Dịp này tác giả từng đoạt giải Pulitzer đã dành cho phóng viên Tuổi Trẻ một cuộc phỏng vấn.
Mối lương duyên với Việt Nam
* Ông có dự định gì khi trở lại Việt Nam lần này?
- Đây là lần thứ 5 tôi trở về Việt Nam kể từ sau chiến tranh. Lần này trước hết tôi muốn đưa theo vợ mình - người chưa từng đến Việt Nam. Chúng tôi lên kế hoạch cho chuyến đi này từ lâu. Tôi muốn trở về Việt Nam trước khi 80 tuổi, tháng 1 tới tôi sẽ 80.
Tôi đang viết dở dang một cuốn tiểu thuyết, dự định sẽ hoàn thành cuối năm nay. Trong quyển sách có nhân vật một cựu chiến binh tuổi 80 cùng vợ trở về Việt Nam, để cho vợ hiểu về một đất nước đã định hình nên con người của ông.
Cách đây 50 năm, người đàn ông ấy đã cách cái chết không xa, nhưng rồi đã tìm được chính bản thân mình ở Việt Nam. Giờ thì ông ta quay trở lại xem liệu có còn để quên gì ở đất nước này hay không?
* Vì sao ông muốn trở về Việt Nam mỗi khi chuẩn bị một cột mốc nào đó của mình?
- Việt Nam đã tạo nên sự nghiệp và cuộc đời của tôi. Năm 1969, khi 23 tuổi, đang hoàn thành học kỳ cuối chương trình thạc sĩ viết kịch tại ĐH Iowa, tôi nhận lệnh nhập ngũ và sẽ được đưa đến Việt Nam.
Tôi không muốn giết người nên có hai lựa chọn. Một là tìm cách sang Canada. Hai là phải thể hiện được một khả năng "phi chiến đấu" mà quân đội có thể sử dụng.
Tôi chọn hướng thứ hai và đến Washington D.C học tiếng Việt. Tôi học 7 giờ/ngày, 5 ngày/tuần suốt một năm với cô giáo người Việt.
Chắc bạn cũng biết tiếng Việt rất khó với người phương Tây, nhất là âm điệu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Tôi có chút khiếu âm nhạc nên tôi học âm khá tốt.
* Ông có nhớ đã đặt chân đến Việt Nam như thế nào?
- Bây giờ tôi đã quên gần hết tiếng Việt nhưng hơn 50 năm trước, khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi nói tiếng Việt khá lưu loát. Ngay ngày thứ 2 ở Việt Nam, tôi bắt đầu yêu sâu sắc phong cảnh, văn hóa và con người Việt Nam.
Tôi được đưa đến Biên Hòa và nhờ biết tiếng Việt, tôi có thể tiếp xúc gần gũi với những người dân từ nông dân, ngư dân đến công chức, cảnh sát Việt Nam. Họ chào đón tôi nhiệt thành như bạn bè.
Đến năm 1971, khi một số sư đoàn quân đội Mỹ bắt đầu về nước, tôi xin ở lại thêm bảy tháng, nhận công việc phiên dịch bán thời gian tại Tòa đô chánh Sài Gòn. Tôi sống ở khách sạn Metropole trên đường Trần Hưng Đạo.
Điều tôi thích nhất mà đến nay vẫn thỉnh thoảng mơ thấy là mỗi đêm được lang thang một mình trên những con hẻm ẩm ướt Sài Gòn.
Tôi cúi đầu trước cửa một vài ngôi nhà còn thức, và những người dân nồng hậu và hào phóng nhất đã mời tôi vào nhà, vào văn hóa, vào cuộc sống và thậm chí vào gia đình của họ.
Thời gian tuyệt vời ở Việt Nam đã giúp tôi hiểu về dòng cảm xúc mãnh liệt chứa trong từng khoảnh khắc của sự sống, về những cảm nhận được tạo ra từ mọi giác quan trong cơ thể.
Đó phải là thứ nghệ thuật mà tôi muốn hướng đến. Tôi bắt đầu đi vào sự tìm kiếm và sự phức tạp đáng ngạc nhiên về ý thức bản thân, về bản sắc của mỗi người.
Sau này mối lương duyên với Việt Nam tiếp tục tạo bước ngoặt cho sự nghiệp văn chương của tôi.
Thời điểm chuyển từ tiểu thuyết sang viết truyện ngắn, tôi có dịp đến sống gần hồ Charles, miền nam Louisiana và gặp cộng đồng người Việt. Tôi hòa mình vào cộng đồng và người Việt Nam lại chào đón tôi với vòng tay rộng mở. Tôi như được sống tại Sài Gòn một lần nữa.
Tác phẩm văn học không chỉ để hiểu
* Ở Việt Nam, cách dạy văn phần lớn là giáo viên phân tích một bài văn, bài thơ rồi học sinh thể hiện lại những ý tứ này trong các bài thi cử, kiểm tra. Ông nhận xét thế nào về cách giảng dạy văn như vậy?
- Tôi nghĩ đó không phải chỉ là vấn đề ở Việt Nam, mà ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi thường so sánh chuyện phân tích một tác phẩm văn học như một "nhà điểu học".
Nhìn vào một chú chim, một nhà điểu học sẽ gọi tên các loại xương, tính toán được độ mở cánh bay hay nguyên lý những luồng không khí giúp nâng cơ thể chim lên không trung khi bay.
Chuyện phân tích văn học cũng vậy. Nhưng thực ra để hiểu văn học, đơn giản là chỉ cần trèo lên lưng chim và để chim bay đi.
Tôi nghĩ dạy văn là dạy cách bay với chim chứ không phải cách gọi tên từng chiếc xương trong cơ thể chim một cách đầy khoa học và khô khan. Trong văn học luôn có sự tự do về ý tưởng, không chỉ của người viết mà còn của người đọc.
* Vậy theo ông, giáo viên nên tiếp cận việc giảng dạy văn học ra sao?
- Tôi cho rằng nên chú trọng vào trải nghiệm nghệ thuật. Học một tác phẩm văn học không chỉ là để hiểu, mà là biết cách cảm nhận, cảm thụ những cái hay trong tác phẩm.
Như một họa sĩ khi đã biết về các nguyên tắc ánh sáng, màu sắc không phải để nhận xét một bức tranh, mà là biết cảm khi nhìn một cảnh sắc. Một người vũ nhảy đẹp cũng sẽ hiểu về cơ thể, trái tim và từng chuyển động trong cuộc sống.
Với công việc của giáo viên, tôi nghĩ nên tâm niệm rằng họ sẽ không giải thích được ý nghĩa thực sự của người nghệ sĩ trong một tác phẩm.
Vì vậy, thay vì cố để người học hiểu một tác phẩm, hãy giúp họ biết cách để tự cảm nhận một tác phẩm. Từ đó, học sinh có thể tự đọc và nhìn ra được vẻ đẹp của các tác phẩm văn học sau này. Học sinh cũng học được cách quan sát và nhìn về thế giới xung quanh với các góc nhìn đa chiều hơn.
* Ông nghĩ gì khi thói quen đọc sách đang dần bị mai một trước sự lên ngôi của công nghệ?
- Tôi nghĩ các thiết bị điện tử là trở ngại nhất cho thói quen đọc sách. Càng tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử, trẻ con sẽ càng dễ mất đi hứng thú đọc sách.
Nhưng cần biết rằng đọc là loại hình nghệ thuật duy nhất cho phép chúng ta thực sự bước vào và cư trú, đi vào bên trong một con người.
Nếu bạn xem các video trên YouTube, bạn chỉ có những cảm xúc bên ngoài, không thể đi vào bên trong một con người. Một quyển sách sẽ cho bạn cảm giác mình đang nhập tâm vào từng con chữ.
Với một quyển sách, bạn có thể nhập vai và sống một cuộc sống bên trong từng nhân vật. Văn học cho phép bạn đi vào bên trong và ở bên trong một người khác.
Nhờ đó, bạn sẽ trả lời được những câu hỏi quan trọng cho chính bản thân: bạn là ai, mục đích sống của bạn là gì? Những video trên điện thoại, ngay cả phim ảnh cũng không thể làm được điều này.
Vì vậy tôi nghĩ cha mẹ hãy cho con tiếp cận với sách từ sớm, ít nhất là trước khi con tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Không thể hoàn toàn cấm con dùng thiết bị điện tử bởi đây là thời đại công nghệ, nhưng hãy có một giới hạn, và đặt giới hạn sử dụng. Khi con còn nhỏ, thời gian được cha mẹ thiết kế cho đọc sách nên nhiều hơn cho dùng thiết bị điện tử.
Giải Pulitzer và bài học về sự tận tâm
Robert Olen Butler sinh năm 1945, là một nhà văn tiểu thuyết người Mỹ. Ông là tác giả của 12 cuốn tiểu thuyết và 6 tuyển tập truyện ngắn.
Tập truyện ngắn A Good Scent from a Strange Mountain (Hương thơm từ núi lạ) của ông đã được trao giải Pulitzer về tiểu thuyết năm 1993.
Trong buổi nói chuyện với sinh viên Việt Nam tại Trường ĐH Hoa Sen vào ngày 2-5, ông đã gửi đến các bạn trẻ một bài học ý nghĩa thông qua câu chuyện đoạt giải Pulitzer của mình.
Khi đó Ủy ban xét giải thưởng Pulitzer chọn ra 3 giám khảo chấm vòng loại, gồm những nhà phê bình, học giả hoặc nhà văn nổi tiếng, để xem khoảng 5.000 cuốn sách được đề cử và mỗi người chọn ra một cuốn để vào vòng chung kết.
Năm 1992, Robert Olen Butler tham gia những buổi giao lưu ở các hiệu sách để giới thiệu quyển sách đầu tay Hương thơm từ núi lạ.
Chỉ có 6 người đứng nghe Robert Olen Butler đọc và giới thiệu về quyển sách mới. "Tôi đã nghĩ rằng nếu họ ở đây để nghe tôi nói, tôi sẽ đọc trái tim mình cho họ nghe", ông nhớ lại.
Điều bất ngờ là trong 6 người đó có tiểu thuyết gia người Mỹ Charles Johnson - ông là một trong ba giám khảo lựa chọn sách sơ loại cho giải Pulitzer và đã chọn quyển Hương thơm từ núi lạ.
"Đó là một trong những bài học của tôi. Hãy làm những gì tốt nhất có thể, một cách chân thành và tận tâm nhất có thể", Robert Olen Butler nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận