Nhà thiết kế người Ý Maria Elena đang lấy số đo để may áo dài cho nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến - Ảnh: T.ĐIỂU
Đây là dự án Di sản áo dài - Văn hóa của tình thương do Golden Heritage Group và Đại sứ quán Ý tại Hà Nội, Đại sứ quán Việt Nam tại Rome (Ý) và Phòng thương mại Ý tại Việt Nam thực hiện, đã có buổi ra mắt tối 8-9 tại Hà Nội.
Dự án với tham vọng đưa di sản áo dài Việt Nam vào đời sống thời trang quốc tế và đưa tinh hoa công nghệ quốc tế của Ý vào tà áo dài truyền thống Việt Nam để nâng tầm giá trị của tà áo dài Việt.
60 mẫu thiết kế áo dài "mới mẻ và có sức sống hơn" của hai nhà tạo mẫu dự kiến sẽ được trình diễn ở Rome và các thành phố di sản nổi tiếng khác trên thế giới.
Nhà thiết kế người Ý Maria Elena và nhà thiết kế Quang Hòa với những người mẫu trình diễn các mẫu thiết kế của hai người trong tối 8-9 - Ảnh: T.ĐIỂU
Là tác giả của ý tưởng này, ông Hà Huy Thanh (Golden Heritage Group) cho biết lý do ông làm dự án này là bởi quan sát trong thời gian học tập và làm việc ở châu Âu cho thấy bất cứ người nước ngoài nào khi nhìn thấy áo dài đều thích thú.
"Với chiếc áo dài chúng ta có thể nói chuyện được với thế giới về rất nhiều thứ của Việt Nam. Và để áo dài đi xa hơn thì phải kết hợp được truyền thống Việt Nam và tinh hoa công nghệ của thế giới", ông Hà Huy Thanh giải thích về việc kết hợp nhà thiết kế trong nước và nhà thiết kế Ý để mang áo dài Việt Nam ra thị trường các nước phương Tây.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhà thiết kế Quang Hòa (đến từ Huế) cho biết trong 60 mẫu thiết kế này, anh sẽ đóng góp 15 mẫu ở ba dòng áo dài lễ, áo dài đời thường và áo dài cách tân. Các áo dài mà nhà thiết kế Quang Hòa đưa ra đều là áo dài ngũ thân truyền thống của Việt Nam nhưng vẫn trẻ trung nhờ các họa tiết hiện đại.
Nhà thiết kế Maria Elena sẽ có 45 mẫu thiết kế tương ứng, như một cuộc đối thoại thú vị giữa hai nhà tạo mẫu xung quanh chiếc áo dài Việt.
Người mẫu trình diễn áo dài của nhà thiết kế Quang Hòa tối 8-9 - Ảnh: T.ĐIỂU
Bà Maria Elena chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng phụ nữ Ý chưa biết tới áo dài Việt Nam nhưng khi nhìn thấy áo dài Việt bà đã rất hào hứng.
"Đó là một trang phục rất nữ tính, thanh lịch nhưng đồng thời rất khó tính khi buộc người mặc phải tuân theo những quy tắc ngầm, những chuẩn mực văn hóa nhất định", bà Elena giải thích lý do chiếc áo dài khiến bà cảm thấy rất thú vị.
Thiết kế cách tân chiếc áo dài Việt trong dự án này, bà dự định sẽ "nới lỏng" các số đo của áo dài để nó dễ chịu hơn. Đồng thời bà sẽ sử dụng chất liệu mới của Ý để mang đến sự thoải mái nhất định cho người mặc áo dài, tạo nên sự trẻ trung, hiện đại, tiện lợi hơn cho áo dài.
Bà cho biết mình tin tưởng vào tiềm năng rất lớn của dự án cách tân áo dài này ở thị trường châu Âu vì phụ nữ châu Âu rất thích cái mới. Hiện bà đã có mạng lưới khách hàng hứng thú với sản phẩm này rồi nên bà rất tin vào tiềm năng trong tương lai.
"Tôi ở đây để học hỏi truyền thống Việt Nam và mang cái hiện đại của châu Âu vào chiếc áo dài Việt, khiến nó trở thành một lựa chọn trang phục phổ biến của mọi người", bà Elena nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận