03/05/2018 15:00 GMT+7

Nhà văn già và em mọi nhỏ: Cảm hứng hậu chiến và ngã ba lập thân

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Có thể nhận thấy tác giả Nguyễn Thành Nhân đã từ những chìm nổi của chính mình để đặt ra trước bạn đọc hôm nay một vấn đề chung: Mỗi thanh niên trước ngã ba đường tự lập thân.

Nhà văn già và em mọi nhỏ: Cảm hứng hậu chiến và ngã ba lập thân - Ảnh 1.

Tác phẩm gồm 1 truyện dài và 12 truyện ngắn - Ảnh: L.ĐIỀN

Viết ra những điều không có ích cho ai, viết để phục vụ cho một cái gì khác với chính cuộc sống, cuộc sinh tồn đầy dẫy gian truân của những phận người là một sự vong thân...

Trích - Nguyễn Thành Nhân

Tập truyện mới nhất của anh Nhà văn già và em mọi nhỏ đưa bạn đọc đến thế giới của những thanh niên gắn đời mình với đô thị, đang hứng chịu những buồn vui thành bại của đời sống thị dân, mà mỗi ngày qua, có thể chính người trong cuộc cũng quên đi thành phần xuất thân của mình.

Mà thành phần xuất thân của mỗi người thì có gì quan trọng? Cách đặt vấn đề có vẻ vu vơ ấy thật ra lại là một phần trong cảm hứng truyện của nhiều nhà văn.

Với Nguyễn Thành Nhân, bạn đọc sẽ bắt gặp ở đây có trường hợp từ biến động lịch sử của công cuộc thống nhất đất nước đã đẩy một số phận người thành... nhân vật của anh.

Sự biến lịch sử đôi khi cắt đôi những gia đình, phân ranh giữa thành thị và nông thôn, tách lìa các thế hệ trong cùng một gia đình... được nhà văn xâu chuỗi lại, rồi đọc tâm sự của mỗi người ở đằng sau mỗi thái độ sống cho độc giả cùng nghe. Làm được điều đó thật không dễ dàng.

Bằng một cách không ồn ã, Nguyễn Thành Nhân viết về chính những người trẻ quanh anh, cũng là một cách để hiện thực không tách rời trang viết.

Điều đáng quý là văn chương có cách "tải" cuộc sống không như những loại hình truyền thông khác. Người ta sẽ nhận ra cái đau dai dẳng đến không ngờ của câu chuyện vượt biên và mối tình sâu thẳm của đôi lứa trẻ (Một câu chuyện vô lý).

Bạn đọc cũng sẻ chia được một ý niệm rằng nghệ thuật đôi khi trở thành liều cứu rỗi duy nhất cho những mảnh đời bất hạnh không lý giải được (Trên đồi cỏ úa).

Hay có khi chính những điều thiện chừng như nhỏ nhặt tầm thường ngay cạnh ta cũng khiến thay đổi một nếp nghĩ, một quan niệm sống, và làm biến đổi hẳn tâm thế vào đời của một người trẻ (Truyện cổ tích đêm Giáng sinh).

Sau tác phẩm Mùa xa nhà (2004), đến nay hình ảnh người lính hậu chiến vẫn còn lẩn quất trong các trang viết của Nguyễn Thành Nhân. Đó là một thời tuổi trẻ của chính tác giả.

Cái thực trạng "một thời đánh bắc dẹp đông/ chiến tranh kết thúc dở ông dở thằng" (thơ Hoàng Đình Quang) đến nay đã có độ lùi, nhưng những thiết tha về tương lai của tuổi trẻ, những hoài bão dấn bước vào đời, kiến tạo cho mình và cộng đồng những giấc mơ trở thành hiện thực... hẳn không bao giờ lạc hậu.

Xe buýt sách - thư viện mini ở đường sách TP.HCM

TTO - Không gian đọc sách mô phỏng từ chuyến xe buýt số 8 - chuyến xe gắn liền với sinh viên (từ bến xe Q.8 đến làng đại học Thủ Đức) xuất hiện tại đường sách Nguyễn Văn Bình thu hút sự chú ý của bạn trẻ.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên