Mỗi tấm ảnh một bài học
“Đây, bức ảnh Bác Hồ tát nước với bà con nông dân. Bác chúng ta rất gần gũi với dân, như vậy mới biết được dân tình ra sao, dân phản ánh điều gì chứ. Còn đây là tấm ảnh Bác đi thăm thương binh… Mỗi tấm ảnh là một bài học”. Trong căn phòng tập thể ở huyện Tri Tôn (An Giang), ông Lê Văn Đồng say sưa thuyết minh một cách rành rọt nội dung những tấm ảnh về Bác Hồ. Trên chiếc bàn nhựa bên cạnh, la liệt giấy, bút chì, thước và không bao giờ thiếu những tấm ảnh Bác.
Phóng to |
Ông Đồng và những bài học về Bác mà ông đã thể hiện qua tranh |
Ông Đồng bắt đầu “cầm cọ” từ năm 75 tuổi. Không qua trường lớp nào nhưng những bức tranh phong cảnh ông được bạn bè đánh giá là “có hồn”. Rồi một lần nghe đứa cháu ngoại ê a đọc: “Nhà em treo ảnh Bác Hồ…”, và thấy ảnh Bác trong sách, ông nảy ra ý định vẽ lại để tặng cháu. Bức ảnh đó cháu ông rất thích khiến cả nhà vui lây. Cũng từ đó, khi đọc bất cứ một tài liệu nào, chỉ cần phát hiện ra hình Bác, viết về Bác, ông đều cất giữ cẩn thận. Ông tự nhận ra mỗi bức ảnh về Bác đều ẩn chứa một bài học. Rảnh rỗi ông lại mang ảnh Bác ra ngắm và suy ngẫm. Rồi ông cầm bút vẽ lại những bức ảnh này để… đi tặng, để ai cũng có ảnh Bác.
Ông tự sắm “đồ nghề”: vài cây bút chì, một cây thước kẻ, một cục tẩy, giấy rôki, cái bàn nhựa dùng làm giá vẽ... Sau khi dùng thước, bút chì chia nhiều ô vuông trên ảnh gốc và giấy rôki thật chi tiết, ông bắt đầu “học”. Ông bảo đó là cách vẽ truyền thần. Cứ 3-4 ngày ông hoàn thành một bức tranh, bức nào khó thì thì phải mất một vài tuần. Một ngày ông dành khoảng 3 giờ để “học”. “Lúc đầu vẽ không giống lắm, đặc biệt là đôi mắt và chòm râu của Bác. Lúc đó rất nản chí. Nhưng nhớ lời Bác dạy. Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền… vậy là tui lại cầm bút”, ông kể. 5 năm nay ông đã thực hiện được trên 200 bức tranh về Bác Hồ. Ngoài ra, ông còn vẽ tranh Bác Tôn, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, chú Sáu Dân và nhiều nguyên thủ quốc gia khác…
Hành trình tặng tranh
“Ông Ba, có tranh cho con chưa? - Trời, tao quên mang theo, lát ghé nhà nha!”, ông Ba cứ bước ra cổng là đã nghe tiếng “đòi” tranh. Từ khi bắt đầu “nghiệp vẽ” đến nay, đi đâu ông cũng thủ mấy bức tranh trong cặp để khi gặp người quen thì đem ra tặng. Riết thành quen, nhiều người mới lần đầu gặp ông cũng xin tranh. Nhiều lúc vẽ không kịp để tặng, ông mang những bức mình ưng ý nhất nhờ tiệm chụp ảnh rọi lại rồi mang tặng mọi người. Trên mỗi bức tranh, ngoài việc chú thích cẩn thận nội dung tranh, thời gian vẽ, ông còn chép những lời dạy của Bác để mọi người từ đó làm theo.
Dành tiền để vẽ ảnh Bác
Ông Đồng hiện là một cộng tác viên thường xuyên của Chương trình phát thanh Người cao tuổi (Hà Nội). Ông viết nhiều bài về vấn đề chăm sóc người cao tuổi ở thành thị và nông thôn, chống tiêu cực tham nhũng, thơ ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi quê hương đất nước, tình cảm gia đình… Ông còn vẽ khẩu hiệu, báo tường, tư liệu dạy học cho các trường học. Số tiền nhuận bút và tiền thu lao thu được, ông chi tiêu một phần rất nhỏ cho sinh hoạt hàng ngày, số còn lại ông dành mua bút, giấy để… vẽ ảnh Bác. |
Có một lần về Quy Nhơn thăm con, ông quày quả tay xách nách mang một gói quà đến thẳng trụ sở UBND thành phố và xin gặp ông chủ tịch. Thấy dáng vẻ hiền lành của ông lão mấy anh bảo vệ đồng ý cho vào nhưng bảo là phải chờ vì chủ tịch đang họp. Rồi khi được gặp, ông lấy ra từ gói quà bức tranh Bác Hồ chủ tọa phiên họp Quốc hội đầu tiên. Ông bảo: “Biết thành phố mình đang thực hiện cuộc vận động ‘Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên tui tặng tranh này cho ông chủ tịch". Ông Võ Minh Quang, chị tịch UBND thành phố Quy Nhơn rất bất ngờ và cảm kích trước món quà đặc biệt này.
Riêng Trung tâm văn hóa huyện Tri Tôn, ông đã tặng khoảng 80 bức tranh về Bác. Ngày 2-9 vừa qua, trung tâm đã tổ chức triển lãm những bức tranh này trong 3 ngày để đông đảo mọi người thưởng lãm.
Và cứ thế, hơn 5 năm nay lão ông 80 tuổi vẫn lặng lẽ cầm bút để nhân rộng những “bài học” về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho mọi người noi theo. Hành trình tặng tranh của ông không dừng lại ở con số 200 bức tranh mà vẫn còn tiếp tục. Ông bảo “Tui còn khỏe thì cứ vẽ vì lòng yêu nước của Bác và những bài học của Người thì không bao giờ kể xiết”. Rồi ông lại chau mày vào những bức tranh…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận