Nhà văn Chinh Ba (trái) và nhà thơ Chinh Văn - Ảnh: H.N.P.
Nhà văn tên thật là Phan Tân Nhựt, sinh ngày 10-12-1934, quê ở làng Bảo An, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.
Ông là anh ruột của nhà thơ Chinh Văn - Phan Tân Minh. Vào Sài Gòn cuối những năm 1950, ông viết văn, làm báo dưới nhiều bút danh. Bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam ba năm vì hoạt động báo chí khuynh tả, ông trốn sang Campuchia rồi qua Pháp năm 1967, định cư ở Montpellier.
Trọn đời văn, Chinh Ba chỉ viết khoảng 50 truyện ngắn, qua bút pháp cô đọng mà đa nghĩa, khiến cho thông điệp của tác phẩm có sức vang vọng và lan tỏa.
Nổi tiếng nhất là truyện Bài thơ trên xương cụt viết trong nhà lao Chí Hòa rồi bí mật chuyển ra ngoài và được nhà thơ Hoài Khanh chọn đăng trên tập san Giữ Thơm Quê Mẹ tháng 10-1965. Sau đó Nhà xuất bản Lá Bối in lại trong tập truyện Ảo tượng (in lần đầu 1966, tái bản 1971) cùng với tác phẩm của Sơn Nam, Hồ Hữu Tường, Thiều Chi, Nhất Hạnh, Võ Phiến, Tuệ Uyển.
Ngoài ra, Chinh Ba còn có một số tản văn và kịch bản ngắn in trên các báo thời kỳ đó.
Tập truyện Bài thơ trên xương cụt của nhà văn Chinh Ba - Ảnh: V.QUÊ
Sau hơn một phần ba thế kỷ sống trên xứ người, Chinh Ba trở về quê hương để tìm lại những dấu tích của quá khứ, mồ mả tổ tiên, khu vườn tuổi nhỏ.
Được người em là nhà thơ Chinh Văn và các văn hữu động viên, Chinh Ba đã sưu tầm những tác phẩm nằm rải rác trong sách báo cũ để Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tập truyện Bài thơ trên xương cụt vào năm 2011, với lời tựa của Bùi Văn Nam Sơn và được tái bản ngay sau đó.
Có thể nói đây là những "đóa sen vàng" (tên một truyện ngắn trong tập sách) bé nhỏ của văn học miền Nam mọc lên giữa phong ba bão táp của thời cuộc, thiếu chút nữa thì bị bỏ quên bên dòng trôi đi vô tình của lịch sử.
Linh cữu của nhà văn Chinh Ba quàn tại nhà ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM, hỏa táng tại nghĩa trang Đa Phước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận