệt với phụ nữ và những người yếu thế.
Ví dụ nếu bố trí nhà vệ sinh công cộng trong công viên nên bố trí bên rìa chứ không phải nằm hẳn trong công viên. Hoặc bố trí kề bên trạm dừng xe buýt, sạp bán báo...
Ở TP Đà Nẵng có một nhà vệ sinh công cộng nằm bên rìa công viên nhỏ ngay góc đường Hùng Vương.
Nhà vệ sinh này được đánh giá là sạch sẽ và thân thiện với người sử dụng, mặc dù không quá hào nhoáng. Để làm được như thế khi thiết kế nhà vệ sinh công cộng phải đảm bảo tính tiện dụng, tiết kiệm nước, an toàn với các nhóm dân cư yếu thế.
Việc xây dựng và duy trì các nhà vệ sinh công cộng phải được xem là một ưu tiên đối với các đô thị như TP.HCM, bởi nó chính là một phần của chiến lược xây dựng một TP văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Thế Định (nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1, TP.HCM):
Cần cơ chế cụ thể để khuyến khích đầu tư
Tôi nhớ TP từng có chủ trương vận động các nhà hàng, quán cà phê, khu trung tâm thương mại khai thác khu vực vệ sinh phục vụ khách vãng lai nhưng thực tế hiệu quả không khả quan.
Bởi đối tượng người dân di chuyển và lao động trên đường phố (người mua ve chai, bán vé số hay xe ôm) thường rất e ngại vào các địa điểm sang trọng đi vệ sinh.
Vài năm trước đây quận 1 từng có mô hình nhà vệ sinh trên vỉa hè có thu phí, tuy nhiên đến giai đoạn 2017 - 2018 UBND quận đã ra chiến dịch dẹp kinh doanh trên các vỉa hè, từ đó các nhà vệ sinh công cộng được thí điểm trên cũng dẹp đi.
Hiện các mô hình nhà vệ sinh thông minh không thiếu, chỉ có điều TP.HCM cần có một cơ chế nào đó để khuyến khích các đơn vị đầu tư. Bởi chỉ nếu thu phí vệ sinh thì không biết bao lâu mới thu hồi vốn.
Nếu không thu hút được tư nhân, bắt buộc Nhà nước phải đầu tư quan tâm câu chuyện này, có thể thu lại vốn chậm hơn nhưng mục đích phải đảm bảo phục vụ người dân và khách du lịch.
Theo tôi, với quỹ đất của quận 1 hay các quận trung tâm rất hiếm nên việc triển khai các nhà vệ sinh lưu động, thông minh là phù hợp. Chính quyền TP cần phải đưa ra một khuôn mẫu về nhà vệ sinh chuẩn nhất để các địa phương có thể gọi nhà đầu tư thống nhất thực hiện.
Chị Nguyễn Minh Anh Thư (quận 3, TP.HCM):
Lượng - chất phải song song
Ở TP.HCM dễ tìm được một chỗ ăn chơi, nhưng tìm được một nhà vệ sinh công cộng thật sự rất gian nan.
Vì thế, ngoài việc tăng thêm nhà vệ sinh công cộng là một chuyện, điều quan trọng không kém là đừng để nhà vệ sinh công cộng xuống cấp, hôi thối trở thành "nỗi ám ảnh" cho mọi người.
Có chính sách quản lý, tránh tình trạng "cha chung không ai khóc". Việc đáp ứng nhu cầu nhỏ nhất như có chỗ đi vệ sinh sạch sẽ thoải mái cũng là yếu tố tạo nên hình ảnh đẹp cho du khách.
CẨM NƯƠNG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận