Phóng to |
Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên |
* Chị đã được biết tới như một nhà thơ chuyên làm thơ tình, vậy chị đã viết bài thơ đầu tiên như thế nào?
- Tôi "bị" gọi là nhà thơ tình vì những bài thơ trình làng đầu tiên là thơ tình. Thật ra, tôi làm thơ từ lúc còn rất nhỏ. Bố mẹ choán hết tâm trí tôi lúc đó. Bài thơ đầu tiên của tôi là bài Đi chợ Tết với mẹ.
* Trong suy nghĩ của mình, chị thấy thơ tình có dễ làm?
- Tôi không nghĩ thơ tình là loại dễ làm. Tình yêu là một thứ chung nhất và lớn lao đối với cả đời người. Vì thế, viết về nó không dễ dàng. Bạn phải ngụp lặn trong cảm xúc, nhiều khi tưởng chết mới lột tả được cảm xúc đó.
* Những bài thơ tình hay nhất có được lúc người ta hạnh phúc nhất hay đau khổ nhất?
- Với tôi, những bài thơ tình hay nhất được viết ra khi tôi đã "đi qua" hạnh phúc lẫn khổ đau, chìm lỉm trong cảm xúc yêu. Dù hạnh phúc hay đau khổ, chỉ sau phút giây chìm lỉm đó, tôi mới "hét" lên được. Tiếng hét đó là thơ tôi.
* Theo chị, phẩm chất giúp có được thơ tình hay là gì? Say đắm, si tình, ghen tuông, bạo liệt...? Kiến thức hay kinh nghiệm sống có vai trò nào không?
- Cả bốn thứ say đắm, si tình, ghen tuông, bạo liệt..., theo tôi chỉ là những gương mặt của tình yêu. Tôi nghĩ, để có một bài thơ tình hay, mang lại sự đồng cảm cho nhiều người thì người làm thơ phải "hiểu rõ" tình yêu là gì. Tình yêu có thể đến với nhà thơ dưới muôn ngàn góc cạnh, nhưng nhà thơ phải luôn thấy tình yêu như hơi thở, máu thịt mình.
Tôi không hiểu kiến thức và kinh nghiệm sống ở đây có ý nghĩa gì? Yêu nhiều chăng? Theo tôi, một người dù có kinh nghiệm yêu đương đến đâu, hoặc nghiên cứu về tình yêu nhiều cỡ nào, cũng chưa chắc "hiểu rõ" tình yêu. Để viết nên một bài thơ tình thật truyền cảm, đôi khi chỉ cần "một tích tắc yêu" cũng đủ, miễn là tích tắc đó đào được cảm xúc yêu của bạn sâu đến tận chân tơ, kẽ tóc.
* Đối với chị, thơ là cứu cánh hay phương tiện?
- Vừa là cứu cánh, vừa là phương tiện. Trước kia, tôi co cụm trong cảm xúc của mình, thơ là cứu cánh để giải thoát. Sau đó, nhiều lúc tôi mượn thơ làm phương tiện chuyển tải những bức bối của bản thân. Nhưng hiện nay, thơ không còn là cứu cánh hay phương tiện mà là bạn đồng hành của tôi.
* Sau 15 năm đến với nghiệp viết, chị có thay đổi nào trong cách nhìn nhận văn chương và người cầm bút?
- Đối với tôi, dù 20 năm hay 50 năm trong nghiệp viết, tôi vẫn không thay đổi cách nhìn về văn chương. Tôi không quá hoang tưởng để bảo rằng mình cầm bút với nhiệm vụ dùng câu chữ để thay đổi thế giới, thay đổi xã hội như ai đó. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng mình cầm bút là một định mệnh, là một cái "nghiệp".
* Tại sao chị lại viết truyện? Có phải vì thấy rằng chỉ thơ là không đủ?
- Theo tôi, thơ là để dành cho những cảm xúc thăng hoa, bay bổng. Dù nỗi buồn có lớn đến cỡ nào thì những câu thơ viết ra cũng phải đẹp. Dùng thơ để chuyển tải bức xúc xã hội thì khó lòng đầy đủ, khó lòng lột tả. Văn xuôi có thể làm điều đó dễ dàng hơn. Khi viết truyện, tôi tỉnh táo và khá khắc nghiệt khi nhìn nhận sự việc. Nếu thơ tôi tràn ngập cảm xúc thì truyện của tôi cũng tràn ngập cảm xúc như thế. Có điều câu chữ rạch ròi hơn. Khuynh hướng viết của tôi, cho đến nay nặng tính phân tích tâm lý. Đã phân tích thì không bay bổng được và tôi cũng không có ý định bay bổng trong lúc viết truyện.
* Điều gì khiến thơ chị thời gian sau này mở rộng hơn so với ban đầu?
- Tôi được "phát hiện" và "chấp nhận" sau một loạt thơ tình. Mấy tập thơ của tôi cũng là thơ tình. Thật ra tôi làm thơ về nhiều điều, về con người, về cuộc sống, cả thiền nữa. Thời điểm của một Ngọc Liên "giang tay giữa trời mà hét" đã qua rồi. Nói như thế không phải tình yêu trong tôi đã ít đi. Ngược lại, nó lớn hơn, rộng hơn và làm tôi "dịu dàng" hơn. Tôi thấy mình nên bộc lộ những góc cạnh từ trước đến giờ ít hoặc chưa bộc lộ.
* Cái nhìn của chị về người đàn ông trong đời thực có khác so với những nhân vật trong tác phẩm của chị?
- Những nhân vật nam trong tác phẩm của tôi đều ít nhiều mang dáng dấp của những người đàn ông ngoài xã hội. Có lần tôi được phỏng vấn rằng trong đời thực, tôi đã trải qua kinh nghiệm bản thân thế nào mà ghét đàn ông đến thế, chỉ toàn viết về đàn ông xấu xa. Tôi đã trả lời rằng, đàn ông tốt thì có gì để viết? Những bi kịch trong cuộc sống, hầu hết đều bắt nguồn từ những người đàn ông xấu xa. Khi tôi "kể tội" đàn ông xấu, cũng chính là muốn gửi gắm sự khao khát "được tốt đẹp hơn" của nhiều phụ nữ đối với người đàn ông của mình.
Tuy nhiên, các nhân vật nam của tôi không hoàn toàn xấu mà chỉ bị tác động bởi hoàn cảnh gia đình, xã hội. Họ cũng có những mặt tốt, cũng có sự giằng xé, dày vò, nhưng chưa đến nơi đến chốn, hoặc buông xuôi vì hèn nhát, vì tham vọng. Chính vì thế mà bi kịch xảy ra.
* Chị có tin vào tình yêu?
- Tôi luôn tâm niệm câu nói của Tagore: "Hãy tin vào tình yêu, dù tình yêu có đem lại khổ đau". Sự yêu thương giúp người ta hoàn thiện phần "người" trong con người, tôi nghĩ vậy. Nếu không có tình yêu, thế gian này sẽ lạnh lẽo và nghiệt ngã biết bao.
* Chị có tin vào con người?
- Đương nhiên là tôi tin vào con người. Tôi nghĩ, thám hiểm mặt trăng hay lên sao Hỏa chỉ để khẳng định rằng con người hết sức thông minh. Những sáng tạo về khoa học kỹ thuật giúp cuộc sống con người tiện nghi hơn, nhưng không đủ để biến con người trở thành máy móc như nhiều người lo nghĩ.
Tính nhân bản trong con người giúp chúng ta nhìn nhận sự việc và biết cách thay đổi nếu gặp sự cố. Song song với việc nghiên cứu, chế tạo bom hạt nhân, người ta vẫn kêu gọi cứu lấy môi trường sinh thái đó thôi.
* Chị có tin vào những giá trị tâm linh, tôn giáo?
- Tôi theo đạo Phật và tin vào thuyết nhân quả của nhà Phật. Tôi cũng thích đọc các sách về thiền. Theo tôi, tín ngưỡng nào cũng nói lên lòng tin của con người về điều Thiện, tôn giáo nào cũng dạy con người làm lành, lánh dữ. Dù xã hội có tân tiến thế nào, khoa học kỹ thuật hiện đại đến đâu thì giá trị tâm linh vẫn được con người tôn trọng và gìn giữ.
* Chị đang sống như thế nào và đang mong ước điều gì?
- Tôi không bạn bè kiểu "gặp đâu, xâu đó". Tôi chỉ có ít bạn, nhưng đó là những người "bạn thật sự", ý hợp tâm đầu để có thể khuyên lơn, chê trách hoặc ủng hộ, khuyến khích tôi nhiều điều. Tôi vui vì con cái học hành tử tế, có công việc ổn định, có những mối quan hệ đàng hoàng. Chuyện tình cảm của tôi cũng thế. Êm đềm và hạnh phúc. Tôi không ao ước gì quá tầm tay và tin vào số mệnh. Tôi chỉ mong rằng trong cuộc sống có thêm nhiều tấm lòng rộng mở để giúp đỡ người cùng khổ.
* Chị có tin rằng một ngày nào đó văn học VN cũng sẽ có được những tác phẩm lớn ngang tầm với thế giới?
- Tôi nghĩ, nhà văn Việt Nam mình thật "tội nghiệp". Chúng ta thiếu rất nhiều thứ, từ vốn sống, kiến thức đến kinh tế. Thiếu vốn sống thì chỉ viết quanh quẩn những gì mình biết. Thiếu kiến thức thì không dám phóng bút để viết những câu chuyện mang tính khoa học. Thiếu kinh tế thì không thể thoải mái ngồi sáng tác trong khi cơm ăn, áo mặc kêu gào. Thiếu nhiều như thế mà đòi viết những tác phẩm lớn ngang tầm thế giới ư? Theo tôi là hoang tưởng.
Để có những tác phẩm văn học giá trị, các nhà văn, nhà thơ cần được tôn trọng, tác phẩm cần được đánh giá cao hơn. Khi giá trị một cuộc thi văn học còn kém hẳn cuộc thi về sắc đẹp hay trò chơi truyền hình, tôi nghĩ những người cầm bút lo "chạy chợ" bằng những tác phẩm nhỏ hoặc vừa vừa cũng là khá lắm rồi.
Bao giờ một cuốn sách in ra, đem lại cho nhà văn cuộc sống thoải mái trong nhiều năm liền, nhà văn thảnh thơi đi đây đó học hỏi, nghiên cứu mà không lo chuyện cơm áo gạo tiền, lúc ấy may ra mới có được tác phẩm lớn đúng nghĩa!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận