Phóng to |
Nhà tránh bão của vợ chồng ông Ngô Văn Đây (xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) được xây phía sau căn nhà xập xệ của gia đình ông - Ảnh: V.Tr. |
Trong đó, huyện cù lao Tân Phú Đông 600 căn và huyện Gò Công Đông 500 căn. Những hộ được hỗ trợ xây nhà tránh bão đều khẳng định rất có ích với gia đình họ.
“Công sự” trong nhà lá
Ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông nằm cách bờ biển chừng 100m. Nhà cửa của người dân ở đây hầu hết là vách lá, mái tôn fibro ximăng, rất ít nhà tường kiên cố. Chị Ngô Thị Đã cho biết căn nhà vợ chồng và hai con chị đang ở từng bị sập gần như hoàn toàn khi bão số 9 năm 2006 quét qua, may mắn là lúc đó không có ai trong nhà. Căn nhà lá bây giờ chỉ là tạm bợ, bão đến chắc chắn không thể chịu nổi.
“Cũng may mà Nhà nước mới hỗ trợ tui xây nhà tránh bão kết hợp nhà vệ sinh rất chắc chắn. Có gì cả nhà vô đó tránh bão, không lo bị thương nữa” - chị Đã nói. Nhà tránh bão của chị Đã bằng bêtông, sơn màu vàng nổi bật trong căn bếp nấu củi tối om. Nhà cao khoảng 2,5m, diện tích 2 x 2,5m. Tường xây kiên cố bằng gạch dày 20cm. Trên nóc cũng đổ bêtông, cửa ra vào làm bằng sắt rất chắc chắn. Bên trong được lát gạch bóng loáng, có vòi nước máy, có hố xí hợp vệ sinh... trông như một “công sự” kiên cố giữa căn nhà lá tạm bợ.
Băng qua một cái ao khá to, chúng tôi nhìn thấy hai căn nhà tránh bão mới xây nằm cạnh hai căn nhà lá lụp xụp. Anh Trương Tuấn Minh, cán bộ nông nghiệp xã Tân Thành, nói đó là hai căn nhà tránh bão đẹp nhất ấp Cầu Muống của bà Nguyễn Thị Ngọc và vợ chồng con trai Nguyễn Hoàng Trung.
“Người ta xây có 13 triệu đồng, còn mẹ con tui bỏ thêm 2 triệu đồng nữa để làm cho kiên cố và lót gạch trang trí bên trong chất lượng hơn nên mắc tiền” - bà Ngọc giải thích. Bà nói thêm: “Hai căn nhà lá của mẹ con tui chỉ cần gió bão cấp 7 thì đã sập rồi. Mỗi lần nghe báo bão tui sợ dữ lắm, lo đùm túm chạy di tản. Cũng may mới đây được Nhà nước hỗ trợ để xây nhà tránh bão kết hợp với nhà vệ sinh, nhà tắm luôn, tiện lợi lắm. Xây nhà kết hợp như vậy sử dụng quanh năm, không bị lãng phí, chứ nếu xây chỉ để tránh bão thì chắc tui không xây đâu”.
Những “ngôi nhà” tránh bão giờ đây là một trong những công trình nổi bật nhất tại các ngôi làng ven biển ở huyện Gò Công Đông. Ông Ngô Văn Đây ở ấp Giồng Lãnh 1, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông kể: “Tháng 10-2013 vừa qua có bão số 13, cả nhà đùm túm vô đây tránh thấy yên tâm lắm. Tui lại bị bệnh gút, đi đứng khó khăn, mấy lần trước nghe có bão phải đi di tản cực lắm”.
Chịu được gió bão cấp 9
Ông Nguyễn Thiện Pháp, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang, cho biết năm 2011 ông đi dự diễn tập phòng chống bão lụt và được giới thiệu nhiều mô hình giúp dân vùng ven biển tránh bão. “Sau khi nghiên cứu địa hình, nhu cầu, khả năng của người dân vùng ven biển tỉnh Tiền Giang và đặc điểm mỗi năm chỉ vài ba cơn bão có khả năng đổ bộ vào miền Nam, chúng tôi quyết định chọn mô hình nhà tránh bão kết hợp sinh hoạt gia đình để tránh lãng phí”-ông Pháp nói.
Mô hình này được UBND tỉnh đồng ý và giao Sở Xây dựng thẩm định, đưa ra thiết kế xây dựng để đảm bảo chịu được gió bão cấp 8, cấp 9. Theo đó, nhà tránh bão kết hợp nhà vệ sinh cao 2,5m, diện tích 2 x 2,5m. Bốn cây cột được đào móng đổ bêtông như xây nhà tường kiên cố, dày 15cm/mặt. Bốn bức tường được xây dày 20cm, nóc nhà đổ bêtông để đảm bảo an toàn khi tránh bão. Trong nhà này có vòi nước máy, hố xí hợp vệ sinh và được lát gạch trang trí khá đẹp mắt. Kinh phí xây dựng một căn nhà tránh bão 12-13 triệu đồng. Trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 70%, tức 10-11 triệu đồng/nhà. Số còn lại gia đình thụ hưởng đóng góp bằng cách vay Ngân hàng chính sách xã hội (nguồn vốn vay đầu tư nước sạch vệ sinh môi trường cho hộ gia đình). Chính quyền địa phương xác nhận cho người dân vay tín chấp và theo dõi, giám sát việc thi công nhà tránh bão đúng thiết kế.
“Diện tích nhà tránh bão như vậy có vẻ hẹp quá và vì sao không thiết kế lớn hơn?” - chúng tôi đặt vấn đề. Ông Pháp nói bão đổ bộ thường chỉ khoảng hai tiếng là hết nguy hiểm, cho nên mục tiêu hàng đầu là tránh bão an toàn trong quãng thời gian đó là được. “Nếu xây lớn quá thì vốn đầu tư tăng, hộ nghèo không có khả năng. Mặt khác nhu cầu mặt bằng làm nhà vệ sinh ở mức 2 x 2,5m là vừa đủ. Mỗi hộ trung bình có bốn người, diện tích như vậy là đủ rộng để tránh bão vài giờ” - ông Pháp giải thích thêm.
Bà Trần Kim Mai, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết tỉnh đánh giá mô hình nhà tránh bão đã xây dựng đạt yêu cầu và chất lượng. Tuy nhiên, mô hình này chưa tính đến nước biển dâng nên chưa hoàn chỉnh. UBND tỉnh đã giao các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh những điểm còn hạn chế để thiết kế nhà tránh bão kết hợp chống nước biển dâng, biến đổi khí hậu. Tới đây sẽ xây dựng nhà có nền cao hơn, căn cứ vào số liệu mực nước biển dâng cao nhất thời gian qua và UBND tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí giúp người nghèo xây dựng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận