30/12/2019 16:25 GMT+7

Nhà trường, giảng viên, sinh viên đều phải thay đổi để tồn tại

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Để thích ứng với yêu cầu về nguồn nhân lực trong thời kỳ mới cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nhà trường, bản thân mỗi giảng viên và sinh viên phải vận động, chuyển đổi mạnh mẽ nếu không muốn bị đào thải.

Nhà trường, giảng viên, sinh viên đều phải thay đổi để tồn tại - Ảnh 1.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Dương Thị Hồng Hiếu - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho biết tới đây nhà trường sẽ đẩy mạnh đào tạo trực tuyến - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Đó là ý kiến chia sẻ tại hội thảo khoa học "Đổi mới phương pháp dạy và học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức chiều nay 30-12.

Phải đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy

Ông Nguyễn Thanh Đạt - giảng viên khoa kiến thức cơ bản Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, cho rằng trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi chương trình giảng dạy đại học không chỉ mang lý luận hàn lâm, mà còn phải cập nhật nhanh chóng thông tin, kỹ năng để đảm bảo vai trò xã hội.

Đồng thời đòi hỏi nội dung và phương pháp giảng dạy mới dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 bắt buộc người học phải thay đổi tư duy và tìm tòi phương pháp tương tác với tri thức bằng nhiều hình thức khác nhau.

Chính môi trường năng động, tính đào thải khốc liệt đang đặt ra yêu cầu thích ứng và phát triển khả năng của người học ngay trên ghế giảng đường. 

"Thách thức lớn nhất hiện nay là lí luận cũ nhanh chóng bị vượt qua bởi những phát minh và phát kiến cũng như các yêu cầu thực tế. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của các trường là thiết kế nội dung chương trình phù hợp", ông Đạt nhấn mạnh.

Để đáp ứng thực tế này, ông Đạt cho rằng việc liên tục gia tăng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên theo hướng tương tác và hỗ trợ người học một cách tốt nhất thông qua công nghệ là điều cấp bách. Người quản lý giáo dục cần gia tăng liên tục tính liên kết với nhu cầu xã hội để tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên cọ sát môi trường thực tế.

"Cần gắn kết hoạt động dạy học với doanh nghiệp, thị trường lao động trong hoạch định chiến lược phát triển đào tạo. Song song đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên có thể được thực hiện bởi đơn đặt hàng của xã hội", ông Đạt kiến nghị.

Giáo dục 4.0 gắn với giáo dục trực tuyến

Theo ông Nguyễn Văn Trung - giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cách mạng công nghiệp 4.0 trong giáo dục tạo nên các mô hình giáo dục 4.0: liên kết chủ yếu giữa nhà trường - nhà quản lý - doanh nghiệp - người học, tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo trong việc dạy và học.

Giáo dục 4.0 gắn với giáo dục trực tuyến (e-Learning) để tạo ra sự tương tác giữa người dạy và người học trực tuyến. "Giáo dục trực tuyến sẽ giúp việc dạy và học thay đổi, thuận lợi hơn, giúp người học có thể tiết kiệm hơn, cá nhân hóa, hoàn toàn quyết định việc học theo nhu cầu bản thân", ông Trung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trung, việc thích nghi với những biến đổi về công nghệ, thích ứng với yêu cầu về nguồn nhân lực trong thời kỳ mới đòi hỏi nhà trường và bản thân giảng viên phải vận động, chuyển đổi để đáp ứng các đòi hỏi mới.

Người học ngoài việc phải thật chủ động, kỷ luật trong việc học, cần được trang bị kiến thức số, kỹ năng có liên quan, cũng như năng lực ngoại ngữ để để đáp ứng việc học online. Về phía nhà trường phải thay đổi mạnh mẽ phương thức và phương pháp đào tạo theo hướng online, đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng…

"Điều này đòi hỏi các trường, bên cạnh việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, phần mềm thích ứng cho việc dạy và học, thì việc cập nhật chương trình, phương pháp giảng dạy và đặc biệt việc đào tạo kỹ năng cho người dạy lẫn người học nhằm đáp ứng yêu cầu là vô cùng quan trọng", ông Trung nói.

Quy trình thiết kế một khóa học e-Learning

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng vấn đề trọng yếu quyết định chất lượng của một khóa học trực tuyến đó chính là mô hình - quy trình thiết kế một khóa học e-Learning.

Tại đây, GS Sơn đã giới thiệu quy trình thiết kế khóa học e-Learning với 8 bước do ông và TS Lê Đức Long - chuyên gia về giáo dục tin học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - thực hiện áp dụng thử nghiệm thành công.

Ông Long cho hay: "Mô mình các bước trên bước đầu thu được những kết quả thú vị và việc định hướng áp dụng quy trình này sẽ được tiếp tục để đảm bảo tính quy chuẩn và tính hiệu quả của các khóa học e-Learning hiện đại đúng nghĩa".

Ra mắt hệ thống đào tạo trực tuyến công lập đầu tiên Ra mắt hệ thống đào tạo trực tuyến công lập đầu tiên

TTO - Hệ thống đào tạo trực tuyến UTEx trực thuộc Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa chính thức khai trương trưa nay 22-4.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên