30/11/2024 15:01 GMT+7

Nhà tuyển dụng hỏi ‘sốc’ có phải để hạ thấp người ứng tuyển?

Chuyên gia nhân sự nhấn mạnh hỏi 'sốc' không nhằm mục đích hạ thấp người ứng tuyển, mà để nhà tuyển dụng xem cách các ứng viên phản ứng như thế nào.

Chi sẻ điểm yếu với nhà tuyển dụng thế nào để không hạ thấp bản thân? - Ảnh 1.

Sinh viên tham dự Ngày hội hành trình nghề nghiệp và kết nối việc làm năm 2024, diễn ra sáng 30-11 - Ảnh: VNU

Sáng 30-11, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Ngày hội hành trình nghề nghiệp và kết nối việc làm năm 2024, thu hút gần 8.000 sinh viên và khoảng 60 gian tư vấn, tuyển dụng từ 44 tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ chương trình, sinh viên được tham dự các buổi tọa đàm để có thể định vị bản thân và chinh phục các nhà tuyển dụng trong tương lai gần.

Ứng viên phải trả lời chân thực

Tại buổi tọa đàm “Định vị bản thân và chinh phục nhà tuyển dụng", một nữ sinh Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đặt câu hỏi: Khi các nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi liên quan đến điểm yếu của bản thân thì ứng viên có thể trả lời sao cho phù hợp mà không hạ thấp giá trị bản thân?

Ông Nguyễn Tiến Thành - giám đốc tuyển dụng Tập đoàn Sun Group - cho biết biết lý do nhà tuyển dụng hỏi điểm yếu của ứng viên không vì mục đích hạ thấp người ứng tuyển, bởi bất cứ ai cũng có điểm yếu. Theo ông Thành, mục đích của câu hỏi là để nhà tuyển dụng xem cách các ứng viên phản ứng với những điều đang khiến bản thân khó chịu.

"Ứng viên khi trả lời có thể chia sẻ điểm yếu của bản thân gắn với những câu chuyện khắc phục điểm yếu. Ví dụ tôi có điểm yếu là tiếng Anh, thế nhưng tôi đang có kế hoạch học tập, cải thiện nghiêm túc trong thời gian từ 3 - 5 tháng như thế nào. Từ đó có thể gây ấn tượng tốt với các nhà tuyển dụng", ông Thành nói.

Ông Thành cũng lưu ý khi trả lời phỏng vấn, các ứng viên phải chia sẻ thông tin trung thực, bởi khi ứng viên chia sẻ thông tin không trung thực về bản thân thì công ty hoàn toàn có thể kiểm chứng được trước hoặc sau buổi phỏng vấn.

Đồng thời, ông Thành nêu có một thực tế khi phỏng vấn các ứng viên trẻ tuổi mới ra trường, điểm yếu chung là nhiều bạn chưa biết bản thân muốn làm gì, chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng để vạch ra hướng phát triển, bổ sung các kỹ năng. Bên cạnh đó, có ứng viên lại tự tin thái quá so với năng lực thực tế.

"Điểm chung của gen Z gần đây hơi bốc đồng, bất cần, không chịu được áp lực, khi khó khăn nhanh chóng bỏ cuộc", ông Thành nhận định.

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Phạm Thị Thu Hiền - giám đốc Trung tâm tuyển dụng và thu hút nhân tài, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội - cho rằng để định vị thương hiệu cá nhân, các ứng viên phải xác định bản chất cốt lõi, xác định được giá trị, đam mê, kỹ năng và tính cách độc đáo của bản thân. Theo bà Hiền, đây sẽ là nền tảng giúp các ứng viên hiểu rõ "bạn là ai?" và "bạn đang mang lại giá trị gì?".

Nhà tuyển dụng hỏi ‘sốc’ có phải để hạ thấp người ứng tuyển? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tiến Thành - giám đốc tuyển dụng, Tập đoàn Sun Group - chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Làm sao chinh phục nhà tuyển dụng trong vòng phỏng vấn?

Chia sẻ với sinh viên bí kíp chinh phục nhà tuyển dụng trong vòng phỏng vấn, ông Thành cho rằng để có một buổi phỏng vấn thành công, các ứng viên cần phải có sự chuẩn bị, tìm hiểu về công ty, người phỏng vấn, thông tin mô tả công việc. Đặc biệt phải chuẩn bị thông tin của bản thân rõ ràng, chính xác, trung thực để chia sẻ với nhà tuyển dụng.

Trong ngày phỏng vấn, ứng viên cần mặc trang phục lịch sự, tinh thần thoải mái và tự tin, giữ được nụ cười thân thiện. Phải đúng giờ, đến buổi phỏng vấn trước 10-15 phút để sửa sang lại hình ảnh của bản thân trước khi vào phỏng vấn.

"Trong ngành tuyển dụng, chúng tôi luôn quan tâm đến hình ảnh của các ứng viên. Hôm vừa rồi tôi có phỏng vấn một bạn trẻ là sinh viên mới tốt nghiệp ở nước ngoài trở về. Tuy nhiên bạn đi phỏng vấn lại ăn mặc không được chuyên nghiệp, đầu tóc không gọn gàng, quần áo xộc xệch. Trong khi tôi nghĩ bạn đó phải là người chỉn chu, gọn gàng", ông Thành nói.

Trong nhiều tiêu chí đánh giá ứng viên, ông Thành cho rằng việc ứng viên thể hiện động lực, đam mê với vị trí ứng tuyển rất quan trọng và được đánh giá cao.

"Khi tuyển dụng, chưa chắc chúng tôi đã tuyển người đạt 10 điểm, mà lại tuyển 7-8 điểm vì nhìn tiềm năng của ứng viên, người phù hợp về văn hóa, con người", ông Thành chia sẻ.

Những lưu ý khi tham gia phỏng vấn trực tuyến

Ông Thành lưu ý khi phỏng vấn thông qua hình thức trực tuyến, ứng viên nên kiểm tra link phỏng vấn bằng máy tính, không kiểm tra bằng điện thoại. Đồng thời, chọn địa điểm phỏng vấn phù hợp, tránh bị xao nhãng.

Trong quá trình phỏng vấn trực tuyến, nhiều ứng viên đang trả lời thì có người nhà đi phía sau mặc áo may ô… dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp. Để cải thiện điều này, ứng viên nên chọn hình nền trước khi vào cuộc phỏng vấn.

Ông cũng lưu ý trong quá trình phỏng vấn, ứng viên cần ngồi ngay ngắn, ăn mặc chỉnh tề. Bình tĩnh và luôn nhìn vào camera trong suốt quá trình phỏng vấn để tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng.

Chi sẻ điểm yếu với nhà tuyển dụng thế nào để không hạ thấp bản thân? - Ảnh 3.Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác đào tạo bác sĩ cho lực lượng công an

Đây là nội dung vừa được thống nhất trong buổi làm việc giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Bộ Công an về việc hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế cho lực lượng Công an nhân dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên