Nhà văn Lê Lựu (1942 - 2022) - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Theo ông Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Lê Lựu là một nhà văn đặc biệt của văn học Việt Nam sau 1975. Dù đến cuối đời, Lê Lựu vẫn là một người nông dân, nhưng ông lại có kiến văn rộng, hiểu đời sống sâu sắc.
Lê Lựu không chỉ mang đến sự đột phá cho văn chương Việt Nam sau 1975 với tiểu thuyết Thời xa vắng và một số tác phẩm sau Đổi mới khác, mà còn mang đến sự đột phá cho văn học Việt Nam khi đưa nó ra khỏi biên giới, kêu gọi hòa bình, hàn gắn.
Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh (1988). Ông Thiều nói nếu không phải sự chân thành, nồng nhiệt, sâu sắc trong cách nhìn cuộc đời của Lê Lựu khiến ông - lúc đó đại diện cho văn chương Việt Nam - chiếm được cảm tình của đông đảo giáo sư, sinh viên, cựu binh Mỹ thì sau đó khó mà đạt được mối giao hảo mạnh mẽ giữa người Mỹ và các nhà văn Việt Nam như đã diễn ra. Sau Lê Lựu, rất nhiều nhà văn Việt Nam được mời sang Mỹ.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ chiều 9-11, nhà thơ Trần Đăng Khoa - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho rằng mặc dù rất nổi danh với Thời xa vắng và một số tác phẩm sau này, nhưng trước đó Lê Lựu đã sớm nổi tiếng với những tác phẩm lớn về đề tài chiến tranh như tiểu thuyết Mở rừng (1976), tiểu thuyết Ranh giới (1977).
Với Thời xa vắng, Lê Lựu đã bày đời mình lên trang giấy một cách sâu sắc nhất. Ông đã tạo ra được nhân vật văn học Giang Minh Sài là biểu trưng cho một mẫu người của một thời không được sống là mình mà sống theo người khác, rồi khi được sống là mình thì lại sống bằng cái mình không có.
"Nhà văn phải tạo được nhân vật. Như Vũ Trọng Phụng có Xuân Tóc Đỏ, Nam Cao có Chí Phèo, Lão Hạc, Thị Nở... Lê Lựu thì có Giang Minh Sài trở thành tuýp người của thời xa vắng.
Với nhân vật Giang Minh Sài ấy và những mối quan hệ xung quanh, Lê Lựu đã dựng lên một bảo tàng về đời sống xã hội của một thời chúng ta đã sống - thời xa vắng" - ông Khoa nói.
Ông Trần Đăng Khoa cũng ghi nhận vai trò đặc biệt của Lê Lựu với lựa chọn là một nhà văn của nông dân. Sau Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên thì Lê Lựu là một nhà văn viết về nông dân rất xuất sắc.
Đặc biệt, khác với tất thảy tiền bối viết về nông dân từ cái nhìn của người đứng ngoài quan sát, Lê Lựu viết về nông dân từ cái nhìn của người trong cuộc, ông viết về chính mình, bản thân ông là nông dân. Chính vì vậy mà các nhân vật của ông sâu sắc, máu thịt.
Lê Lựu, cùng với Nguyễn Trọng Oánh (tác giả tiểu thuyết Đất trắng) chính là cánh chim báo bão, báo trước công cuộc đổi mới của văn học Việt Nam, để sau đó Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khắc Trường... xuất hiện.
Nhà văn Lê Lựu, sinh năm 1942, tại Hưng Yên. Tiểu thuyết Thời xa vắng của ông đoạt giải A Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990. Tiểu thuyết này cùng Sóng ở đáy sông của ông đã được chuyển thể thành phim điện ảnh.
Nhà văn Lê Lựu từng đảm nhiệm chức giám đốc của Trung tâm Văn hóa doanh nhân tại Hà Nội. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt 1.
Càng viết, thế sự trong lòng càng vơi bớt
Năm 1987, Lê Lựu cùng một đoàn nhà văn Việt Nam sang giao lưu ở Trường Viết văn Gorky, Matxcơva, Liên Xô.
Ký túc xá của trường đó ở rất xa trung tâm thành phố, khung cảnh khá buồn, nên anh Trần Đăng Khoa hay đưa Lê Lựu sang chơi ở ký túc xá của Viện Hàn lâm, nơi có nhiều người yêu thích tác phẩm của ông, đặc biệt là tiểu thuyết Thời xa vắng (1986) mới xuất bản trong nước mà đã được đưa sang chuyền tay trong giới nghiên cứu sinh.
Không có gì phải dè dặt khi nói rằng Lê Lựu là một trong những nhà tiểu thuyết quan trọng nhất đã chuẩn bị cho tư duy đổi mới trên con đường phát triển của văn học nước ta và khẳng định con đường đó không phải bằng lý thuyết mà bằng những tác phẩm đặc sắc của mình.
Nhà phê bình HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Nhà văn Lê Lựu
Biết Lê Lựu thích ngao du tìm hiểu nước Nga, anh Trần Đăng Suyền và tôi đưa ông đi dạo loanh quanh thành phố. Nhìn ông, tôi thấy rõ tính cách nhà quê nơi một nhà văn chân chất mà hiểu người, hiểu đời một cách nhạy bén.
Đi giữa chỗ đông người, ông có vẻ lúng túng, không tự tin khi giao tiếp, nhưng về nhà thì đưa ra những nhận xét tinh quái. Mỗi lần sắp bước lên thang cuốn của tàu điện ngầm, ông luôn có vẻ sợ hãi, nhưng không cho ai cầm tay, mà nói: "Cứ để tôi tập nhảy qua rãnh nước".
Lên đứng được trên bậc thang rồi, khuôn mặt ông mới hết căng thẳng. Có lẽ nhờ những lần "tập nhảy qua rãnh nước" đó mà sau này, trong chuyến đi Mỹ, ông dạn dĩ hơn chăng.
Hồi đó Lê Lựu bị bệnh đau dạ dày rất nặng. Một hôm nhóm bạn chúng tôi mời ông đến ăn tối, ông uống rượu hơi nhiều, rồi ngủ lại ở phòng tôi. Nửa đêm ông choàng dậy ôm bụng rên la làm tôi hoảng hồn, bật đèn tìm thuốc cho ông.
Từ đó đến sáng ông không chợp mắt phút nào mà vừa trăn qua trở lại, vừa nói đủ thứ chuyện trên đời. Dường như ông càng nói thì càng bớt đau, cũng như ông càng viết thì những nỗi khổ về đời tư và thế sự trong lòng ông càng vơi bớt.
Trong luận án bảo vệ năm 1990, khi so sánh văn học Việt - Nga thời Đổi mới, tôi có viết: "Tiểu thuyết Thời xa vắng là tâm sự của một thế hệ đã đánh mất tuổi thanh xuân và hạnh phúc vì không dám tự khẳng định mình.
Trong văn học Việt Nam đương đại, ý thức cá nhân chưa bao giờ sâu sắc đến thế như trong tác phẩm của Lê Lựu.
Cuốn tiểu thuyết nói với bạn đọc rằng, trong một thời điểm nào đó, con người đã sống không phải cuộc sống của bản thân, mà của một người khác, một người xa lạ với chính mình".
Nhà Việt Nam học N. Nikulin tán thành nhận xét này và đã trích dẫn trong tiểu luận "Vấn đề ý thức lịch sử và cá nhân" (1997) của ông.
Thời xa vắng với những nhân vật và vấn đề gây ám ảnh của nó, lại được dựng thành phim bởi đạo diễn tài năng Hồ Quang Minh, đã tạo ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc và che mờ những đóng góp khác của Lê Lựu: Mở rừng (1976), Ranh giới (1977), Chuyện làng Cuội (1991), Sóng ở đáy sông (1994)...
Riêng tôi, cuốn sách của Lê Lựu khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất là truyện vừa Đại tá không biết đùa (viết năm 1987, xuất bản 1989), trong đó tác giả tái hiện tấn bi kịch gia đình mà lương tâm một viên chỉ huy can trường và nghiêm nghị phải đối mặt trong thời hậu chiến.
Không có gì phải dè dặt khi nói rằng Lê Lựu là một trong những nhà tiểu thuyết quan trọng nhất đã chuẩn bị cho tư duy đổi mới trên con đường phát triển của văn học nước ta và khẳng định con đường đó không phải bằng lý thuyết mà bằng những tác phẩm đặc sắc của mình.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Bi kịch Giang Minh Sài
Nhà văn Lê Lựu mất. Nhưng Giang Minh Sài còn. Vì đó là nhân vật bi kịch đầu tiên của văn học cách mạng nước ta. Cũng là bi kịch của nhà văn hóa thân vào nhân vật. Thời xa vắng không phải là chuyện của một thời đã xa.
Giang Minh Sài mang số phận của nhiều người của một thời chưa xa ấy. Cái thời chạy theo cái không phải của mình ở nửa đời trước và ở nửa đời sau là chạy theo cái mình không có.
Lê Lựu bằng tiểu thuyết Thời xa vắng đã là một cột mốc của văn học Việt Nam hiện đại. Một cột mốc mở đường cho một dòng văn học tự nhận thức lại thực tại, tự viết từ mình.
Cuốn tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu xuất bản năm 1986. Rất sớm, khi Đổi mới vừa mới bắt đầu. Như vậy những điều ông viết trong đó đã được nung nấu từ lâu. Như vậy ông đã vượt thoát mình và vượt thoát văn chương một thời trong đó có mình.
Chỉ vậy thôi Lê Lựu đã là một nhà văn lớn.
PHẠM XUÂN NGUYÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận