Nhà văn Lê Lựu - Ảnh: Nam Khành
Thông tin được nhà văn Nguyễn Bình Phương - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online. Ông Phương cho biết vừa nhận tin từ con gái nhà văn Lê Lựu cho biết nhà văn đã qua đời chiều nay, 9-11.
Ông Phương đánh giá đây là một mất mát lớn của văn chương Việt Nam. Hơn hai năm sau sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì nay Lê Lựu cũng về với xa vắng. Hai nhà văn trong số vài cái tên hàng đầu của văn chương Việt Nam thế kỷ XX lần lượt qua đời cách nhau không lâu.
Nhà văn gốc nông dân, gốc lính này đã sớm có những tác phẩm được coi là kinh điển của dòng văn học thời kỳ chiến tranh như truyện ngắn Người cầm súng (1970), tiểu thuyết Mở rừng (1976).
Nhưng thật sự khẳng định vị trí vững chắc của Lê Lựu trên văn đàn phải là bộ ba tiểu thuyết Chuyện làng Cuội (1991), Sóng ở đáy sông (1994) và nhất là Thời xa vắng (1986) - "một cuốn phim đời mang dấu ấn đau thương của thời đại", theo cách gọi của nhà văn Phạm Ngọc Tiến.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đánh giá, với Thời xa vắng, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của Thời xa vắng đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954.
Tác phẩm cũng đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên.
Đây là cuốn sách ông "viết từ mình, rút ruột mình ra mà kể chuyện mình, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thế hệ, chuyện của một thời". Nhưng nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho rằng cuộc đời thật của Lê Lựu còn sinh động, còn đau khổ gấp nhiều lần nhân vật Giang Minh Sài của ông.
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì chính Lê Lựu là nhà văn cựu chiến binh Việt Nam đầu tiên đi Mỹ để nói chuyện văn chương cùng những cựu binh Mỹ năm 1988.
Cuối đời, khi đất nước vừa mở cửa, ông cũng là người tiên phong thành lập Trung tâm Văn hóa doanh nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận