Nhà văn Lưu Vĩ Lân (bìa trái) đang chia sẻ về công việc viết văn
Vì vậy cuộc trao đổi về chuyện viết lách nhanh chóng vượt quá biên độ một buổi tọa đàm ra mắt sách, để giữ nhiều người ngồi lại với nhau đến hết buổi do lẽ những chia sẻ về nghề văn vẫn còn có sức quyến rũ riêng.
"Viết là một sự thôi thúc không ngừng"
Trong phát biểu có tính cách đề dẫn, nhà văn Bích Ngân - chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - nhấn mạnh đến quan niệm về nghề và nghiệp trong mỗi hành trình của người viết văn. "Đã là nghề, nghề văn hay bất cứ nghề nào cũng vậy, phải sở hữu được tri thức, vốn sống, kỹ năng chuyên môn... Còn nghiệp, đòi hỏi cao hơn, sâu hơn, mông lung hơn nhưng quyết liệt hơn nơi phẩm hạnh của người sáng tạo. Thôi thúc từ bên trong, từ trái tim, từ lương tâm".
Đồng cảm về điều này, nhà văn Trần Luân Tín cho rằng "viết là một sự thôi thúc không ngừng" với nhà văn.
Còn nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc tự nhắc mình và chia sẻ với đồng nghiệp bằng cách dẫn lời nhà văn Vũ Hạnh nói đại ý các cuộc bù khú quán xá của giới nhà văn bên ngoài bàn viết "là nơi biến người tầm thường thành thiên tài nhanh nhất và cũng biến thiên tài thành người tầm thường nhanh nhất".
Nhà văn Trần Luân Tín: "Viết là một sự thôi thúc không ngừng"
Trong khi đó, nhà văn Lưu Vĩ Lân - tác giả đoạt giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM và giải A của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam với tiểu thuyết Nghiệp chướng - chia sẻ rằng: "Mỗi khi tôi ngồi xuống viết như là một nghi thức, để mình chìm đắm vào một thế giới huyền bí. Viết tiểu thuyết là tạo ra một huyền thoại, tôi muốn chiêm nghiệm và lý giải rằng việc đó tại sao lại xảy ra trong lịch sử cũng như trong nhiều cảnh huống khác. Nhà văn luôn phải lý giải tại sao nó xảy ra, đó là cái nhìn của nhà văn, là phần việc của nhà văn đối với cuộc đời".
Buổi tọa đàm còn có mặt đôi vợ chồng văn nhân đặc biệt: ông Trương Văn Dân và cô Elena Pucilo Trương vừa từ Ý trở về Việt Nam sau khi tình hình dịch COVID-19 tạm yên.
Cô Elena nói về sự sâu xa của nghề viết bằng một nhận định thâm thúy: "Các tác phẩm cổ điển cho thấy tình cảm con người mấy ngàn năm nay vẫn vậy, chỉ là mỗi thời nhà văn dùng ngôn ngữ của thời đại mình".
Đó thực sự là một nan đề cho mỗi người khi bước vào nghề văn. Dùng ngôn ngữ của thời đại mình/dân tộc mình để nói lên những vấn đề có tầm tư tưởng của nhân loại và sống được xuyên thời gian quả là không đơn giản.
Cho nên nhà văn Trầm Hương dẫn lại câu nói của nhà văn Sơn Nam: "Nghề văn mà dễ thì ba tàu chợ Lớn họ làm hết rồi có đâu tới lượt mình".
Có thể dạy viết văn không?
Cuộc tọa đàm có chiều hướng "lý luận về nghề" khi nhà thơ Lê Thiếu Nhơn phát biểu về quan niệm độ dài của tam giác ba cạnh gồm công chúng - tác phẩm - giải thưởng đối với mỗi nhà văn. "Công chúng là cạnh dài nhất, nhà văn cần công chúng, nếu không chỉ là viết nhật ký tự đọc, sau đó là tác phẩm, và giải thưởng nên là cạnh ngắn nhất", ông nói.
Nhân đó nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cũng đưa ra nhận định rằng, nhà văn thời nay phải là những người nói thật", tuy nhiên "nói thật là khó, nhưng khó hơn là nhà văn sống thật, sống có tư cách. Làm nghề nói thật mà sống giả thì nhà văn bị chính cuộc sống của anh tẩy chay", ông kết luận.
Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải chia sẻ phần việc của một người viết phi hư cấu, bà tự nhận trước nay bà vẫn là nhà báo và những trang viết ký nhân vật là phần tâm đắc của bà hơn cả. Hơn nữa chính công việc và những thành quả đó cũng được đồng nghiệp và công chúng ghi nhận, như tác giả Larry Berman từng nhận xét rằng tuy cùng viết về Phạm Xuân Ẩn nhưng "bà là người hiểu rõ hơn ai hết về chủ nghĩa nhân văn của ông ấy".
Buổi tọa đàm còn có một số giảng viên, giáo viên đến từ các trường đại học và trung học. TS Hồ Khánh Vân đến từ khoa văn học - Đại học KHXH&NV TP.HCM bày tỏ sự tâm đắc đối với quyển Nhà văn nói về nghề, và cô đặt ra một câu hỏi rằng công việc dạy viết văn liệu có khả thi không, lộ trình và giáo án như thế nào?
Câu trả lời từ nhà văn Bích Ngân là: Có thể dạy viết như cách dạy làm nghề, nhưng có trở thành nhà văn hay không thì không ai dạy được.
Tập sách Nhà văn nói về nghề vừa ra mắt độc giả
Nhà văn nói về nghề được biên soạn từ ý tưởng của Hội Nhà văn TP.HCM, giới thiệu 35 nhà văn cùng bài viết của mỗi người về nghề văn từ cái nhìn của họ.
Tập sách có mặt nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam, từ Tô Hoài, Lan Khai, Nam Cao đến Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận