08/07/2014 08:29 GMT+7

Nhà văn Tô Hoài - những chi tiết không quên

PHAN THỊ THANH NHÀN
PHAN THỊ THANH NHÀN

TT - Tôi có may mắn được làm việc cùng nhà văn Tô Hoài ở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội và báo Người Hà Nội khoảng 15 năm, từ 1985 đến năm 2.000.

mtlKs24z.jpg
Nhà văn Tô Hoài - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Trước đó, khi tôi là phóng viên báo Hà Nội Mới, được cơ quan cho ở nhờ trên tầng 4 của báo, nhìn xuống hồ Gươm gần nhà bác Tô Hoài nên thỉnh thoảng nhà văn cũng ghé thăm gia đình tôi và trò chuyện cùng ông xã tôi - một người cũng yêu và hiểu Tây Bắc như Tô Hoài.

Tôi thường pha trà và nói vui: “Em mời hai ông ké xơi nước ạ” vì hai vị nhắc đến những Mường Giơn, Mường Lò, nhà tù Sơn La, nhà dài, già bản... mà tôi chỉ biết ngồi nghe im lặng và vô cùng thích thú.

Hồi cùng làm việc, nhà văn thường dặn tôi: “Muốn viết văn, điều quan trọng nhất là chi tiết. Mà chi tiết thì không thể phịa ra được. Phải chịu khó quan sát, ghi chép, đọc và tiếp xúc càng nhiều càng tốt cô ạ”.

Một lần, tôi viết bài thơ về chùa có câu: Bóng thông chùa Trấn Quốc - Như thực lại như mơ”... Sau khi báo đăng, nhà văn gặp tôi, cười: “Hôm qua tôi phải đạp xe lên chùa Trấn Quốc xem có cây thông như cô viết không, chứ cô mà mơ màng viết thế, là hỏng!”.

Hôm nay, nghe tin nhà văn vừa vĩnh biệt chúng ta, tôi ngồi viết những dòng này mà nước mắt rơi... Tôi bỗng nhớ lại biết bao chi tiết mà nhà văn đã để lại, với tôi, là những kỷ niệm không quên.

Một lần, Tô Hoài rủ tôi tham gia bữa ăn của ông và nhà văn Nguyễn Tuân tiếp một nữ nghệ sĩ từ miền Nam ra, thấy tôi ngần ngại ông bảo: “Cô cứ ngồi im mà quan sát thôi”.

Thế là hôm ấy tôi được gặp một nữ nghệ sĩ rất xinh đẹp, lịch lãm và cũng rất điệu đàng. Khi tiễn tôi về sớm, nhà văn nói nhỏ: “Cô biết không, toàn silicon bơm nên da mới căng thế đấy. Mấy năm nữa rồi khóc với nó”...

Lần khác, tôi ra ga đi vào Nam một mình, khi bạn bè đã ra về hết, vào sân tôi mới gặp bác Tô Hoài đứng chờ với một quả táo đỏ trên tay, ông cười: “Táo Nga đấy, nhưng mà ăn ngay, đừng có để lâu nó hỏng mất”.

Dạo đó, táo Tây là rất hiếm, nhưng tôi cũng giữ mấy ngày vì đó là quà của nhà văn mà tôi kính trọng.

Có lần đi nước ngoài Tô Hoài để lại một bài báo vừa viết xong, chưa kịp đặt tên và nhờ tôi đặt giúp rồi gửi ngay cho báo.

Tôi đọc xong, đặt tên và gửi đi, báo đăng ngay. Đó là bài Lời em lời đẹp (thì phải) nói về các cô gái Thái và bài hát của họ.

Về, nhà văn trêu tôi: “Cái tít của cô thơ quá, không có hợp với bài đâu nhé”!... Hiện nay tôi còn giữ nhiều tập bản thảo của Tô Hoài, bác đưa tôi và dặn: “Lúc nào rỗi, cô đọc xem tôi viết cẩn thận thế nào. Cô thì cứ viết ào ào, hỏng!”. Quả thật bản thảo của nhà văn toàn chữ viết tay, nhỏ nhắn và đều tăm tắp nhưng sửa chữa rất nhiều.

Có thể nói trong các nhà văn lớp trước, tôi thật may mắn được làm việc và sống gần nhà văn Tô Hoài - một người Hà Nội tỉ mỉ, hóm hỉnh, giản dị và say mê viết văn đến tận những ngày cuối đời khi bác còn cầm được bút.

Vĩnh biệt nhà văn yêu quý của thủ đô, của Việt Nam - một người anh, người thầy đáng kính của tôi và bao bạn viết cùng trang lứa.

Đề nghị lập giải thưởng văn học mang tên Tô Hoài

Văn chương của Tô Hoài thấm đậm chất Kẻ Chợ trong giọng điệu, cái nhìn, nhân vật, phong cảnh. Ông viết nhiều về Hà Nội, nhất là vùng ven đô, đã đành. Ngay cả khi ông viết về miền núi, về các chuyện lịch sử, dã sử, về những chuyến đi nước ngoài, thấp thoáng trong và ngoài trang sách của ông vẫn là tính cách và cốt cách của một nhà văn Kẻ Chợ hóm hỉnh, tinh quái, khôn ngoan, rành đời.

Vậy nên Tô Hoài qua đời là Hà Nội mất một nhà văn của mình. Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên đề nghị nên lập một giải thưởng mang tên Tô Hoài cho những tác phẩm viết về Hà Nội của nhà văn cả nước. Có thể giải thưởng mang tên Dế Mèn để trao cho những tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc sẽ được lập ra do sự chung sức giữa Hội Nhà văn Hà Nội và Nhà xuất bản Kim Đồng.

Nếu có giải thưởng này Tô Hoài vẫn sống với Hà Nội, Hà Nội vẫn có Tô Hoài. Và mỗi nhà văn cả nước sẽ thấy mình gắn với thủ đô hơn.

H.HƯƠNG ghi

13-7: sẽ tổ chức lễ viếng

* Đang tái bản toàn bộ sách Tô Hoài

Chiều 7-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà thơ Bằng Việt (chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội) cho biết: lễ viếng nhà văn Tô Hoài (mất ngày 6-7) sẽ diễn ra từ 9g-11g30 ngày chủ nhật 13-7 tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông. Ban tổ chức lễ tang bao gồm Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cùng nhiều cơ quan khác. Tuy nhiên, theo nhà thơ Bằng Việt hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc ai là trưởng ban tổ chức lễ tang nhà văn Tô Hoài. “Tô Hoài là một nhà văn lớn, đồng thời cũng là lão thành cách mạng, tham gia tiền khởi nghĩa. Do vậy, việc đề xuất trưởng ban tổ chức lễ tang cần phải cân nhắc kỹ”, nhà thơ Bằng Việt nói.

* Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phan Thị Lệ - giám đốc công ty Sách Phương Nam - cho biết đơn vị này đã có kế hoạch và đang tái bản các sách của Tô Hoài từ nay đến cuối năm 2014.

Phương Nam là đơn vị thương thảo tác quyền với nhà văn Tô Hoài từ rất sớm, vào năm 2006, ông đã ký hợp đồng chuyển nhượng tác quyền 17 tác phẩm đầu tiên của ông cho Phương Nam. Đến nay, sau đợt ký kết hợp đồng vào cuối năm 2012, toàn bộ tác quyền các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài đang được công ty Sách Phương Nam nắm giữ. Đầu năm 2014, hai quyển Chiều chiều và Cát bụi chân ai vừa được công ty Sách Phương Nam tái bản. Đây là bản in mới nhất hai tác phẩm được chú ý nhất trong mảng hồi ký, ghi chép của Tô Hoài về chuyện làng văn nghệ Việt Nam. Trước đó, một loạt tác phẩm của ông đã được in như: Chuyện cũ Hà Nội (2 tập), Giấc mộng ông thợ Dìu, Chuyện Tây Bắc, Những kinh nghiệm viết văn, Giăng thề, Kẻ cướp Bến Bỏi.

H.HƯƠNG - LAM ĐIỀN

PHAN THỊ THANH NHÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên