29/03/2023 10:14 GMT+7

Nhà thầu xây dựng 'đứng hình'

Thị trường bất động sản tụt dốc, các dự án ngưng trệ dắt dây các doanh nghiệp (DN) trong ngành vật liệu xây dựng, nhà thầu chính nhà thầu xây dựng phụ cũng chới với.

Nhà thầu xây dựng đứng hình - Ảnh 1.

Nhiều nhà thầu, doanh nghiệp vật liệu xây dựng gặp khó khăn khi thị trường bất động sản giảm tốc - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Doanh thu giảm mạnh, số dự án ít ỏi khiến các DN buộc phải "xoay trục" tìm kiếm đầu ra từ các phân khúc khác, hướng vào các công trình bất động sản công nghiệp, hạ tầng, đầu tư công... Thậm chí, có DN buộc phải bán tài sản, cấn trừ thiết bị máy móc để trả nợ nhà thầu phụ.

Thầu chính, thầu phụ đều gặp khó

Trái với không khí sôi động trước đây, tại nhiều công trình xây dựng nhà ở cao tầng tại TP.HCM đã không còn cảnh thâu đêm suốt sáng thi công rầm rộ. 

Tại một dự án nhà ở cao tầng kế bên sông Sài Gòn, dù dự án chưa cất nóc nhưng từ nhiều tháng qua đã giảm tốc thi công. Đến nay, chỉ còn èo uột vài công nhân đi lại bên trong các tòa tháp trong khi phần nóc tòa nhà không còn bóng dáng công nhân, các cột thép hoen gỉ, thiết bị thi công chất ngổn ngang.

Cách đó vài cây số, một khu nhà thấp tầng của một chủ đầu tư bất động sản cũng chưa tiếp tục hoàn thiện, lượng công nhân cũng lác đác. Còn tại một dự án căn hộ ở quận 7, do chủ đầu tư chưa thể xây dựng các hạng mục tiếp theo nên nhà thầu cũng "đứng hình" ở phần nắp hầm công trình.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 28-3, ông Lê Viết Hải - chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) - cho biết chưa bao giờ các nhà thầu và DN vật liệu xây dựng khó khăn như hiện nay. Theo ông Hải, các chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn về dòng tiền, chậm thanh toán, giảm công trình khiến các nhà thầu cũng chịu hệ lụy.

Riêng với Tập đoàn Hòa Bình, ông Hải cho biết do những năm qua đã thi công nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển cho các chủ đầu tư bất động sản lớn nên giờ cũng gặp khó theo các DN này. 

Theo ông Hải, hiện nay cả nhà thầu chính lẫn nhà thầu phụ đều phải huy động mọi nguồn lực có thể để cầm cự, từ bán nhà, bán xe, thậm chí phải cầm cố, thế chấp nhà, xe bên ngoài xã hội để có dòng tiền. Ông Hải cho biết vấn đề lớn nhất là nợ dắt dây từ các chủ đầu tư đến các tổng thầu, kéo theo các nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật liệu cũng điêu đứng.

Theo ông Hải, các DN xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng phải đứng trước bờ vực phá sản, hàng vạn người lao động đã bị mất việc làm và hàng trăm ngàn lao động trong ngành cũng đang đứng trước nguy cơ mất việc.

Nhà thầu xây dựng đứng hình - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đối diện với nhiều khó khăn khi nhiều công trình bất động sản ngừng thi công - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vật liệu xây dựng bị "vạ lây"

Thị trường bất động sản hãm phanh khiến các DN trong ngành vật liệu xây dựng, sản phẩm phụ trợ cũng eo hẹp đầu ra. 

Ông Lê Mai Hữu Lâm - giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi - cho biết DN này chuyên cung ứng các thiết bị điện cho các công trình, hiện chịu ảnh hưởng nặng nề khi doanh thu đã giảm đến 50% bởi số lượng công trình đang thi công rất ít ỏi, kéo theo nhu cầu các thiết bị cũng chạm đáy.

 Theo ông Lâm, năm nay DN này không còn đặt hy vọng vào doanh số từ các khu dân cư, các căn hộ nghỉ dưỡng, căn nhà thứ hai... bởi các công trình này không phát triển.

Còn ông Phạm Lê Minh - tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Điện Quang Thông Minh (DQSmart) - cho biết DN này cũng bị ảnh hưởng chung từ thị trường bất động sản bởi DN này chuyên cung cấp các giải pháp, vật tư cho các công trình. 

Do đó, khi các công trình ngừng hoạt động thì nguồn cung ứng cũng ảnh hưởng, chậm, thậm chí đứt gãy, tác động đến tình hình kinh doanh của công ty. Ngoài ra, ông Minh cho hay việc các chủ đầu tư không thực hiện chi trả hay công trình kéo dài thời gian thi công cũng ảnh hưởng đến việc thu hồi công nợ, gây trở ngại trong việc xoay xở nguồn vốn, tìm đầu ra cho các sản phẩm và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận cũng như nguồn nhân lực của DN.

Tương tự, giám đốc một DN chuyên cung cấp sơn nội ngoại thất cho biết sản lượng hàng xuất kho của DN đã sụt giảm nghiêm trọng thời gian qua, ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của DN.

Trong khi đó, ông Đinh Hồng Kỳ - chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin kiêm phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM - nhìn nhận DN này đã sụt giảm đến 70% sản lượng xuất khẩu so với cao điểm mọi năm và đây cũng là bức tranh chung của các DN sản xuất, xuất khẩu vật liệu xây dựng. 

Còn với thị trường nội địa cũng chẳng tươi sáng hơn khi đến nay sản lượng nội địa của DN đã sụt giảm 60% do khách hàng chính là các dự án bất động sản.

Theo ông Kỳ, thống kê của SACA cho thấy có đến 40% DN trong ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất hoạt động "thoi thóp", trong trạng thái tê liệt, ngừng hoạt động và "thở oxy". 

Nếu thị trường không khả quan hơn thì số lượng DN rời khỏi thị trường, phá sản sẽ lên đến 50%. Hiện tại, nhiều DN đã buộc phải sa thải người lao động và hoạt động cầm chừng bằng cách cho người lao động sản xuất 2 - 3 ngày mỗi tuần. 

"Các DN trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng tập trung vào các dự án bất động sản thì hiện nay "đứng hình" một cách đột ngột. Dù đã lường trước thị trường có khó khăn nhưng sụt giảm doanh thu của các DN hiện nay là quá lớn", ông Kỳ nói.

Còn đối với ngành xi măng, chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung cho biết các DN sản xuất xi măng cũng hết sức khó khăn khi tiêu thụ nội địa vốn đã thấp thì nay lại gặp thêm cú sốc bất động sản "đóng băng".

 Theo ông Cung, sản lượng tiêu thụ của các DN xi măng đã giảm hơn 30% so với năm ngoái trong khi các năm qua sản lượng tiêu thụ đều giảm mạnh. Theo ông Cung, phần lớn xi măng được bán cho các công trình nhà cao tầng, nhà ở và các khu đô thị, do đó khi các công trình này giảm thì xi măng lập tức chịu hệ lụy. 

Trong khi đó, sản lượng từ các công trình đầu tư công không thể bù đắp được sản lượng thiếu hụt do tiêu thụ ở mảng này tương đối thấp.

Nhà thầu xây dựng đứng hình - Ảnh 4.

"Xoay trục" để tồn tại

May mắn còn có khoảng 20 công trình đang xây dựng khắp cả nước, đại diện một nhà thầu lớn ở TP.HCM cho biết hiện DN này vẫn nỗ lực hoàn thành các công trình và tìm kiếm các dự án mới. 

Theo vị này, DN đã phải chuyển hướng để tìm kiếm các dự án mới trong lĩnh vực nhà xưởng công nghiệp, hạ tầng giao thông để có thể duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Ông Đinh Hồng Kỳ cho biết hiện một số DN trong ngành vật liệu xây dựng vẫn có thể hoạt động ổn định bởi thị trường chính của các DN này là các nhà dân và hướng vào các dự án đầu tư công. 

Theo ông Kỳ, dù các DN này có sụt giảm doanh thu 30 - 35% vẫn là những DN hoạt động tốt trong bối cảnh hiện nay, còn hướng vào đầu tư công dù chậm hơn về dòng tiền nhưng dù sao vẫn có dự án, có đơn hàng.

Do đó, ông Kỳ cho biết hiện DN này phải tạm thời thực hiện chiến lược "xoay trục" để bù đắp doanh thu thông qua việc tập trung vào bán lẻ, bán cho xây dựng dân dụng và các dự án đầu tư công như cao tốc, sân bay.

Còn ông Lê Mai Hữu Lâm cho rằng trong tình cảnh khó khăn hiện nay, các DN cung ứng vật tư buộc phải tìm đến các khách hàng tiềm năng và có sẵn dòng tiền như xây dựng nhà xưởng, công trình của các DN FDI, các công trình đầu tư công. Theo ông Lâm, DN này đã trúng thầu cung ứng cho một DN FDI lớn, hiện đang tập trung cho các dự án mới như nhà ga T3, sân bay Long Thành và xuất khẩu đến các thị trường mới.

Trong khi đó, ông Lê Viết Hải cho rằng trong bối cảnh các nhà thầu không đủ việc như hiện nay thì không ít nhà thầu buộc phải nhận thầu với tiêu chí "giá nào cũng làm", dẫn đến lợi nhuận rất mỏng và rủi ro cao. Tuy vậy, để tồn tại trong giai đoạn hiện nay, ông Hải cho biết DN buộc phải chuyển hướng sang xây dựng các dự án nhà ở xã hội, các dự án bất động sản công nghiệp, các dự án hạ tầng để có công ăn việc làm cho người lao động.

Kiến nghị sớm gỡ vướng pháp lý

Trước những khó khăn, SACA vừa có kiến nghị Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước có các chính sách hỗ trợ. Trong đó, SACA kiến nghị cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng, áp dụng đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, SACA kiến nghị về việc nhanh chóng có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản.

Mặt khác, SACA cũng kiến nghị cần xây dựng cổng thông tin điện tử ngành bất động sản để minh bạch thông tin, giúp nhà đầu tư và người dân có được đầy đủ thông tin trước khi đưa ra quyết định đầu tư hay mua bán.

Cấn nợ dây chuyền

Hiện là chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, ông Lê Viết Hải thừa nhận các chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số địa phương nợ tiền đối với nhà thầu đã phải đưa ra giải pháp là thanh toán bằng các sản phẩm bất động sản.

Nhưng theo ông Hải, giải pháp này cũng gặp khó khi pháp lý của dự án còn rắc rối, chủ đầu tư đã thế chấp dự án trong ngân hàng, phía nhà thầu cũng thiệt thòi hơn về giá. Tuy vậy, do nợ các nhà thầu phụ nên phía tập đoàn này đưa ra giải pháp là các nhà thầu phụ nhận luôn các sản phẩm bất động sản từ các chủ đầu tư để cấn trừ khoản nợ của tổng thầu.

Ông Hải cho hay hiện đã có các nhà thầu phụ đồng ý với phương án này. Bên cạnh đó, DN này cũng phải bán tài sản, bán các dự án mà DN làm chủ đầu tư và cấn trừ các vật tư, thiết bị, giàn giáo xây dựng tồn kho cho các nhà thầu có nhu cầu nhận tài sản trong thời điểm hiện nay.

Nhà thầu xây dựng đứng hình - Ảnh 7.

Thị trường bất động sản giảm tốc khiến nhiều nhà thầu, doanh nghiệp vật liệu xây dựng cũng gặp khó khăn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Đàm Đức Biên (cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng):

Sẽ nghiên cứu, đề xuất mở rộng phạm vi nghị định về hợp đồng xây dựng

Theo pháp luật về hợp đồng xây dựng, Bộ Xây dựng chỉ đang hướng dẫn các hợp đồng dự án vốn nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài đầu tư công, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư, người quyết định đầu tư trong bảo đảm vốn cho công trình, dự án. Các vấn đề này được quy định trong nghị định 37 năm 2015 về hợp đồng xây dựng.

Đa số các nhà thầu xây dựng hiện nay chỉ vướng khi làm dự án vốn ngoài nhà nước, vốn khác. Để gỡ vướng cho các nhà thầu, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, tiếp thu xem có thể nghiên cứu, đưa ra một cơ chế, đề xuất Chính phủ cho mở rộng phạm vi hướng dẫn của nghị định về hợp đồng xây dựng.

Bên cạnh đó, từ góc độ quản lý nhà nước ngành xây dựng, bộ thấy rằng cần thiết phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là nhà thầu xây dựng vì các nhà thầu xây dựng đang rất khó khăn, lãi suất ngân hàng vẫn quá cao, nhà thầu phải đi vay vốn làm công trình nên nếu chủ đầu tư chậm 1 - 2 năm thì nhà thầu hết sạch lãi. Trong khi nhà thầu khi trúng thầu công trình chỉ đưa ra lãi dự toán 5 - 6% là quá thấp.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp (chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam - VACC):

Có sơ hở từ luật

Do thiếu quy định về bảo lãnh thanh toán cho nhà thầu trong hợp đồng mà thời gian qua các chủ đầu tư dự án khó khăn đã trả cho nhà thầu xây dựng bằng nhà, bằng đất, bằng sản phẩm thay vì thanh toán bằng tiền nhưng các nhà thầu cũng không làm gì được họ. Đây là vấn đề VACC đang tập trung kiến nghị Chính phủ để sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu xây dựng trên cả nước.

Đến nay hầu hết các công ty xây dựng, nhà thầu xây dựng là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, nếu ký hợp đồng xây dựng với cơ quan quản lý nhà nước thì không lo, còn ký với các chủ đầu tư tư nhân thì phát sinh vướng mắc. Vì vậy, VACC kiến nghị bổ sung quy định bảo lãnh thanh toán hợp đồng xây dựng nhằm bảo đảm công bằng cho các nhà thầu.

Việc quy định bảo lãnh thanh toán cho nhà thầu xây dựng sẽ bảo đảm rằng chủ đầu tư có vốn mới được khởi công, triển khai xây dựng công trình, chứ như hiện nay chủ đầu tư tư nhân có vốn hay không có vốn khi làm dự án cũng không ai biết.

Dù Luật đầu tư quy định nhà đầu tư, chủ dự án phải có sẵn 20% vốn mới được thực hiện dự án nhưng sơ hở của luật là một chủ đầu tư cùng lúc làm 10 - 15 dự án mà không ai kiểm soát. Nên có tình trạng chủ đầu tư mỏng vốn, làm một dự án thì đủ năng lực nhưng làm 10 - 15 dự án cùng lúc thì không đủ tiền trang trải, dẫn đến nợ đọng xây dựng.

Thời gian gần đây khi Nhà nước đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thì các nhà thầu thực hiện dự án đầu tư công có thêm công việc, thêm vốn để xoay xở, bám trụ lại, nhưng nguồn vốn ngoài nhà nước lại teo tóp đi nên một số nhà thầu chuyên về xây dựng dân dụng, chủ yếu thi công dự án ngoài ngân sách bị thiếu công việc, họ phải đấu thầu và trúng thầu bằng mọi giá để có việc làm.

Trúng thầu bằng mọi giá thì đơn giá thấp nhưng không được thanh toán khối lượng nên một số nhà thầu đối mặt với nguy cơ phá sản.

BẢO NGỌC - NGỌC HIỂN

Các nhà thầu xây dựng lo phá sản, muốn được giãn nợCác nhà thầu xây dựng lo phá sản, muốn được giãn nợ

Hầu hết các nhà thầu xây dựng đều bị chủ đầu tư nợ, dắt dây các doanh nghiệp này nợ ngân hàng, nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên