Nhờ Internet, các tác giả có thêm một kênh bán sách hiệu quả - Ảnh chụp lại trang Inrasara.com |
In sách không khó, nhất là với tác giả đã nổi tiếng. Tác phẩm luôn được công ty sách chờ đợi với khoản nhuận bút hậu hĩ: 10-12% giá bìa ở lần in đầu tiên. Sách bán hết, hai bên thương thảo về số lượng in cùng nhuận bút kỳ tới. Cứ thế...
Còn tác giả không hay chưa nổi tiếng, có thể tự bỏ tiền ra in. “Ðứa con tinh thần” vẫn có mặt trên trần đời. Sống khỏe hay chết yểu tùy thuộc vào sức khỏe của nó. 1.000 bản, 500 hay thậm chí chỉ cần 200 bản tặng bạn bè. Không vấn đề gì cả. Câu chuyện ở đây là làm sao có thể thu hồi vốn, nếu tác giả tự bỏ tiền ra in sách mình? Chuyện nhà văn đi bán sách thì thiên hình vạn trạng.
Các nhà văn có tiếng với quan hệ rộng, chỉ cần vận dụng sự quen biết là sách dễ dàng đến tay bạn đọc. Nhà văn chưa tên tuổi chịu khó gõ cửa các nhà sách, thậm chí các đại lý sách báo vỉa hè để ký gửi tác phẩm với giá chiết khấu trên trời: 40-50% giá bìa, có đau tới đâu cũng chịu, bán được hay chăng phó mặc cho duyên phần.
In tập thơ Hành hương em (1999), tôi đã từng làm như vậy. Nhờ bạn văn mang 50 bản ký gửi ở nhà sách thành phố nọ, ba năm sau tôi ghé hiệu sách quyết toán. Cô nàng phụ trách nhoẻn miệng cười thật tươi: “Sách anh bán được lắm”. Tôi cũng nhe răng cười đáp lại: “Hay quá!”. Ðến mục quyết toán, cô nàng tính: “50 cuốn, bán được 34, còn 16 anh ký gửi tiếp hay lấy về?”. “Bấy nhiêu thôi à?” - tôi hỏi. Có lẽ giọng tôi khá lạ, nên cô nàng mới ngớ người ra: “Ôi ông anh ơi, có nhà thơ ký gửi 30 cuốn, cả năm vẫn nằm nguyên cục. Ông anh được như thế là nhất rồi đó”.
Hoàn cảnh là thế, cho nên có bộ phận nhà văn thông qua kênh bạn văn để lưu hành sách. Rất tiện: sách đến đúng địa chỉ cần đến, lợi mọi bề. Nhưng lối làm này cũng đã xảy ra nhiều sự cố tréo ngoe: đại đa số bạn văn tâm lý thích được tặng hơn bỏ tiền ra mua sách.
Ðó là mấy cách làm cổ điển. Thời đại văn hóa Internet có khác. Không riêng gì người làm kinh tế, mà cả kẻ mang danh sáng tạo văn chương cũng biết vận dụng triệt để phương tiện này để bán hàng. Nhà thơ mới trình làng Nguyễn Phong Việt nhờ tiếp cận trước đó với độc giả trên Facebook mà thi phẩm đầu tay Ði qua thương nhớ (Phương Nam và Nhà xuất bản Văn Học, 2013) 10.000 bản đã bán hết veo chỉ trong 50 ngày phát hành, là sự kiện gây “chấn động” dư luận văn giới. Chưa đề cập đến chất lượng, mà chỉ nhấn vào “nhà văn bán sách” thì ta thấy đó là cách làm kinh tế rất đáng nể của nhà văn hôm nay.
Thơ mà đạt đến con số đó, phải công nhận là... kỷ lục!
Vừa qua, tôi cũng đã thử học đòi cách làm này của thế hệ @. Không phải với thơ mà là tác phẩm nghiên cứu - phê bình, là thể loại cứng đầu mươi lần hơn. Lạ, kết quả rất khả quan!
Bỏ tiền ra in hai cuốn Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say (NXB Thanh Niên, 2014) và Nhập cuộc về hướng mở (NXB Văn Học, 2014) với 600 trang in, tôi bố cáo trên Facebook rằng: Ðộc giả nào có nhu cầu, xin chuyển tiền vào tài khoản..., sách sẽ được gửi đến tận địa chỉ... Và chỉ trong 15 ngày, hơn 300 bộ sách đã được phát hành qua bưu điện. Không tiện sao? Số sách còn lại, với độc giả không sử dụng Internet, chúng được ký gửi ở nhà sách, theo cách thức cổ điển. Tân cổ giao duyên như vậy, là một kinh nghiệm không phải không đáng truyền đạt.
Ngày mai, người viết văn, làm thơ sẽ còn nghĩ ra nhiều cách làm khác nữa, chắc chắn thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận