Nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ những suy tư về dân tộc Việt, về người lính Cụ Hồ, về một dân tộc có lẽ duy nhất trên thế giới có đội ngũ nhà văn chiến sĩ; phác họa dáng hình đất nước mình cũng như bày tỏ tin tưởng về một tương lai tươi đẹp xứng đáng cho dân tộc.
Luôn đau đáu với vận mệnh nhân dân, đất nước mình
* Thấy anh là nhà văn thì nhiều người không biết anh đã đi bộ đội trong hoàn cảnh thế nào?
- Tôi nhập ngũ cũng bình thường, tự nhiên như mọi chàng trai khác đến tuổi nghĩa vụ quân sự. Bố tôi là bộ đội thời đánh Pháp, vì thế ông muốn có một người con theo đường binh nghiệp.
Hết thời hạn nghĩa vụ, tôi tiếp tục ở lại trong môi trường quân ngũ, rồi viết văn, đi học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 4, về Tổng cục Chính trị và tiếp tục dấn thân vào con đường văn chương suốt mấy mươi năm qua. Đại khái con đường của tôi không có gì đặc biệt.
* Đời quân nhân, phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ mang đến cho anh và các nhà văn quân đội điều gì trên con đường làm văn chương rất gian nan?
- Thật khó nói cụ thể, rạch ròi những gì mình có được trong môi trường quân đội. Chỉ biết rằng tôi tự nhận thấy dường như mình có khuôn khổ trong cuộc sống, trong sinh hoạt, trong giao tiếp. Còn trong suy nghĩ, nhận thức thì tôi không dám chắc mình có phải là người khuôn khổ hay không.
Với sáng tác văn chương, tôi nghĩ tôi có ý thức trách nhiệm trước những gì mình viết ra, một sự thận trọng trong câu chữ, trong diễn đạt chẳng hạn để tránh những gì tệ hại ngoài ý muốn có thể xồ đến.
Dĩ nhiên có cả ý thức về việc cố gắng một cách cao nhất có thể trong khả năng của mình để vượt qua những hạn chế của hoàn cảnh, môi trường.
Với các nhà văn bộ đội nói chung, trưởng thành trong môi trường lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện tốt của Tổng cục Chính trị, tôi cho rằng hầu hết đều có mấy điểm, thứ nhất là trung thành, thứ hai là tình nghĩa, thứ ba là can trường và thứ tư là lạc quan.
Sự can trường cũng có nghĩa là dám phát triển, dám đột phá trên tinh thần xây dựng là sự thiện tâm.
Làm một nhà văn cần biết bao nhiêu lòng thiện tâm. Phẩm chất người lính cũng cho các nhà văn quân đội thái độ điềm đạm trước mọi sự và biết từ tốn, bình tĩnh trước trang giấy. Cả sự lạc quan trong sâu thẳm những trang viết nữa. Dù đôi khi đó là tinh thần lạc quan, thanh thản đến se lòng.
Một điều này nữa, những người lính viết văn luôn đau đáu với vận mệnh nhân dân mình, đất nước mình.
Mỗi nghệ sĩ trong quân đội, dù ở giai đoạn nào, cấp bậc nào cũng đều chung một tinh thần đem hết tài năng, nhiệt huyết, trách nhiệm của mình để phụng sự, cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân và cho quân đội.
* Anh có nhắc tới tình nghĩa như một phẩm chất, đúng là ở những bộ đội Cụ Hồ người ta luôn nhìn thấy hai chữ tình nghĩa. Anh có bao giờ lý giải về căn nguyên của phẩm chất ấy?
- Tôi nghĩ tình nghĩa là lối sống, lối ứng xử truyền thống của dân tộc ta. Bộ đội là con em nhân dân, từ nhân dân mà ra, kế thừa tinh thần tình làng nghĩa xóm, vào quân ngũ phát triển thành tình quân dân, trên khía cạnh dân vận và kết tạo thành tình đồng đội trên khía cạnh đoàn kết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, một bậc thầy, thậm chí có thể gọi là thiên tài trong việc đại chúng hóa, dễ hiểu hóa những vấn đề cao siêu, khi nói về cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã cho rằng: "Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được".
Ngay từ những ngày đầu, quân đội đã tiếp thu tinh thần có tình có nghĩa của Hồ Chủ tịch một cách khéo léo, linh hoạt để nuôi dưỡng tình quân dân, tình đồng đội.
Chính những cái tình này đã góp phần tạo nên sức mạnh vô song, vô tận cho quân đội ta cả trong thời chiến lẫn thời bình.
Theo tôi nghĩ ở chừng mực nào đó, tình nghĩa - một trong những yếu tố quan trọng của đạo đức ứng xử xã hội - đã chuyển hóa thành phẩm tính của người lính, dù họ đang tại ngũ hay đã xuất ngũ.
Nội hàm của tình nghĩa được làm rõ hơn, được bồi đắp sâu sắc thêm để rồi từ đó lan tỏa ngược trở lại xã hội thông qua tư chất của anh bộ đội Cụ Hồ và của cựu binh, những người đã trải qua sự tôi luyện, trui rèn trong quân ngũ.
Điều ấy cũng đồng nghĩa rằng nét đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ đã góp vào vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung.
Đây là bước phát triển mang tính thời đại và nó đã làm giàu thêm cho triết lý văn hóa sống đầy nhân văn của người Việt mình.
Điều này cũng lý giải vì sao anh bộ đội Cụ Hồ vẫn chiếm được thiện cảm của nhân dân và vẫn là nguồn cảm hứng dồi dào, khoáng đạt của các văn nghệ sĩ.
Chúng ta có lúc như nằm trong bụng con trăn khổng lồ
* Anh mới nhắc chuyện những nhà văn quân đội ai cũng đau đáu với vận mệnh nhân dân, đất nước mình. Riêng anh suy nghĩ gì về dân tộc, về đất nước, đặc biệt trước các sự kiện xã hội và chính trị hiện nay?
- Nếu có thời gian để nhìn lại thật kỹ lịch sử của dân tộc mình từ khởi thủy tới giờ, tôi tin mỗi người sẽ bớt đi một chút suy nghĩ tiêu cực, nản lòng trước một vài hiện tượng tiêu cực cũng như những biến động hiện nay.
Vì sao? Vì lịch sử của dân tộc mình đã từng đi qua những chặng đường chênh vênh đầy chông gai. Chúng ta có lúc chìm trong bóng tối phương Bắc cả mười thế kỷ, như nằm trong bụng con trăn khổng lồ.
Chúng ta cũng đã có lúc chịu sự xâu xé của các cường quốc và đại quốc thuộc diện hùng mạnh và hung tợn số 1 trên hành tinh này.
Ở những tình thế tuyệt lộ như thế, cảm giác tổ tiên mình, cha ông mình chỉ còn cách bất lực, buông xuôi, chịu bị nghiền nát, bị hòa tan và biến mất vô tăm tích trên bản đồ thế giới.
Ấy thế mà bằng ý chí, bằng khát vọng độc lập, bằng lòng quả cảm đến mức không tưởng tượng nổi, và trên hết, bằng tinh thần đại đoàn kết, tổ tiên ta, cha anh ta đã vượt qua được một cách ngoạn mục.
Một dân tộc đã rạch được bụng trăn mà thoát ra thành độc lập, một dân tộc đã vượt qua được những nanh vuốt ghê gớm nhất của lịch sử, thế thì hà cớ gì dân tộc ấy lại không vượt qua được những gập ghềnh tạm thời hiện nay.
* Và người Việt hoàn toàn có thể tự tin, tự tôn vào dân tộc mình?
- Tôi cho rằng muốn người khác tôn trọng mình thì mình phải biết tôn trọng chính mình trước. Chỉ hơn một thế kỷ trước, nước ta còn lạc hậu, còn trong vòng đô hộ của thực dân, người Việt bị áp bức, bị coi thường thế nào.
Xem lại những bức ảnh tư liệu vào đầu thế kỷ 20 thấy ngay tại bờ hồ Hoàn Kiếm thôi, dân mình vẫn còn cởi trần, đóng khố kéo xe tay cho một ông Tây mặc complê, đội mũ phớt, ngậm tẩu đầy khệnh khạng, ngạo mạn.
Thế mà bây giờ nước Việt Nam làm bạn với tất cả, những cường quốc lớn nhất cũng bắt tay hợp tác với chúng ta một cách trọng thị, ngang bằng, người Việt đã bước ra thế giới đầy tự tin.
Dân tộc mình là thế, rất ghê gớm, luôn vươn lên trong gian khó bằng sự dũng cảm vô song, bằng cần cù, bằng khát vọng và tinh thần nhân văn.
Một dân tộc như thế tôi nghĩ phải xứng đáng có tương lai tốt đẹp, xứng đáng có được vị thế, vai trò trên thế giới.
Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương
Nhà văn Nguyễn Bình Phương sinh ở Thái Nguyên, nhập ngũ năm 1985 tại Quân khu I. Sau khi tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 4 năm 1991, anh được điều về công tác ở cơ quan Tổng cục Chính trị.
Nguyễn Bình Phương hiện mang quân hàm đại tá, là phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, phụ trách báo Văn Nghệ.
Được đánh giá là một trong những nhà văn gạo cội hiện nay của quân đội, Nguyễn Bình Phương cũng là người viết tiểu thuyết đương đại xuất sắc, tạo được phong cách riêng với lối kể chuyện mang suy tưởng, bàng bạc liêu trai và một thứ tiếng Việt rất giàu và đẹp của một nhà thơ, để viết những câu chuyện bạo liệt bằng một giọng ngỡ như sắc lạnh.
Anh đã xuất bản nhiều tập tiểu thuyết và thơ như: Lam chướng (thơ, 1993), Những đứa trẻ chết già (tiểu thuyết, 1994), Xa thân (thơ, 1996), Người đi vắng (tiểu thuyết, 1999), Trí nhớ suy tàn (tiểu thuyết, 2000), Từ chết sang trời biếc (thơ, 2001),
Thoạt kỳ thủy (tiểu thuyết, 2004), Ngồi (tiểu thuyết, 2006), Buổi câu hờ hững (thơ, 2011), Xa xăm gõ cửa (thơ, 2014), Mình và họ (tiểu thuyết, 2014), Kể xong rồi đi (tiểu thuyết, 2018), Một ví dụ xoàng (tiểu thuyết, 2022).
Trong đó tiểu thuyết Mình và họ được trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015, Một ví dụ xoàng được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.
Tác phẩm của anh đã được dịch ra một số ngôn ngữ như tiếng Pháp, tiếng Hàn, tiếng Anh…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận