Mưa lớn gây hậu quả nặng nề ở Nha Trang ngày 18-11 vừa qua - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Lý giải về việc dự báo mưa, ông Hoàng Phúc Lâm - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết về công nghệ dự báo, đa phần các trung tâm dự báo lớn trên thế giới chủ yếu dựa vào các sản phẩm khách quan - tức là các mô hình dự báo số trị.
Sau đó kết hợp thêm kinh nghiệm của dự báo viên, kết hợp thêm các điều kiện, số liệu quan trắc thực tế để có thể hiệu chỉnh, điều chỉnh dự báo cho các thời hạn khác nhau.
Ông Lâm cho biết ở Việt Nam, hiện các dự báo định lượng mưa được trích xuất từ các mô hình toàn cầu của Nhật, Mỹ, Đức và các nước châu Âu với độ phân giải của các mô hình này khoảng 25-50km.
Riêng Việt Nam cũng có sản phẩm có độ phân giải cao của mô hình châu Âu với độ phân giải 90km nên cũng có được các thông tin chi tiết cho thời hạn dự báo 10 ngày.
Tuy nhiên, theo ông Lâm, đã là mô hình thì nó chỉ thuần túy là một phần mềm máy tính có khả năng giải các phương trình nhiệt động lực, mô tả các chuyển động trong khí quyển, các mối liên hệ giữa nhiệt, gió, ẩm áp và các yếu tố khác nhau trong khí quyển để có thể tịnh tiến, phân tích, dự báo theo thời gian.
Vì vậy, khi chạy mô hình, không thể giải chính xác được mà chỉ có thể đưa về cái gần đúng hoặc xấp xỉ, vì thế mới nói là dự báo.
Còn để dự báo cụ thể, chi tiết, ông Lâm cho biết phải dựa vào các số liệu quan trắc tức thời, đó là số liệu vệ tinh, số liệu rađa.
Về công tác dự báo, cảnh báo mưa, sạt lở đất khu vực Nha Trang, Khánh Hoà vừa qua, ông Lâm cho biết sáng 18-11, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã phát hai bản tin nhanh về cảnh báo mưa lớn và khả năng xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ở tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận vào lúc 7h15 và 10h30.
"Lúc 2h30 và 5h sáng 18-11, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã phát bản tin về áp thấp nhiệt đới gần bờ, trong đó đã có cảnh báo chung về khả năng xảy ra lũ, lũ quét.
Tuy nhiên, khi nhận thấy lượng mưa ở khu vực Khánh Hòa lớn, các dự báo viên trực đã ra thêm các bản tin riêng vào lúc 7h15 và 10h30 sáng 18-11 về cảnh báo mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cho khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận" - ông Lâm cho biết.
Ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ông Lâm cũng khẳng định trong bản tin phát lúc 7h15 đã cảnh báo mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cho khu vực Khánh Hòa, trong đó có liệt kê các huyện cụ thể gồm Cam Lâm, Cam Ranh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Ninh Hòa, TP Nha Trang.
"Yêu cầu của bản tin cảnh báo nhanh do thời gian ngắn phải liệt kê chi tiết được đến cấp huyện, và thực tế đã xảy ra sạt lở, ngập lụt ở nhiều nơi khu vực Khánh Hòa" - ông Lâm nói.
Cụ thể, đài khí tượng khu vực cũng đã đưa ra dự báo, cảnh báo mưa lớn tại Nha Trang với độ trên 200mm.
Riêng về việc sử dụng dữ liệu quan trắc thời tiết đặt tại Nha Trang, ông Lâm cho biết tại TP Nha Trang có đặt một rađa quan trắc thời tiết. Tuy nhiên, theo ông Lâm, nguyên lý hoạt động của rađa thời tiết đều có "điểm mù" làm hạn chế khả năng quan trắc hoặc không quan trắc được.
"Rađa đặt ở đâu thì thường không quan trắc được tại vị trí rađa đứng, đó là "điểm mù" của rađa. Tức là rađa thường hướng tầm nhìn ra xung quanh, quan trắc theo tầm nhìn xung quanh hay nói đúng hơn là nhìn xung quanh tốt hơn so với việc nhìn xuống dưới chân mình. Để nhìn được chân thì phải cúi xuống nhưng rađa không cúi hay quan sát được chân mình.
Vì vậy, thường rađa có điểm mù khoảng 20km xung quanh vị trí đặt rađa, đó là khu vực hạn chế quan trắc. Cho nên tại Nha Trang - nơi đặt rađa - có hạn chế trong quan trắc số liệu mưa thực tế" - ông Lâm nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận