16/10/2014 08:37 GMT+7

​Nhà văn Úc đoạt giải thưởng Man Booker

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Nhà văn Úc Richard Flanagan vừa đoạt giải thưởng văn học Anh Man Booker với tác phẩm The narrow road to the deep north (Con đường hẹp chạy sâu vào phương Bắc).

Nhà văn Úc Richard Flanagan phát biểu sau khi giành giải Man Booker - Ảnh: Reuters

Theo báo New York Times, nhà văn Flanagan, 53 tuổi, là người Úc thứ ba đoạt giải thưởng văn học uy tín của Anh có trị giá 8.000 USD. Tác phẩm đoạt giải của ông là câu chuyện đầy gai góc về một bác sĩ Úc bị bắt trong một trại tù của Nhật và bị ép phải làm việc tại dự án đường sắt Thái Lan - Myanmar.

Triết gia A.C. Grayling - chủ tịch ban giám khảo Man Booker - mô tả The narrow road to the deep north là “cuốn tiểu thuyết phi thường về tình yêu và chiến tranh”. Ông ca ngợi giọng văn tinh tế, biểu cảm của tác giả Flanagan và khả năng “kết nối phương Ðông với phương Tây, quá khứ với hiện tại bằng câu chuyện về tội lỗi và chủ nghĩa anh hùng”.

The narrow road to the deep north là tác phẩm thứ sáu của nhà văn Flanagan. Ông lấy cảm hứng sáng tác từ chính một bi kịch của gia đình mình. Cha của ông từng bị lính Nhật bắt làm tù binh thời Thế chiến thứ hai và phải lao động khổ sai. Ông Flanagan đã viết năm phiên bản khác nhau của tiểu thuyết này trước khi cảm thấy hài lòng với sản phẩm cuối cùng.

Tổng cộng ông đã dành 12 năm cuộc đời để viết The narrow road to the deep north. Trước khi đoạt giải Man Booker, The narrow road to the deep north được giới phê bình phương Tây ca ngợi hết lời.

Nhà phê bình Catherine Taylor của báo Telegraph đánh giá: “Truyện của Flanagan giống như một dòng sông, có chỗ đầy bùn đen và xác chết, có chỗ bừng sáng với ánh trăng”. Chuyên gia Carl Wilkinson của báo Financial Times mô tả cuốn tiểu thuyết “được viết đầy tinh tế và tao nhã, không có một chút cường điệu thống thiết nào”.

Ðây là năm đầu tiên giải Man Booker mở cửa tới tất cả cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh và được xuất bản tại Anh bất chấp quốc tịch của tác giả.

Trước đây chỉ có các nhà văn từ Vương quốc Anh, cộng đồng khối Thịnh vượng chung, Ireland và Zimbabwe được xét tranh giải. Trước đó giới văn sĩ Anh đã lên tiếng chỉ trích sự thay đổi này vì cho rằng nó sẽ dẫn tới sự “xâm lấn” của văn học Mỹ. Năm trong số 13 ứng cử viên giải năm nay là người Mỹ.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục