Quan điểm của nhà thơ Hải Như là "Không viết để có mà viết để còn".
Theo bà Bích Ngân - chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nhà thơ Hải Như đã có hành trình cầm bút cẩn trọng, trách nhiệm.
"Ông để lại một chân dung sáng tạo được bồi đắp cả hai yếu tố, tác phẩm và nhân cách", bà Ngân nói.
Những vần thơ rung động tâm can về Bác Hồ
Nhà thơ Hải Như tự xác định: "Giấy thông hành nhà thơ phải do chính nhà thơ tự cấp/ Vượt mọi thử thách thời gian/ Đi vào vĩnh viễn trái tim người".
Và "giấy thông hành nhà thơ" của Hải Như là những lối đi riêng.
Nhắc đến Hải Như không thể không nhắc đến những dòng thơ về Bác. Và đặc biệt thơ của ông viết về Bác khi Người đã qua đời với bài đầu tiên Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi.
Hải Như có khoảng hơn 100 bài thơ về Bác, trong đó có bài viết khi Người đã qua đời: Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi.
Nhà báo Huỳnh Mai Liên nhận xét: "Trong con mắt nhiều người, Hải Như cô đơn trên con đường thơ "chẳng giống ai" trong mảng sáng tác đề tài Hồ Chí Minh".
Cái "chẳng giống ai" được Huỳnh Mai Liên đề cập trong bài đăng trên báo Nhân Dân năm 2006.
Vào năm 1969, khi bài Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi dài tới 88 câu được đăng thì đã gây xôn xao dư luận trong hàng nghìn bài thơ khóc Bác ngày ấy.
Khi đó, ông Hải Như được gặp Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh. Ông Trường Chinh nhận xét đây là bài thơ thay mặt quần chúng khóc lãnh tụ có sức rung động mạnh. Từ cuộc gặp này, Hải Như bày tỏ cùng ông Trường Chinh suy nghĩ của mình khi viết về lãnh tụ.
Ông nói: "Đề tài Hồ Chí Minh là điểm tựa, cái cớ để tôi thực thi chức năng của thơ ca, thức tỉnh con người. Tôi không sao chép Bác mà thông qua hình tượng Bác Hồ, tôi viết về chúng ta".
Ông khẳng định qua thơ của ông viết về Bác, người đọc không chỉ nhận ra Người mà còn liên hệ nhận thấy cả mình để tự vấn lương tâm.
Ông viết về Bác với những ý nghĩa sâu xa: "Bác Hồ đứng/ Người sau không bị khuất/ Ta đứng (thường quên)/ Che lấp bạn mình". Hay: "Bác Hồ đi dép lốp cao su/ Đâu chỉ vì giản dị/ Mà vì lẽ cao hơn/ Ta lười nghĩ chẳng tìm thêm/ Khi Trái đất này còn những trẻ em chưa có đủ giày đi/ Người không sao sống khác".
"Trước phút đi xa Bác Hồ căn dặn/ Không đáng sợ kẻ thù trước mặt/ Sợ nhất/ Kẻ thù ẩn náu trong ta".
Với ông Hải Như, học Bác là học những gì chân thật nhất, phải biết cảm, biết nghĩ trong mọi câu nói, hành động của Người.
Vì vậy, ông đã khẳng khái: "Đừng dệt nhé chuyện thần kỳ về Bác/ Chữ thần kỳ, Bác riêng tặng nhân dân".
Quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ
Nhà văn Bích Ngân chia sẻ Hải Như để lại dấu ấn ở nhiều thể loại. Ngoài tùy bút Xin ai chớ phụ hoa ngâu và tập kịch Vị thượng khách nhà tù Hương Cảng, ông còn có những trang tiểu luận về văn chương.
Ông từng nhấn mạnh vai trò của nhà thơ: "Theo tôi người làm thơ phải ý thức được quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ. Trước trang giấy nhà thơ không được quên đối tượng cần được thức tỉnh của mình bao gồm cả nhà cầm quyền".
Bài tiểu luận Tản mạn về hai dòng văn chương ông viết năm 2007 có nhắc đến bài thơ Ai? Tôi! của Chế Lan Viên mà ông cho rằng đã sòng phẳng với cuộc đời trước lúc đi xa. Bài thơ nhắc người cầm bút nghiêm khắc với mình, chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc.
Ông viết: "Trước lúc đi xa Chế Lan Viên đã ngộ ra thơ yêu nước hoàn toàn khác với thơ kích động chiến tranh".
Ông nêu ví dụ tác giả Việt Phương cho người đọc biết Bác Hồ "không cho gọi trận đánh chết nhiều người là trận đánh thắng đẹp...", chiến tranh không bao giờ là ngày hội. Và con đường ra mặt trận không nên thi vị hóa.
Bài Cần biết xấu hổ lên án tình trạng quan chức không biết xấu hổ khi sai trái với dân.
Ở nghĩ về chữ "Thép" trong thơ, Hải Như nêu câu nói rất đáng suy ngẫm của ông Ngô Thế Vinh: "Thơ văn phải có đủ sức sửa sang việc đời thì mới đáng lưu truyền".
Nhà thơ Hải Như tên thật là Vũ Như Hải, sinh năm 1923, tại Nam Định.
Trước 1945, ông làm thư ký Hội Truyền bá quốc ngữ, tham gia cướp chính quyền tại Nam Định.
Năm 1946 ông vào quân đội, làm thư ký tòa soạn báo Sông Lô.
Năm 1949 ông đi học lớp báo chí cách mạng đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng, về làm báo Vệ Quốc Quân, báo Cứu Quốc.
Sau ngày thống nhất, ông chuyển vào TP.HCM, làm phó tổng biên tập báo Giác Ngộ đến khi nghỉ hưu. Ông qua đời năm 2017.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận