Ông Trump bày tỏ quan điểm của ông về thỏa thuận hạt nhân với Iran tại Nhà Trắng ngày 8-5 - Ảnh: REUTERS
Đây là nội dung thông báo phát đi ngày 9-5 của Nhà Trắng, đúng một ngày sau khi ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Hãng tin Reuters dẫn lời bà Sarah Sanders, phát ngôn viên Nhà Trắng, cho biết tại cuộc họp báo: "Chúng tôi cam kết 100% sẽ không cho Iran sở hữu vũ khí hạt nhân".
"Chúng tôi sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa, áp đặt các lệnh trừng phạt khổng lồ với họ. Tất cả các lệnh trừng phạt từng áp dụng trước thỏa thuận sẽ được thực thi trở lại và chúng tôi đang chuẩn bị để áp thêm các lệnh trừng phạt mới có thể sẽ công bố sớm trong tuần tới", bà Sanders nói.
Trong bối cảnh liên quan, ông Trump đang đối mặt với tình thế cô lập ngoại giao trong ngày 9-5 khi các nước lớn trên thế giới hối hả tiến hành các nỗ lực cứu giữ thỏa thuận hạt nhân mà ông đã tuyên bố "rời cuộc chơi".
Trong lúc các đối thủ cùng khu vực với Tehran là Saudi Arabia và Israel tán dương quyết định của ông Trump, tại Iran làn sóng phản đối Mỹ mỗi lúc một mạnh hơn. Nhiều nghị sĩ nước này thậm chí đã đốt quốc kỳ Mỹ rồi hô vang những khẩu hiệu lên án chính phủ của ông Trump.
Trong ngày 9-5 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani đã nhất trí sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân bất kể quyết định của Mỹ, một điều mà ông Macron gọi là "một sai lầm".
Trước đó Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các quốc gia châu Âu tham gia ký thỏa thuận sẽ "làm mọi thứ" để đảm bảo các điều khoản nội dung của thỏa thuận được giữ nguyên.
Các cam kết được đưa ra từ những bên liên quan khi nhà lãnh đạo tối cao của Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei, cho rằng chính phủ tại Tehran cũng nên rút khỏi thỏa thuận này trừ khi các nước châu Âu đưa ra những đảm bảo chắc chắn về việc các quan hệ thương mại sẽ vẫn tiếp tục.
Trung Quốc ngày hôm qua (9-5) cũng cam kết sẽ nỗ lực để duy trì thỏa thuận. Bắc Kinh khẳng định sẽ duy trì "các giao dịch kinh tế, thương mại bình thường" với Tehran và "tiếp tục góp sức để bảo vệ và thực thi thỏa thuận".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận