Nhà vệ sinh là một trong các biểu tượng của nền văn hóa hiếu khách nổi tiếng thế giới của Nhật Bản. Trước đây, kiểu nhà vệ sinh “thông minh” của Nhật Bản, với vòi phun nước và “ghế sưởi” đã từng khơi dậy sự tò mò và ngưỡng mộ của du khách phương Tây.
Điều đó chưa thấm vào đâu so với nhiều kiểu nhà vệ sinh công cộng mới, đang và sắp được triển khai ở 17 địa điểm trong quận Shibuya - khu thương mại sầm uất ở thủ đô Tokyo, nổi tiếng với những phố đi bộ luôn tấp nập người mua sắm và du khách quốc tế.
“Những nhà vệ sinh công cộng mới sẽ sử dụng thiết kế tiên tiến để giúp mọi người có thể sử dụng chúng bất kể giới tính, tuổi tác hay khuyết tật, nhằm thể hiện khả năng của một xã hội hoà nhập.” - dự án Nhà vệ sinh Tokyo cho biết. Mặc dù thông số kỹ thuật của mỗi nhà vệ sinh có khác nhau, nhưng ở tất cả các địa điểm đều có thể dùng xe lăn. Tất cả các nhà vệ sinh cũng được trang bị nắp rửa điện tử Washlet,…
Dự án Nhà vệ sinh Tokyo do Quỹ Nippon, một tổ chức từ thiện tư nhân, phi lợi nhuận, triển khai. Với sự hợp tác của 16 nhà sáng tạo hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới, hiện đã có năm cơ sở được mở cửa cho công chúng. Từ nay tới tháng 9 sẽ khai trương tiếp bốn nhà vệ sinh công cộng khác. 10 nhà vệ sinh công cộng còn lại dự kiến sẽ mở tiếp trong năm 2021 ở Shibuya.
Hôm 7-8, “Nhà vệ sinh Mực” đã mở cửa ở công viên Đông Ebisu (còn được gọi là “Công viên Bạch tuộc”), do kiến trúc sư Fumihiko Maki thiết kế. Nhà vệ sinh công cộng này có không gian như một khu vực nghỉ ngơi, còn cơ sở vật chất trông tựa như các thiết bị sân chơi.
Trong cùng ngày 7-8, một nhà vệ sinh khác đã được khai trương ở Higashi Sanchome, theo thiết kế của kiến trúc sư Nao Tamura, với ý tưởng… một phòng tắm công cộng có không gian cá nhân.
Trước đó, vào ngày 31-7, kiểu nhà vệ sinh công cộng “Kawaya hiện đại”, do kiến trúc sư Masamichi Katayama thiết kế, đã mở cửa ở công viên Ebisu. Kawaya là túp lều làm “nhà vệ sinh” bên sông, có mặt ở Nhật Bản từ thời… Đồ đá mới.
Hai nhà vệ sinh “nhìn xuyên thấu” đang trở thành… điểm nóng
Tuy vậy, độc đáo nhất là hai nhà vệ sinh công cộng “nhìn xuyên thấu” đã được mở cửa ở công viên cộng đồng Haru-No-Ogawa và công viên mini Yoyogi Fukamachi Mini trong cùng ngày 31-7.
“Có hai điều chúng tôi lo lắng khi bước vào nhà vệ sinh công cộng, đặc biệt là những nhà vệ sinh nằm ở các công viên. Đầu tiên là sự sạch sẽ; thứ hai là liệu có ai đang ở bên trong hay không.” - trang web chính thức The Tokyo Toilet của dự án cho biết.
Hai nhà vệ sinh công cộng “trong suốt”, do Shigeru Ban Architects - một công ty kiến trúc từng đoạt giải Pritzker, thiết kế, đã giải quyết cùng lúc hai mối quan tâm ấy khi sử dụng những bức tường kính “thông minh”.
Thoạt tiên, những vách kính sẽ cho phép công chúng nhìn xuyên qua từ bên ngoài. Tuy vậy, khi có người dùng bước vô nhà vệ sinh và khoá cửa, các bức tường kính sẽ trở nên mờ đục, để đảm bảo sự riêng tư.
“Điều đó cho phép người dùng có thể nhìn từ bên ngoài để kiểm tra… độ sạch sẽ, kể cả để xem liệu có ai còn đang sử dụng nhà vệ sinh hay không.” – trang web của dự án xác nhận – “Vào ban đêm, loại nhà vệ sinh công cộng này sẽ… thắp sáng công viên như một chiếc đèn lồng nhiều màu, tuyệt đẹp.”
Khi phóng viên của CNN Travel tới công viên cộng đồng Haru-no-Ogawa hồi đầu tuần này để tìm hiểu, đã có một lượng khách ổn định cũng đến để chụp hình và quay video về… “điểm tham quan” mới mẻ, đặc sắc này.
“Các thiết bị trong nhà vệ sinh sạch sẽ một cách ấn tượng, là sự pha trộn giữa màu trắng và màu chrome sáng lấp lánh.” – phóng viên CNN kể.
Cả hai nhà vệ sinh công cộng đều bao gồm phòng vệ sinh nữ, phòng vệ sinh nam và phòng vệ sinh đa năng.
“Các bức vách ngăn giữa các phòng đều lắp gương, làm tăng thêm cảm giác kỳ quái khi bạn ‘phô bày’ trong chốn riêng của mình. Một phần của sự hồi hộp là khi đã bước vô phòng vệ sinh, bạn không thể biết được vách kính có bị… mờ hay chưa.” – phóng viên kể tiếp – “Nghĩa là, điều cực kỳ quan trọng bạn không được quên là phải nhớ cài chặt khoá cửa ở ngay bên dưới tay cầm.”
“Trong chuyến thăm của chúng tôi, có lẽ một người đã thật sự quên khoá cửa lại, tạo ra… tiếng cười cho những người bên ngoài.” – phóng viên bật mí.
Theo Quỹ Nippon, nhà vệ sinh công cộng phải đứng trước thử thách của thời gian. Ngoài việc tập trung vào việc thiết kế các cơ sở vật chất ấn tượng, dự án Nhà vệ sinh Tokyo tin rằng việc cung cấp trải nghiệm thoải mái cho người dùng thông qua việc vệ sinh và việc bảo trì đều quan trọng như nhau. Với sự hợp tác của chính quyền và Hiệp hội Du lịch Shibuya, Quỹ Nippon sẽ làm việc với các nhân viên kiểm tra nhà vệ sinh chuyên nghiệp, và định kỳ thông báo trên trang web của dự án về trạng thái bảo trì chúng, nhằm khuyến khích người dùng giúp duy trì sự sạch sẽ cho người tiếp theo, đảm bảo việc cung cấp trải nghiệm người dùng tốt nhất.
Nhà vệ sinh trước và sau khóa cửa. (Video: The Tokyo Toilet)
Dự án Tokyo đã tránh… “vết xe đổ” ở Oita
Trước đây, hồi đầu năm 2014, thành phố Oita, thủ phủ tỉnh Oita trên đảo Kyushu ở Nhật Bản, cũng từng sử dụng một loại nhà vệ sinh công cộng có cửa sổ trong suốt. Ngay khi có người bước vô bên trong nhà vệ sinh, một cảm biến sẽ làm mờ cửa sổ, tạo ra sự riêng tư. Ở Nhật Bản, kiểu nhà vệ sinh này được gọi là "nhà vệ sinh khói" (sumooku toire).
Hoạt động của nhà vệ sinh công cộng trong suốt ở thành phố Oita (Video: ANN News)
Tuy nhiên, theo Oita Press, cửa sổ mờ có thể vô tình trở lại trong suốt, vì một lý do mà các nhà thiết kế chưa tính kỹ: nếu trong 35 giây mà không ghi nhận được chuyển động nào trong nhà vệ sinh, cảm biến sẽ cho rằng nhà vệ sinh đang "trống", nên điều khiển cho bóng che cửa sổ biến mất.
“Hãy điều chỉnh cảm biến, thay vì giữ nó ở 35 giây thì đổi thành 50 giây, hoặc một phút, vì đó không phải là sự khác biệt quá lớn.” – một khách hàng góp ý.
Sau một sự cố để lộ những "thứ bên trong" cho tất cả mọi người bên ngoài nhìn thấy, khu mua sắm nơi đặt nhà vệ sinh này đã đặt các tấm dán cảnh báo ở lối vào, và cả bên trong nhà vệ sinh, rằng cửa sổ sẽ trong suốt nếu không có chuyển động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận