17/11/2021 16:53 GMT+7

Nhà Trắng liên tục nhấn mạnh: Ông Joe Biden không coi ông Tập Cận Bình là 'lão bằng hữu'

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - "Đây là lần đầu tiên chúng ta gặp nhau theo hình thức trực tuyến. Dù không bằng một cuộc gặp trực tiếp mặt đối mặt, tôi vẫn rất vui mừng gặp lại lão bằng hữu của mình", ông Tập nói.

Nhà Trắng liên tục nhấn mạnh: Ông Joe Biden không coi ông Tập Cận Bình là lão bằng hữu - Ảnh 1.

Ông Biden và ông Tập gặp nhau tại Mỹ vào năm 2012 khi ông Biden đang là phó tổng thống Mỹ, còn ông Tập là phó chủ tịch nước Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Chỉ một câu gọi "lão bằng hữu" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khiến Nhà Trắng đối mặt với nhiều chất vấn từ truyền thông trong nước.

Khi được hỏi ông Tập đang định làm gì khi gọi nhà lãnh đạo Mỹ là "lão bằng hữu" (theo phiên dịch từ tiếng Trung sang tiếng Anh), phó thư ký báo chí Nhà Trắng Andrew Bates từ chối trả lời trực tiếp.

"Tôi sẽ không nói về vấn đề này thay cho Chủ tịch Tập", ông Bates trả lời khi bị báo chí chất vấn trên chuyên cơ chở Tổng thống Biden đến bang New Hampshire ngày 16-11.

"Tổng thống đã nói rất rõ ràng là ông ấy có mối quan hệ lâu dài với Chủ tịch Tập. Họ từng gặp nhau nhiều lần, có thể thảo luận thẳng thắn và trực tiếp cho hiệu quả công việc, nhưng Tổng thống Biden không xem Chủ tịch Tập là bạn cũ", ông Bates khẳng định.

Các quan chức Nhà Trắng liên tục nhấn mạnh Tổng thống Biden không xem Chủ tịch Tập là "bạn" trước và sau hội nghị thượng đỉnh ngày 15-11 (giờ Mỹ).

Theo bản "rã băng" phần đầu cuộc gặp được công bố trên trang web Nhà Trắng, Chủ tịch Tập bày tỏ sự vui mừng khi có cuộc hội đàm đầu tiên với Tổng thống Biden.

"Đây là lần đầu tiên chúng ta gặp nhau theo hình thức trực tuyến. Dù không bằng một cuộc gặp trực tiếp mặt đối mặt, tôi vẫn rất vui mừng gặp lại lão bằng hữu của mình", ông Tập nói. 

"Cảm ơn" - ông Biden đáp lại ngắn gọn và để nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục bài phát biểu mở màn cuộc gặp.

Hôm 15-11, ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định ông Biden vẫn "nhất quán không coi ông Tập là bạn cũ". 

Theo bà Psaki, ông Biden cảm thấy có thể nói chuyện thẳng thắn với ông Tập nhưng điều đó không đồng nghĩa hai người là bằng hữu.

Việc truyền thông Mỹ chú ý cách xưng hô của ông Tập được xem là một điều dễ hiểu, vì cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo không tạo ra kết quả thực chất đáng kể nào. Nói như một quan chức cấp cao của Mỹ thì cuộc gặp "không có gì đột phá để báo cáo".

Điều thú vị là chi tiết "lão bằng hữu" đã nhận được sự mổ xẻ từ nhiều chuyên gia, học giả nghiên cứu về Mỹ và Trung Quốc. 

Những người nghiêng về Mỹ thì cho rằng ông Tập đã cố tình gọi như vậy, sau khi ông Biden nhấn mạnh nhà lãnh đạo Trung Quốc không phải bạn mình hồi mùa hè vừa qua.

Ở chiều ngược lại, giáo sư quan hệ quốc tế Thời Ân Hoằng (Shi Yin Hong) tại Đại học Nhân dân ở Trung Quốc lưu ý cách gọi của ông Tập có nhiều hàm ý.

"Khi người Trung Quốc chúng tôi gọi ai đó là 'lão bằng hữu', nghĩa là chúng tôi đã biết họ từ lâu. Nhưng một 'lão bằng hữu' không nhất thiết có nghĩa anh ta vẫn là một người bạn thật sự" - ông Thời giải thích.

Mổ xẻ câu nói Mổ xẻ câu nói 'lão bằng hữu' trong cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Biden và ông Tập

TTO - Tại Trung Quốc, cụm từ "lão bằng hữu" (bạn cũ) thể hiện sự yêu mến, quen thuộc và tin cậy. Ông Tập Cận Bình đã dùng cách gọi này trong cuộc họp thượng đỉnh qua video với Tổng thống Biden.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên