21/01/2011 06:05 GMT+7

Nhà thiết kế Minh Hạnh: Tôi - người tự bóc vỏ mình

HÀ THANH ghi
HÀ THANH ghi

TT - Từ một cô gái nhỏ được cha mẹ chăm lo như tiểu thư, mỗi bước ra đường đều có xe hơi đưa đón, chớp mắt tôi đã trở thành đứa học trò nghèo vừa học vừa đi may gia công…

zGS5kwj7.jpgPhóng to
Nhà thiết kế Minh Hạnh - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi sinh ra ở Pleiku trong một gia đình gốc Huế. Ngày nhỏ, tôi cứ mải miết đi theo những dải màu óng ả trên váy áo của thiếu nữ người dân tộc thiểu số miền phố núi...

Những dải màu óng ả

Tay tôi thường khẽ chạm vào chúng rồi nắm lấy những sắc màu rực rỡ đó như vô thức. Đêm về, những dải màu còn len lỏi vào giấc mơ tuổi thơ. Điều này khiến mẹ tôi lo lắng. Bà sợ họ sẽ dẫn tôi đi mất hoặc “thư” tôi (một cách bỏ bùa, thuốc độc để hại người). Tôi vẫn làm điều mình thích mà không hề biết được sự lo lắng trong mẹ như thế nào.

Sau đó, gia đình tôi chuyển đến Đà Nẵng rồi Sài Gòn. Ngày đi, hành trang duy nhất tôi mang theo là chiếc máy may. Không hẳn đó là món đồ đắt tiền nhất mà bởi đó là thứ tôi yêu thích nhất. Với nó, tôi đã nhiều lần cả gan lén cắt gấu áo dài của mẹ để may áo váy cho búp bê. Với nó, tôi từng tự may cho mình bộ quần áo đầu tiên năm 10 tuổi. Và cũng với nó, tôi đã tự may chiếc áo dài đi học đầu tiên năm vào lớp 6, 12 tuổi …

Từng lớp vỏ

Những ngày đầu ở Sài Gòn, cả nhà tôi bắt đầu làm quen với giai đoạn mới: tuột dốc kinh tế. Ngoài buổi đến trường, tôi cặm cụi may đồ xuất khẩu trong hợp tác xã với tiêu chuẩn 1cm là đúng bốn mũi kim. Những mảnh vải được cắt ra, may lại trở thành chén cơm manh áo, không còn là trò chơi của chị em tôi.

Cuộc sống ở nơi chốn mới có nhiều điều khác biệt. Hễ đến chủ nhật là tôi cùng mọi người đi tàu lên Trảng Bom chăm sóc vườn khoai mì. Thay cho những bộ quần áo bằng lụa mềm mượt, óng ả và mát lạnh, tôi chỉ có vài chiếc áo và một chiếc quần vải. Giai đoạn dậy thì của tôi rơi đúng khoảng thời gian giao thời đó. Ngày nào, tôi cũng đạp xe cà tàng đi học từ quận 4 đến Bà Chiểu - Gia Định. Đều đều mấy lần tôi xuống xe, đỡ dây sên vào đúng khớp quay của nó.

Thỉnh thoảng, nhớ những ngày mỗi bước chân ra đường đều có xe hơi riêng đưa đón, tôi hơi tủi thân. Nhưng nỗi buồn con gái mới lớn không ở lại lâu. Khi đũng quần bị mòn, tôi đắp vào đó hai miếng vải rồi quay ngược quần ra phía trước. Đũng quần tiếp tục mòn, tôi đắp thêm hai miếng vải mới. Tôi xem đó là cách thích nghi trong hoàn cảnh thiếu thốn…

Sau khi tốt nghiệp mỹ thuật Gia Định, tôi xin về Duyên Hải làm thông tin cổ động, sau đó vào làm họa sĩ trình bày ở báo Tuổi Trẻ, báo Công Nhân Giải Phóng (nay là báo Người Lao Động). Không bước ra từ trường dạy thiết kế báo, tôi vừa làm vừa rút tỉa kinh nghiệm qua những cuộc tranh luận nảy lửa với các đồng nghiệp là thế hệ đàn anh đã dìu dắt tôi trên con đường làm báo.

Khi chuyển sang báo Phụ Nữ TP.HCM, dì Phương Điền - tổng biên tập lúc bấy giờ - gợi ý tôi làm trang báo thời trang. Vải là vải bao cấp, người mẫu là nhân viên báo. Tôi cắt may, làm bản vẽ kỹ thuật và chụp hình đưa lên báo. Đó là trang báo thời trang đầu tiên của Việt Nam.

Năm 1990, tôi nhận được học bổng của khóa thiết kế đồ lót tại Indonesia. Năm 1992, Công ty Legamex mời tôi về làm giám đốc, triển khai Trung tâm thời trang Việt Nam đầu tiên là Legafashion. Năm 1994, Viện Mẫu thời trang VN ra đời. Lãnh đạo ngành dệt may mời tôi về làm việc tại đây.

Ví mình như một con tằm nhả tơ một kiếp hay một cây măng có nhiều lớp vỏ, tôi tự lập cho mình thời khóa biểu sát sao từ 8 giờ sáng đến 1, 2 giờ sáng hôm sau. Tôi tìm hiểu các sự kiện gắn liền với đời sống như thời sự, nhu cầu vui chơi, thể loại âm nhạc của đối tượng mà mình nhắm tới và tiếp cận một số kiến thức khác về các loại máy móc thiết bị, cả quy trình công nghệ liên quan việc thiết kế, ánh sáng, nhiếp ảnh… Những thông tin đó sẽ giúp tôi sản sinh những “lớp vỏ” sau đa sắc hơn những “lớp vỏ” trước.

Lúc nhỏ tôi nghĩ mình bị “đì”. Ít ai biết rằng sau khi bước từ xe hơi vào nhà, các chị em tôi phải tự nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, thậm chí cho heo ăn và…tắm heo dưới sự “chỉ đạo” của mẹ tôi và bốn người giúp việc.

Nhưng dường như nhờ vậy mà chị em tôi không cảm thấy hụt hẫng hay hoang mang khi kinh tế gia đình sa sút. Sau này gặp khó khăn lớn hơn, tôi nhận ra mình có khả năng đề kháng mạnh mẽ để đứng vững và đi tiếp.

HÀ THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên