19/03/2017 20:10 GMT+7

Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ sau gần 50 năm ẩn dật

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ vừa có cuộc hội ngộ với độc giả tại Đường sách chiều 19-3 nhân dịp Sách Phương Nam vừa tái bản 6 quyển sách của bà.

Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ gặp lại độc giả sau gần 50 năm ẩn dật - Ảnh: L.Điền
Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ gặp lại độc giả sau gần 50 năm ẩn dật - Ảnh: L.Điền

Tất cả đều là sách đã in tại Sài Gòn trước 1975, tính cả 4 quyển in hồi cuối năm 2016, đến nay nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ đã có 10 cuốn sách tái bản, đây có thể xem là toàn bộ sự nghiệp văn chương của bà, đã được Công ty Sách Phương Nam mua tác quyền: Lao vào lửa, Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang, Mèo đêm, Chiều mênh mông, Chiều xuống êm đềm, Như thiên đường lạnh, Ngọn pháo bông, Cho trận gió kinh thiên.

Buổi hội ngộ chiều 19-3 cũng chính là lần trở lại đầu tiên của Nguyễn Thị Thụy Vũ trước đông đảo công chúng sau gần 50 năm.

Mặc dù trí óc còn minh mẫn, nhưng chứng lãng tai ở độ tuổi 80 của bà khiến hai nhà văn Lý Lan và Ngô Thị Kim Cúc trong vai trò dẫn chuyện phải nhiều lần nhắc lại các ý cần hỏi.

Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ tuổi 80 vẫn minh mẫn giao lưu cùng bạn đọc - Ảnh: L.Điền
Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ tuổi 80 vẫn minh mẫn giao lưu cùng bạn đọc - Ảnh: L.Điền

Và trong niềm xúc động khi đối diện với một thế hệ độc giả mới nồng nhiệt đón nhận sự trở lại của tác phẩm Nguyễn Thị Thụy Vũ, bà nhẩn nha trả lời các câu hỏi về câu chuyện đời bà, về cái duyên đưa đến con đường viết văn...

“Tôi viết văn để nuôi 4 đứa con, trong đó có một đứa bị tàn tật”. Mọi người lặng đi khi nghe bà kể: Mỗi ngày tôi đi làm, viết feuilleton (chuyện dài kỳ) cho các báo, dạy tiếng Anh cho các cô gái có nhu cầu... Mấy đứa con được tôi giao đứa lớn trông đứa nhỏ, đến chiều về nhà, có hôm thấy đứa con bị tàn tật đói nằm trên vũng nước đái, thiệt tôi muốn chết cho rồi."

Ấy vậy nhưng Nguyễn Thị Thụy Vũ vào thập niên 1960-1970 từng nổi lên như một trong năm nhà văn nữ hàng đầu của Sài Gòn.

Vào năm 1973, nhà phê bình Uyên Thao từng dành cho Nguyễn Thị Thụy Vũ những nhận định rất có trách nhiệm, có tính gợi mở cho học giới về sau nghiên cứu văn của bà: “Nguyễn Thị Thụy Vũ đã cho thấy tất cả những người đang sống chỉ thực sự được sống bằng cách chạy trốn.

Trong khi những kẻ yếu đuối chạy trốn vào vùng trời tưởng tượng bi thảm của mình thì những kẻ tương đối mạnh dạn hơn chạy trốn vào trong sự giả dối, che đậy. Ngoài hai lớp người ấy là một lớp người chạy trốn thực sự, chạy trốn bằng cách ném mình vào những cuộc phiêu lưu mà mọi tính toán chỉ dừng lại ở một điểm duy nhất: miễn là tách xa được thế giới tù hãm này”.

6 quyển sách mới tái bản của Nguyễn Thị Thụy Vũ - Ảnh: L.Điền
6 quyển sách mới tái bản của Nguyễn Thị Thụy Vũ - Ảnh: L.Điền

Một nhận xét về văn của Thụy Vũ, mà nhưng lật ra một mảng đời sống xã hội của miền Nam lúc bấy giờ, cách của Uyên Thao cũng là một kiểu liên tài đáng kể giữa nhà phê bình đối với một nhà văn.

Trước đó nữa, vào năm 1969, nhà phê bình Nguyễn Đình Tuyến cũng nhìn thấy ở văn chương Nguyễn Thị Thụy Vũ những giá trị có tính thời đại: 

“Truyện của Nguyễn Thị Thụy Vũ thật là táo bạo. Đọc xong truyện, tôi nghĩ đây mới thật là những truyện trình bày những sự kiện sống thực nhất của thời đại chúng ta. Thời đại này rồi sẽ đi qua. Những cái gì của thời này nếu không ghi kịp thì ngày mai sẽ mất”.

Đó cũng là những lý do để Sách Phương Nam chọn mua tác quyền của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Và những bạn đọc hôm nay cũng đang quan tâm đến một mảng văn chương từng nổi đình đám tại miền nam vừa trở lại sau một khoảng lặng dài. 

Cô NCS Hồ Khánh Vân đặt vấn đề về ý thức nữ quyền trong các tác phẩm của cô Thụy Vũ; một bạn đọc tỏ ra theo dõi rất kỹ các tác phẩm của bà, đã dẫn lại ý kiến của thiền sư Thích Nhất Hạnh về cái kết của truyện Lòng trần để hỏi cảm nghĩ của Thụy Vũ...

Sau cuộc giao lưu này, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ lại trở về Lộc Ninh - Bình Phước, nơi bà đã cư ngụ từ những năm 1980 đến giờ. Nói về cuộc sống hiện nay, bà bảo công việc chính hàng ngày là chăm cho đứa con tàn tật và đọc báo Giác Ngộ.

“Vậy mà chính đứa con tàn tạt này lại là đứa nuôi tôi vào lúc tuổi già”, bà nói về sự éo le nghiệt ngã của đời mình cũng nhẹ như không vậy đó.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên