26/10/2015 16:16 GMT+7

Nhà thờ Đức Bà - trăm năm mái cũ, tường xiêu

TRẦN NHẬT VY
TRẦN NHẬT VY

TTO - Ngó bề ngoài, sau 135 năm xây dựng nhà thờ Đức Bà vẫn mang dáng dấp uy nghi, vững vàng nhưng thực tế nhiều hạng mục của nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng.

Nhà thờ Đức Bà nhìn từ phía đường Lê Duẩn - Ảnh: Nguyễn Công Thành
Nhà thờ Đức Bà nhìn từ phía đường Lê Duẩn - Ảnh: Nguyễn Công Thành

Nói như lời nhận xét của tổng giám mục Bùi Văn Đọc thì “sau 135 năm chịu đựng nắng mưa, khói bụi và những chấn động của xe cộ lưu thông xung quanh, nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là “phần mái, tháp chuông, các đà chịu lực, các mái vòm phía cuối”.

Phong hóa thời gian

Tường nhà thờ là hạng mục mà chúng ta dễ nhìn thấy nhất. Tường nhà thờ gồm hai phần. Phần móng được xây dựng bằng đá tảng và phần tường xây bằng gạch nung già.

Theo các chuyên gia, phần móng khá vững chắc, dù có bị chấn động bởi xe cộ chạy quanh nhà thờ nhưng không ảnh hưởng lớn.

Riêng phần tường xây bằng gạch thì...

Hoàn toàn khác với những gì chúng ta nghĩ lâu nay, gạch xây nhà thờ không phải mang từ Pháp sang mà là gạch được sản xuất tại Sài Gòn.

Đây là loại gạch thẻ ngang 10cm, dài 20cm được nung già, đất chín đỏ sản xuất trong nước vào thế kỷ 19 khá bền chắc, màu sắc không thay đổi hoặc phai bởi thời gian, phong hóa, không bám bụi, rêu.

Chúng ta còn thấy được ở mặt ngoài tường nhà thờ được xây bằng loại gạch có thương hiệu Saigon, WT 1878 (Wang Tai). Các lớp kế tiếp xây bằng gạch thẻ thường không ghi thương hiệu.

Xin được mở ngoặc chỗ này nói một chút về Wang Tai. Wang Tai còn được gọi tên Việt Vương Đại hoặc Vương Thái là “đại gia số 1” người Hoa ở Sài Gòn từ giữa thế kỷ 19.

Ông có nhiều cơ sở buôn bán, sản xuất gạch ngói ở Sài Gòn và Chợ Lớn. Có người đoán rằng ông giàu có là nhờ buôn bán á phiện. Ông là chủ ngôi nhà gạch lớn xây dựng đầu tiên ở Sài Gòn vào giữa thế kỷ 19, mà hiện là trụ sở Hải quan thành phố Hồ Chí Minh.

Phần chân tường - C.M.C
Phần móng tường nhà thờ được xây dựng bằng đá tảng - Ảnh: C.M.C.

Tường nhà thờ dày 65cm lại được xây dựng bằng một kỹ thuật đặc biệt “một dọc - một ngang”, một kỹ thuật ít thấy trong các công trình xây dựng của Pháp ở Sài Gòn và khoảng cách giữa hai viên gạch rất nhỏ nên sức chịu lực rất tốt đến nay vẫn bền chắc.

Tường được thiết kế cách nhiệt, cách âm giúp không gian bên trong nhà thờ giảm tiếng ồn từ bên ngoài vọng vào.

Hiện mặt ngoài của gạch tường đã có nhiều điểm bị bong tróc do phong hóa, thời gian. Mặt khác, gạch tường còn bị những người thiếu ý thức viết, vẽ lên làm mất vẻ mỹ quan.

Mái nhà thờ hư hỏng nặng

Tuy nhiên, phần hư hỏng nặng nhất của nhà thờ chính là mái ngói.

Mái ngói chia làm ba vùng. Vùng mái ngói nhiều nhất bao trùm khu vực chánh điện của nhà thờ có diện tích 1.800m2 sử dụng ngói tây lớn loại 14 viên/m2, với 25.000 viên ngói. Ngói tây là loại ngói thường thấy sử dụng để lợp mái các công trình khác của Pháp ở Sài Gòn.

Đây loại ngói lớn, dài 30cm, ngang 20cm, dày và nặng. Một bên hông viên ngói có một gờ nhô lên để khớp với viên ngói kế tiếp.

Ưu điểm của loại ngói này là bền chắc (chúng tôi từng thấy một viên ngoại cùng loại rớt từ khoảng cách 4m xuống sàn ximăng chỉ bị sứt mẻ chớ không bể) và tiết diện lớn nên sử dụng ít đà bên dưới. Song điểm yếu của ngói là nặng nên mái nhà cần thiết kế thật vững chắc.

Mái nhà thờ hư hỏng nặng - Ảnh: T.N.V
Mái nhà thờ hư hỏng nặng - Ảnh: T.N.V.

Vùng mái trung gian diện tích khoảng 1.200m2, với 78.000 viên (loại 67 viên/m2), dùng ngói vảy cá. Loại ngói này nhiều nhà giàu của người Việt sử dụng lợp nhà với tên gọi quen thuộc là ngói móc, đầu viên ngói thẳng có gờ để móc vào thanh đà và phần cuối có hình bán nguyệt.

Để lợp ngói này, nóc nhà phải đóng nhiều đà ngang nhỏ gần nhau để móc ngói do ngói nhỏ và ngắn. Khi lợp, khoảng ½ viên ngói lộ ra phần hình tròn của ngói nằm xếp lớp lên nhau giống như vảy cá.

Vùng mái thấp lợp ngói âm dương, diện tích 300m2 với 13.000 cặp ngói (loại 44 cặp/m2). Ngói âm dương là ngói thông dụng của người Việt ở miền Nam dùng để cất nhà ngói. Ngói này thường đi một cặp một sấp, một ngửa.

Cách lợp ngói âm dương chủ yếu là hệ thống thanh đà nằm song song, người ta để hai viên ngói nằm ngửa rồi lấy một viên ngói úp lên khoảng trống giữa hai viên nằm ngửa. Mái nhà lợp ngói âm dương không được quá dốc, vì ngói này chủ yếu là gác lên mái nhà không có gì để giữ lại, nếu mái nhà dốc thì ngói sẽ bị tuột, rớt.

Ưu điểm của ngói âm dương là dễ lợp, dễ thay thế khi có hư hỏng và ít tốn kém phần cây đà bên dưới. Song khuyết điểm là dễ bị rớt, tuột khi nhà bị rung lắc hay mưa gió quá lớn. Về sau, để tránh ngói bị tuột người ta dùng ximăng trét dưới chân viên mái dương để giữ ngói không tuột, rớt.

Một điểm nhấn quan trọng nữa của nhà thờ là kính màu. Hệ thống nhiều ô kính màu của nhà thờ Đức Bà khá đặc biệt. Những ô kính này không chỉ làm nhiệm vụ mang ánh sáng cho nhà thờ mà còn mang những hình ảnh diễn tả các nhân vật, sự kiện trong Kinh thánh và nhiều hoạt tiết khác.

Xung quanh tường nhà thờ phía dưới có 37 cửa kính màu. Trong số này có 25 ô có tranh vẽ mô tả các nhân vật hoăc sự kiện trong Kinh thánh do các giáo dân tặng năm 1948 và 1951; 12 ô trang trí các họa tiết hoa văn tinh tế. Số kính này đã bị bể khá nhiều.

Ảnh chụp ngày 19-12-2004 - Ảnh: Nguyễn Công Thành
Ô cửa kính màu được chụp ngày 19-12-2004 - Ảnh: Nguyễn Công Thành

Phía tường tầng trên có 43 ô cửa kính màu nhưng hiện chỉ còn có 3 ô. Phía cửa chính và cửa phụ có 27 bông hồng tròn và 26 cửa sổ tròn bằng kính có những hoạt tiết hoa lá nhiều màu theo kiểu thức Roman và Gothique.

Đáng tiếc tất cả đều đã bị bể và được thay bằng các bông gió như đang thấy hiện nay.

Toàn bộ các ô cửa kính mô tả trên đây đều do Hãng Lorin của tỉnh Chartres, Pháp sản xuất.

Tháp chuông nhà thờ được kiến trúc sư Fernand Gardes thiết kế và xây dựng năm 1895. Phần cao nhất của tháp chuông cao 37m. Cùng với thánh giá trên nóc cao 3,5m, kể từ mặt đất, tháp chuông vươn lên bầu trời 60,5m. Tường của tháp chuông dày 1,4m, mái lợp tôn và bên trong là một bộ khung sắt.

Hiện nay mái tôn của tháp chuông nhiều chỗ bị bong tróc phải buộc lại bằng dây kẽm, có nơi rớt tôn xuống đường khi mưa gió khiến nước mưa thấm vào bên trong làm ảnh hưởng đến khung sắt và cầu thang bằng gỗ đi lên tháp. Nhiều điểm khung sắt của tháp đã bị rỉ sét, lủng.

Với những hư hỏng như thế, nhà thờ Đức Bà sẽ được trùng tu như thế nào? Mời bạn đọc bài cuối: Thách thức trước cuộc đại tu nhà thờ Đức Bà.

Các bài trước:



TRẦN NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên