Nhà trọ cho người lao động: thế lưỡng nan của ở và quản

KHÁNH YÊN 15/08/2024 05:42 GMT+7

TTCT - Quy chuẩn cho nhà trọ là để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người lao động nhưng phải sát thực tế để cả chủ nhà và người thuê đều "ở" được.

Nhà trọ cho người lao động: thế lưỡng nan của ở và quản- Ảnh 1.

Một khu nhà trọ ở quận 7 (TP.HCM). Ảnh: TỰ TRUNG

Nỗi lòng của chủ trọ và người thuê

Bà Trần Thị Đặng có 6 phòng trọ trong một hẻm đường Lê Thị Hoa, phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức). Bà Đặng xin xây nhà ở rồi ngăn thành 6 phòng trọ cho thuê, mỗi phòng hơn 10m2, lối đi duy nhất ra cổng rộng hơn 1m. Lúc đang xây, bà Đặng đã bị cơ quan chức năng lập biên bản vì thay đổi kết cấu nhà, làm tăng diện tích sàn xây dựng do xây thêm gác để tăng diện tích sử dụng cho mỗi phòng.

Nhưng đã 10 năm qua, dãy trọ của bà Đặng không lúc nào trống, người thuê chủ yếu là công nhân, lao động tự do. Với giá thuê 1,5 triệu đồng/tháng, có phòng gia đình 4 người ở, có phòng chỉ có một người, hoặc hai người là bạn bè cùng làm chung. Con hẻm dẫn vô khu trọ của bà Đặng dài hơn 100m và rộng hơn 2m, lộ giới hẻm 3m. "Nếu quy chuẩn 5m2 mỗi người thì tôi có thể giới hạn người ở trong mỗi phòng cho đạt, nhưng đòi giáp đường rộng trên 3m thì lấy đâu ra?" - bà Đặng nói.

Cùng hẻm của bà Đặng có thêm 3 chủ có nhà trọ với hơn 10 phòng trọ cho thuê. Họ chia sẻ mối lo tương tự. Họ xây nhà trệt rồi ngăn thành phòng. Có chỗ chủ nhà ở trước, phòng thuê phía sau, có nơi chủ nhà ở gần đó, dãy trọ chỉ có nhà cho thuê. "Đất trong hẻm nhỏ, tôi xây nhà trọ cho thuê, gia đình có thêm thu nhập, người lao động ở quê ra có chỗ ở giá rẻ", bà Minh, chủ 8 phòng trọ cùng hẻm, nói.

Thanh Loan, người đang làm cho một công ty ở Khu chế xuất Linh Trung 1, thuê một phòng trọ ở riêng tại một hẻm sâu ở phường Linh Xuân với giá 1,7 triệu đồng/tháng. Phòng rộng 10m2 và gác 5m2. Hẻm vô nhà trọ chỉ rộng khoảng 2m, cô phải gửi xe máy nơi khác. Cả khu nhà trọ chỉ có đường vào duy nhất rộng khoảng 2m, phía dưới là đường đi, phía trên phơi áo quần. Tổng chi tiêu cho chỗ ở, điện, nước, gửi xe hằng tháng hơn 2 triệu đồng, chiếm 1/6 tổng thu nhập của cô. "Tôi cũng muốn ở chỗ thoáng hơn, ban ngày không phải mở đèn, có nắng, có chỗ phơi áo quần, xe chạy tới nơi. Nhưng muốn đầy đủ vậy phải tốn tiền gấp đôi, tôi không kham nổi", Loan nói.

CÁI LÝ CỦA SỞ

Ở góc độ quản lý, Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá toàn TP có khoảng 60.500 nhà trọ tư nhân (nhà riêng lẻ ngăn phòng cho thuê) thì có 21% (khoảng 12.800 nhà trọ) không đủ điều kiện an toàn. Trong đó, khoảng 4.600 khu nhà trọ chưa đáp ứng các tiêu chí về diện tích sàn bình quân tổi thiểu và 8.200 khu nhà trọ chưa đáp ứng tiêu chí về phòng cháy chữa cháy. Những địa chỉ không đạt chuẩn này sẽ phải cải tạo lại cho đạt hoặc phải đổi ngành kinh doanh.

Nhưng Sở Xây dựng TP.HCM cũng nhìn nhận nhà ở riêng lẻ của tư nhân đang là nguồn cung chủ yếu đáp ứng chỗ ở cho người lao động có thu nhập thấp tại TP.HCM. Loại hình này giải quyết một lượng lớn nhu cầu ở của người dân một cách chính đáng trong khi nguồn nhà cho thuê, nhà ở xã hội từ các dự án của Nhà nước rất hạn chế, các dự án nhà cho thuê của tư nhân không nhiều do chính sách chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.

Vấn đề là đa số nhà trọ đều do các chủ nhà tự ý ngăn chia từ nhà ở riêng lẻ ban đầu, làm tăng số lượng người lưu trú lên gấp nhiều lần nhưng không được thẩm duyệt các phương án phòng cháy chữa cháy…

Trên thực tế, các quy định của pháp luật cũng chưa điều chỉnh loại hình này. Theo quy định, người dân cải tạo, sửa chữa nhà không nâng tầng, không làm thay đổi diện tích sàn sử dụng, không thay đổi kết cấu công trình thì chỉ xin phép UBND phường, xã. Pháp luật hiện nay không có chế tài đối với hành vi làm thay đổi nội thất bên trong như cải tạo nhà ở riêng lẻ thành nhiều phòng.

Còn tiêu chuẩn xây dựng về phòng cháy chữa cháy chỉ áp dụng cho nhà từ 7 tầng cao và hai tầng hầm trở lên. Việc chuyển nhà ở thành nhà cho thuê hiện nay cũng chưa được xem là thay đổi công năng nên các cơ quan chức năng không có cơ sở để cấm hay xử lý chủ nhà. Vì vậy, theo Sở Xây dựng, cần một quy chuẩn chung để quản lý loại hình nhà trọ này.

Lịch sử một chính sách

Đây không phải lần đầu các cơ quan quản lý ở TP.HCM xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về nhà trọ cho thuê.

Năm 2006, UBND TP đã ban hành quyết định số 75 về quy chế quản lý nhà cho công nhân, người lao động thuê để ở. Theo quyết định này, diện tích phòng trọ tối thiểu là 9m2 (nếu không có nhà vệ sinh trong phòng) và 12m2 (nếu có nhà vệ sinh), diện tích bình quân đầu người là 3m2/người, khu nhà chỉ xây dựng mật độ tối đa 70%... với hàng loạt quy chuẩn khác.

Sau nhiều năm quyết định trên có hiệu lực, số nhà trọ tại TP.HCM vẫn tăng mạnh nhưng số công trình xin phép xây dựng theo quyết định trên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các chủ nhà trọ cho biết tiêu chuẩn theo quy định của UBND TP quá cao, họ không đủ khả năng thực hiện. Nếu thực hiện đúng quy định, giá mỗi phòng trọ sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba, phần lớn công nhân và người lao động sẽ không đủ khả năng thuê.

Các chủ nhà "lách" bằng cách xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ rồi tự ngăn chia thành phòng trọ cho thuê. Phần lớn những công trình này đều bị cơ quan chức năng phát hiện nhưng vẫn được tồn tại. Một lãnh đạo phường cho biết không thể cưỡng chế tháo dỡ hết những nhà riêng lẻ ngăn thành phòng trọ cho thuê. Hơn nữa, người dân ngăn phòng trọ không làm thay đổi kết cấu, không tăng thêm diện tích nên không có cơ sở để xử lý.

Quyết định 75 trên hết hiệu lực tháng 11-2018. Và năm 2024, theo đề án mà Sở Xây dựng TP.HCM vừa trình UBND TP về quản lý và hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ, sở lại đề xuất chuẩn hóa những khu nhà trọ rất tỉ mỉ: đường rộng từ 3 - 4m, cách đường lớn không quá 100m, diện tích ở tối thiểu 5m2/người, tất cả các phòng đều có hành lang dẫn ra lối thoát nạn...

Quy định phải sát thực tế

Ông Nguyễn Minh Quân, chủ một nhà trọ ở đường số 5, phường Linh Xuân, nhìn nhận sự hợp lý của chính sách mới, cho rằng cần có tiêu chuẩn để tránh những nhà trọ có không gian quá chật hẹp tù túng, thiếu ánh sáng. Tuy nhiên, ông cho rằng những tiêu chuẩn trong nhà trọ thì chủ nhà còn tính được, chứ yêu cầu hẻm phải rộng hơn 3m mới cho làm nhà trọ thì chủ nhà "chịu chết" vì hẻm rộng hay hẹp là đường của Nhà nước, không thể để người dân vì ở trong đường hẹp mà quyền lợi kinh doanh bị hạn chế.

Với những chủ trọ khác như bà Trần Thị Đặng ở phường Bình Chiểu, bài toán hiệu quả sẽ đặt ra cả với chủ và khách trọ. Chủ nhà trọ có thể xây phòng đẹp hơn, to hơn nhưng người thuê sẽ không đủ tiền chi trả. Nếu xây nhà đẹp mà giá cho thuê rẻ thì chủ nhà kinh doanh cái khác lợi hơn, người lao động thiếu nhà ở. Tiêu chuẩn gì cũng nên "liệu cơm gắp mắm" với thực tế kinh tế - xã hội hiện tại, để chủ nhà và người thuê trọ cùng "ở" được.

Tất nhiên, ở góc độ quản lý, "chuẩn" là không thể thiếu. Lãnh đạo một phường ở TP Thủ Đức nói rằng cần có quy chuẩn cụ thể cho nhà trọ, và các tiêu chuẩn này cần sát thực tế, phù hợp điều kiện của người ở trọ thu nhập thấp - chiếm đa số người thuê trọ hiện nay. Vị này khẳng định hơn 90% nhà trọ ở phường mình đủ chuẩn cơ bản theo đề xuất của Sở Xây dựng. Nhưng khi biết một số nhà trọ quá xuống cấp, muốn nhắc nhở, khuyến cáo chủ nhà và người thuê trọ, UBND phường lại "không có cơ sở" nào. Họ cũng cam kết sẽ xây dựng phương án mở rộng các hẻm nhỏ hơn 3m để chỉnh trang đô thị và tạo điều kiện cho người dân kinh doanh phòng trọ.

Ít nhất thì đây cũng là điểm mà hai phía có thể "gặp nhau" trong bài toán nhà trọ này.■

Quy chuẩn nhà trọ tại TP.HCM ban hành năm 2006, bãi bỏ năm 2018 (theo quyết định 75 năm 2006 của UBND TP.HCM)

Về đất: không bị cấm xây dựng, không có tranh chấp, cách xa tường rào nghĩa trang tối thiểu 50m; cách nơi phát sinh tiếng ồn lớn ít nhất là 100m…

Phòng trọ có chiều rộng tối thiểu 2,4m, chiều cao 2,8m trở lên, vách ngăn bằng gạch xây, có chỗ phơi diện tích từ 0,4m2/người trở lên. Diện tích cửa sổ tối thiểu bằng 1/10 diện tích phòng.

Khu nhà có từ 10 phòng trở lên phải có diện tích cây xanh hoặc khoảng trống tối thiểu là 1,5m2/người. Hành lang giữa hai dãy phòng rộng từ 1,4m trở lên, lối đi chung giữa hai dãy nhà rộng từ 3,5m trở lên. Với khu đất có hàng rào thì tường rào cách tường ngăn phía sau tối thiểu 2m, cách mặt trước của dãy nhà tối thiểu 3,5m. Khu nhà trọ phải có bể chứa phục vụ cứu hỏa, bình chữa cháy và các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy. Khu nhà thuê có trên 20 người phải có ý kiến chấp thuận sau của cơ quan kiểm tra phòng cháy chữa cháy.

Trên địa bàn TP.HCM,

có hơn 1.430.000 người thuê ở.

Hiện có khoảng

60.500 nhà riêng lẻ

ngăn thành 560.000 phòng trọ.

(báo cáo của Sở Xây dựng tháng 6-2024)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận