Nhà văn Sơn Tùng - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Tin từ gia đình nhà văn Sơn Tùng cho biết ông trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào khoảng 23h05 hôm qua 22-7. Nhà văn ra đi ở tuổi 93, sau hơn 11 năm cùng người vợ tảo tần, thủy chung chống chọi với bệnh nặng do tai biến.
Lễ viếng nhà văn Sơn Tùng sẽ diễn ra vào 7h30 ngày 26-7 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu vào 8h30, an táng tại nghĩa trang quê nhà tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
"Ông là một người đặc biệt và là một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn", chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ lòng ngưỡng mộ của ông với nghị lực sống và sức sáng tạo của nhà văn Sơn Tùng.
Theo nhà văn Thiên Sơn - cháu gọi nhà văn Sơn Tùng bằng bác, tác giả Búp sen xanh sinh năm 1928 tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Ông sớm rời quê hương Diễn Châu tham gia cách mạng từ những năm 1950. Ông hoạt động ở tỉnh đoàn, sau ra Hà Nội học Đại học Nhân dân rồi làm giảng viên đại học, làm báo Tiền Phong. Từ năm 1964 ông vào chiến trường Nam Bộ lập báo Thanh Niên Giải Phóng, rồi bị thương nặng trở ra Bắc cuối năm 1971.
Kể từ đó ông bắt đầu cuộc đời của một người cầm bút chuyên tâm, kiên định, sáng tạo trong nghèo khó, bệnh tật bởi những vết thương chiến tranh.
Sơn Tùng có viết về chiến tranh qua các tiểu thuyết: Vườn nắng, Lõm; về danh nhân cách mạng qua các truyện lịch sử như Trần Phú, Nguyễn Hữu Tiến… Mảng sách thành công nhất của ông, để lại ấn tượng nhất là mảng sách về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông đã viết hàng loạt tiểu thuyết về Bác Hồ như Búp sen xanh, Bông sen vàng, Trái tim quả đất và truyện ký Bác về, Nguyễn Ái Quốc qua ký ức một bà mẹ Nga…
Ngoài tiểu thuyết, cuối năm 1987 Sơn Tùng còn hoàn thành kịch bản phim mang tên Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng mà năm 1990 được dựng phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, đạo diễn Long Vân, quay phim Nguyễn Quang Tuấn, diễn viên Tiến Lợi vào vai Bác Hồ.
Sơn Tùng còn sáng tác thơ, trong đó đáng chú ý là bài Gửi em chiếc nón bài thơ (1955) và Cửa sổ xanh (1971). Bài Gửi em chiếc nón bài thơ sau ngày đất nước thống nhất đã được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc.
Năm 2011, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, trở thành người thứ 4 thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được nhận danh hiệu này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận