Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi thấy may mắn vì các con đều hơn cha

THƯ HIÊN 28/06/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Trong suốt cuộc trò chuyện, thay vì nói về việc dạy con, nhà thơ Vũ Quần Phương thỉnh thoảng lại lạc vào những trải nghiệm quý giá mà ông học được từ hai người con trai (GS Vũ Hà Văn - một nhà toán học nổi tiếng và Vũ Thanh Điềm - một chuyên gia của Google) mà theo ông là nhờ thế, ông trở nên hoàn hảo hơn, sống vui hơn.

 
 GS Vũ Hà Văn (bên phải) với bố mẹ và em trai

Từng chỉ mong con trở thành thợ sửa tivi

Khi được hỏi về phương pháp nuôi dạy con, nhà thơ Vũ Quần Phương thành thật chia sẻ: “Ngày xưa, thời chúng tôi nuôi con nhỏ, cuộc sống thiếu thốn quá, thành thử có câu “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Tôi cũng thế, cũng thấy đời mình hỏng, nên dồn hết ý nghĩa đời mình vào sự chăm sóc - nuôi dạy con, lấy tình yêu thương dành cho con làm lẽ sống. Nhưng so với các ông bố bà mẹ thời nay, chúng tôi may mắn bởi có nhiều thời gian dành cho con, nhờ thế mà tìm hiểu được nhiều thứ, hiểu được con.

Hồi ấy, chúng tôi chỉ mong con lớn lên sống làm người lương thiện, biết cư xử đúng mực. Dù dồn hết tâm trí, thời gian nuôi dạy và chăm sóc con nhưng tôi chưa bao giờ dám mơ ước viển vông khi nghĩ về tương lai của con. Con được đi học nước ngoài là đã vượt quá ước mong của chúng tôi. Hồi ấy, thấy Văn thi đỗ vào ngành điện tử viễn thông của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là tôi đã thấy mừng vì sau này con có thể chữa tivi kiếm sống. Lúc đó tôi còn nói vui: Sau này, buổi tối con ngồi chữa tivi, bố sẽ đứng cạnh cầm đèn soi cho con. Ước mơ của tôi nhỏ lẻ, hàng xay hàng xáo thế thôi. Về sau, khi con đi nước ngoài học thì con mới được mở mang đầu óc, có khát vọng, có hoài bão”.

Khi sang Hungary, anh Văn đang học điện tử thì chuyển sang học toán. Hồi ấy ông có phản đối quyết định này không, vì học toán thì khi về nước có thể chỉ đi dạy thôi chứ làm sao sửa được tivi?

Tôi ủng hộ hoàn toàn. Bởi ngay lúc đó tôi biết vì tình thế mà mình chỉ dám mơ gà què ăn quẩn cối xay, còn ước mơ của con là bơi ra biển lớn. Trước đây, ngày chủ nhật tôi chỉ biết ở nhà đóng cái chuồng gà để còn nuôi gà có trứng cải thiện bữa ăn, tôi buồn lắm chứ, vì tôi không muốn mình chỉ sống một cuộc sống như thế. 

Tôi rất đồng cảm với nhân vật giáo Thứ trong tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao. Dù thấy đời mình thật khổ, chỉ biết lo cái ăn cái mặc, nhưng vẫn rất ghét lão nhà giàu trước cửa, khi có việc buộc phải mò sang mà chỉ cầu mong lão ta đi vắng. Tôi là lớp trí thức tiểu tư sản nên có tâm lý đề cao cái thanh cao trong sự nghèo khó. Nên khi thấy con rồi đây sẽ không phải chịu cái nỗi khổ tâm mà mình từng chịu, tôi mừng lắm.

Cả hai con trai của ông đều học giỏi từ bé. Tự nhiên mà các anh ấy giỏi, hay là nhờ có phương pháp đúng đắn dạy con?

Việc nuôi dạy con, tôi không dám khái quát thành điều gì to tát, nhưng tôi cũng có một số kinh nghiệm và khi soi chiếu vào một số trường hợp khác, tôi nhận được sự đồng tình. Đầu tiên, việc tôi từng là một người học giỏi khi còn đi học là một thuận lợi, vì tôi có thể giúp con có phương pháp học tập hiệu quả. Thứ hai, khi con còn nhỏ, tôi rất quan tâm việc tạo lý thú cho con trong việc học, vừa chơi với con vừa giúp con phát triển tư duy.

Thứ ba, tôi tạo cho con có cảm giác con được ưu tiên khi con chui vào góc học tập. Trước đây, nhà tuy rất chật, nhưng tôi vẫn cố gắng sắp xếp để con có góc học riêng. Đằng sau cánh cửa ra vào, tôi đặt cho con một cái ghế trúc bé bé, xung quanh là sách, là vở. Khi con đã ngồi vào đó thì con không bị mắng, không bị sai vặt. Nếu con lỡ đánh vỡ cái cốc, nhưng đã ngồi vào đó là yên tâm không bị mắng. Góc học tập thành nơi trú ẩn của con, sách cứu rỗi con. Con muốn được yên thân, muốn khỏi bị mắng, khỏi bị sai vặt thì ngồi vào đó.

Thứ tư, tôi dựa vào sở trường của con để định hướng việc học của con. Thứ năm, tôi rất công phu trong việc tìm thầy giỏi cho con theo học. Cả đời tôi chẳng bao giờ lụy ai, trừ việc lụy thầy để xin cho con được theo học. Tôi rất coi trọng môn toán, nên tìm những thầy cô dạy toán giỏi nhất Hà Nội để gửi con, việc tìm kiếm này thật sự là rất kỳ công.

Nói chung, thời tôi nuôi con, để con học giỏi bố mẹ phải kiên trì. Không đầu tư thời gian, đầu tư trí tuệ thì không làm được. Để động viên con học, dạy được con học thì phải dạy được mình. Như thế này cũng là dạy mình: đã hẹn đón con thì phải làm được và phải đúng giờ. Nói chuyện với bạn bè, đang vui đến mấy vẫn phải đứng dậy mà đi. Ngày trước, mấy ông văn nghệ sĩ vẫn chế giễu tôi, nói tôi chỉ là hạng công chức quèn, không phải văn nghệ sĩ, vì cứ đến giờ là đứng dậy đi đón con.

Vì sao ông lại rất coi trọng môn toán? Môn văn thì sao? Phải chăng vì ông là nhà thơ, nên ông nghĩ chất văn có sẵn trong người con ông, không cần học cũng có?

Sở dĩ coi trọng toán là vì hồi nhỏ tôi học giỏi toán, tôi thấy môn toán rất thú vị. Với lại toán rõ ràng, rành mạch, đúng là đúng, sai là sai, người học dễ được đánh giá đúng. Còn môn văn tôi không chú trọng lắm, dù Văn học văn rất được, cô giáo dạy văn thích Văn lắm, cứ khuyên tôi cho con học chuyên văn. Nhưng tôi làm nghề văn tôi biết, tôi không tin cái “đáp số” văn của nước ta. Đường lối văn học của ta là đường lối minh họa, nên nó hỏng. Còn “đáp số” của toán là của thế giới.

Hồi ấy, ông có đặt mục tiêu cho con phấn đấu trong học tập?

Tôi chỉ đặt mục tiêu cho con vào được trường chuyên. Tôi rất biết ơn trường chuyên, vì ở đó con tôi được dạy tư duy chứ không chỉ học kiến thức sách vở. Rồi sau đó tôi chỉ mong con thi đỗ đại học (trong nước thôi, chứ không mơ đi nước ngoài), có học bổng toàn phần để đỡ phụ thuộc vào bố mẹ, để có một nghề tử tế. Tôi hướng con học kỹ nghệ, không thích con đi dạy, cũng không thích cho con đi buôn hay đi làm kinh tế. Hồi ấy, do ảnh hưởng của thời đại, tôi xem buôn bán là phe phẩy nên không coi trọng. Với lại tôi cũng không nghĩ là cần phải làm giàu, chỉ muốn sau này con không bị đói rét như mình đã từng đói rét.

Con hơn cha…

Giờ nhìn lại, hẳn ông rất hài lòng với thành quả nuôi dạy con của mình?

Tôi rất hài lòng. Các con tôi đều là những người mát tính, biết giữ bình tĩnh, không dễ nổi nóng. Điềm có nóng nảy hơn anh Văn chút, nhưng vì là người độ lượng nên biết nhẫn nhịn. Ban đầu tôi còn thấy lẽ ra phải có thái độ quyết liệt hơn, nhưng về sau tôi thấy các con có lý, bởi chỉ cần mình lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình, không cần phải giãi bày đúng sai với những ai. Trong cuộc sống, nhiều khi phân định đúng sai có để làm gì đâu!

Cách đây 20 năm, có lần tôi với nhà tôi giận nhau. Đợt ấy chúng tôi sống ở Mỹ cùng với các con. Dù bố mẹ không to tiếng với nhau, nhưng các con cũng nhận ra. Buổi trưa hôm ấy, các con tôi mời tôi đi uống cà phê (bên ấy muốn đi uống cà phê là phải đi cả chục cây số), rồi hỏi bố mẹ có chuyện gì. Tôi kể lại sự việc, và nói là mẹ sai. Các con nghe xong thì nói với chúng con, bố hay mẹ, ai đúng ai sai không quan trọng. Chúng con chỉ thích bố mẹ vui, vì bố mẹ có vui chúng con mới yên tâm, bố mẹ không vui chúng con buồn.

Từ đó tôi rút ra một điều cho bản thân: vợ chồng sống với nhau cốt tình cảm và vui vẻ, phân biệt đúng sai với nhau để làm gì! Trong cư xử hằng ngày, nếu phát sinh ý khác nhau thì cần nhượng bộ nhau, không cần phải đối kháng. Đối kháng để làm gì? Tuy vậy, đôi lúc tôi cũng lỡ to tiếng, sau đó thì nhận ra mình nói to thế để làm gì! Nhiều khi hành xử theo quán tính, rồi nhận thấy mình rất vớ vẩn.

Còn những điểm gì nữa mà các con làm ông hài lòng?

Nhiều chứ. Có điều này tôi thấy thật may, là các con đều ít nói hơn bố. Cũng nhờ tôi không định hướng cho các con đi theo nghề văn. Do tôi làm nghề văn chương nên tôi hay bộc lộ, tôi gọi là để trái tim ở ngoài ngực. Nhà thơ thì phải thế, để ai cũng thấy được trái tim của mình. Còn các con tôi không phải nhà văn hay nhà thơ, nên được “quyền” ít nói. Ít nói thì có nhiều thời gian và năng lượng để suy nghĩ hơn. Nói tốn sức lắm.

Các con không chỉ là những người có ý chí mà chí của các con đều lớn hơn bố. Các con nghĩ xa hơn, rộng hơn. Các con đều biết chấp nhận cái thiệt trước mắt để theo đuổi việc lớn. Ví dụ như Văn, hồi học bên Hung, bố mẹ gửi cho một xấp áo kimono để con bán lấy tiền tiêu. Chúng tôi không bắt con phải làm kinh tế nên chỉ gửi cho vừa đủ. Khi vợ tôi đi công tác châu Âu, ghé thăm con thì thấy cả đống áo kimono vẫn để đấy. Về nhà cô ấy cũng phàn nàn (vì bố mẹ mất công mất tiền gửi cho con), nhưng cũng mừng vì chứng tỏ con không thấy túng thiếu, không có nhu cầu tiêu pha và con rất tập trung vào việc học.

Anh chỉ đạo, em thực hiện…

Tôi được nghe, rằng hai người con ông dù đều ở xa nhưng rất quan tâm, rất biết lo lắng cho bố mẹ…

Đó là cái may của gia đình tôi. Hai con, mỗi người một cách, vì mỗi người một tính, nhưng đều làm cho bố mẹ thấy ấm lòng. Vợ chồng tôi vẫn thường đùa với nhau: anh Văn thì chỉ đạo, lo đường lối chiến lược; em Điềm thì lo những việc cụ thể. Ví dụ, ngày xưa tôi và nhà tôi sống trong một căn nhà phố, Văn đề nghị bố mẹ chuyển đến ở chung cư để an toàn hơn và được hưởng các dịch vụ hạ tầng tốt, sau đó chỉ đạo cậu em bay về Việt Nam lo việc này. Cậu em về Việt Nam mấy hôm thì lo xong hết cả việc mua nhà, chuyển nhà.

Cậu em thì tự làm được hết mọi việc lặt vặt trong nhà, còn ông anh thì ngay cả việc đóng cầu dao điện cũng không biết làm. Có hôm nhà Văn (bên Mỹ) mất điện, tôi định đi tìm xem lỗi ở đâu để khắc phục, cậu ngăn lại ngay, nói hệ thống điện bên này không giống bên nhà đâu, nên bố không được làm gì cả kẻo điện giật. 

Thứ bảy, chủ nhật ấy cả nhà chịu rét (trẻ con thì rất thích vì được mặc nguyên áo len chui vào chăn ngủ với ông bà, một trải nghiệm chưa bao giờ có). Thứ hai, thợ điện đến hỏi ai mở cầu dao thế này, sau đó họ đóng cầu dao lại, thế là có điện! Việc này là một ví dụ điển hình cho tính cách của Văn! Bất kỳ việc gì anh Văn đều gọi thợ chứ không tự làm. Ban đầu tôi cũng bực mình, nhưng sau lại thấy hay, thấy mình đúng là phải học con mình. Tôi tiết kiệm nên cứ tự làm lấy mọi việc, kể cả khi điều kiện vật chất tốt lên rồi. Việc này có mấy nguy cơ. Một là mình tự làm thì thường ra sản phẩm xấu, tự nhiên phải dùng cái xấu. Hai là tốn quá nhiều thì giờ cho việc không đáng. Thứ ba là tiền tiết kiệm chẳng để làm gì, vì giờ có túng như hồi nuôi chúng nó đâu! Nên giờ tôi phải tập việc không tự lọ mọ làm một số việc.

Những phẩm chất mà các anh ấy có được, là do “cha mẹ sinh con trời sinh tính” hay nhờ sự công phu dạy con hồi xưa của ông bà?

Tôi nghĩ do cả 3 yếu tố: do trời sinh, nhưng thực ra là do gene; do môi trường xã hội; do môi trường gia đình. Tôi nghiệm thấy từ lâu, bố mẹ thế nào con cái sẽ thế, nhất là con gái. Hồi đi hỏi vợ cho con, tôi tâm niệm: cứ gặp bà thông gia tương lai thì hình dung ra cô con gái. Đúng thế thật!

Trong gia đình tôi, mẹ ảnh hưởng tới các con nhiều hơn. Vợ tôi có ưu điểm là gần gũi với các con, hay trò chuyện với các con. Còn tôi thì đóng vai đạo mạo, nghiêm khắc. Nên các con hay tâm sự với mẹ chứ ít nói với bố. Ngay bây giờ cũng thế. Các con chịu ảnh hưởng từ mẹ về tư duy, về lối sống. Nhưng người quyết định phương hướng là bố, ví dụ quyết định cho con học chuyên toán chứ không phải chuyên văn là do tôi.

Về yếu tố môi trường xã hội, sự ảnh hưởng từ các thầy cô rất quan trọng. Nên tôi cầu kỳ chọn thầy cô cho con là không chỉ vì muốn con học giỏi, mà bởi muốn con được học kiến thức của thầy cô, chịu ảnh hưởng bởi quan điểm sống của thầy cô. Thầy cô giỏi thì thường tâm huyết, tận tâm, tình cảm với học trò.

Sau này ông bà có tác động gì tới các con về việc nuôi dạy cháu?

Không! Tôi chỉ tham gia tác động vào đời sống tình cảm của các cháu, nhưng chỉ là khi các cháu còn nhỏ. Còn khi cháu lớn rồi thì tôi không can thiệp, không lấy cái nhu cầu tình cảm của ông bà ra giằng kéo, chất gánh nặng cho các cháu. Tôi muốn để các cháu được sống hạnh phúc theo quan niệm của các cháu.

Xin chân thành cảm ơn ông.■

 
 Nha tho Vu Quan Phuong va phu nhan

Gửi con trai út yêu thương của bố mẹ!

Con là một đứa trẻ được sinh con thật dễ dàng, còn suýt bị đẻ rơi ở giữa đường! Nhưng đến khi nuôi thì lại vất vả, hơi một tí là khóc. Khóc dai dẳng, đôi khi chẳng có lý do gì, chẳng có tí nước mắt nào mà cứ ti tỉ... Và anh Văn thường bị mắng oan là thế!

Con thông minh, ham chơi, ham tìm tòi và sáng tạo. Một mình ở nhà, con tự lấy kéo rồi lôi quần áo cũ của mình ra cắt, nham nhở ở gấu quần, ở tà áo... Rồi con khoe, “con sửa quần áo đẹp không này”! Khi đó con chỉ 7-8 tuổi. Nhà có cái đài đã hỏng để ở góc nhà, con cũng tháo tung ra để chữa... Sửa chữa chán mọi thứ, con lại hẹn bạn hàng xóm sang chơi. Đứa trong, đứa ngoài, qua khung cửa sắt ngồi chơi tú lơ khơ... Khi mẹ về, con được cùng bạn xuống sân chơi nửa tiếng. Như chim sổ lồng con chạy nghịch cùng bạn nhưng cũng biết giờ để tự về. Có lần con lên nhà, hai má đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại, bộ mặt ngơ ngác, con chìa cái quần đùi đang mặc nói: “Mẹ ơi, cái sọc ở quần rơi đâu mất rồi?”. Mẹ nhìn xuống và không nhịn được cười, hóa ra con tôi mặc quần trái!

Con quý và sợ anh Văn. Ngày tiễn anh đi học xa, con về nhà bỏ ăn và khóc, vì con nhớ anh. Hồi đó cứ mỗi tháng một lần cả nhà nhận được thư anh Văn, con cũng có riêng một bức. Con mở thư rồi ngồi riêng một góc để đọc. Thư cho con bao giờ anh cũng gửi kèm một bài toán khó và lời bình của bài toán cũ con đã giải... Gia đình ta cứ âm thầm chăm sóc và thương yêu nhau như vậy đó...

Bây giờ các con đều đã có gia đình riêng, con vẫn không quên mình là em út trong nhà. Có việc gì là cùng anh bàn bạc giải quyết sao cho bố mẹ vui.

Nhớ lại chút ngày xưa của con, và nhìn thấy sự trưởng thành của con hôm nay, bố mẹ mong muốn con luôn vui khỏe, thành đạt và hạnh phúc trong gia đình nhỏ mà con đã hết mình xây đắp.

(Bà Đào Thị Hường viết cho con trai Vũ Thanh Điềm, nhân ngày anh Điềm tròn 40 tuổi). 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận