04/03/2015 16:28 GMT+7

Nhà thầu bơm bùn không nhận trách nhiệm làm lúa chết

KHOA NAM
KHOA NAM

TTO - Sáng 4-3, Sở NN&PTNT Kiên Giang tổ chức đoàn liên ngành đi kiểm tra thực địa để xác định nguyên nhân gần 200 ha lúa ở ấp Lình Huỳnh, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) bị chết rụi.

Đo độ mặn trên một con kênh dẫn nước vào cánh đồng lúa đã chuyển màu xám xịt do lúa bị cháy lá, lép hạt - Ảnh: K.Nam
Đo độ mặn trên một con kênh dẫn nước vào cánh đồng lúa đã chuyển màu xám xịt do lúa bị cháy lá, lép hạt - Ảnh: K.Nam

Ông Giang Thành - chủ tịch UBND xã Lình Huỳnh - cho biết bước đầu xác định trên 180 ha lúa đông xuân của hơn 100 hộ dân bị thiệt hại từ 80 - 100%. Diện tích bị thiệt hại chiếm hơn 1/3 tổng diện tích lúa của cả xã.

Nếu chỉ tính chi phí sản xuất 30 triệu đồng/ha, thì thiệt hại vật chất đã lên tới 5,4 tỉ đồng, còn nếu tính theo giá lúa mức thiệt hại còn lớn hơn nữa.

“70% số hộ dân có lúa bị thiệt hại là đồng bào dân tộc Khmer nghèo. Hầu hết bà con phải mua thiếu phân bón, vật tư nông nghiệp, đến mùa thu hoạch mới có tiền trả cho đại lý. Bây giờ thiệt hại như vầy không biết bà con xoay sở kiểu gì”
Ông Giang Thành - chủ tịch UBND xã Lình Huỳnh

Lúa nhiễm mặn từ kênh Tiêu

Ông Trần Chí Khai - hạt phó Hạt quản lý đê thuộc Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT Kiên Giang - cho biết kết quả đo độ mặn trên bề mặt kênh 200 - dòng kênh cung cấp nước chủ yếu cho cánh đồng bị thiệt hại - là 2 phần ngàn. Nước mặn thường lắng xuống bên dưới nên khi bà con đặt máy bơm lấy nước vào ruộng chắc chắn độ mặn sẽ cao hơn nhiều.

Căn cứ vào kết quả đo đạc của Chi cục Thủy lợi, ông Đào Xuân Nha - trưởng Phòng nông nghiệp huyện Hòn Đất - khẳng định nguyên nhân khiến trên 180 ha lúa đông xuân đang kỳ trổ bông bị cháy lá, lép hạt thiệt hại gần hết là do nhiễm mặn.

Cả chính quyền, người dân địa phương và đại diện Chi cục Thủy lợi đều xác định nguồn nước mặn xuất phát từ kênh Tiêu, đây là con kênh tiếp nhận gần 15.000m3 bùn và hơn 30.000m3 nước biển từ dự án nạo vét luồng vào khu tránh trú bão cảng cá Lình Huỳnh.

Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 30 tỉ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, Ban quản lý các dự án công trình xây dựng nông nghiệp - thủy sản thuộc Sở NN&PTNT Kiên Giang làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công là Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng.

Tổng công ty 319 phủ nhận trách nhiệm

Tại buổi làm việc sau khi kiểm tra thực địa, đại diện Tổng công ty 319 phủ nhận việc xả bùn và nước biển gây ảnh hưởng tới ruộng lúa.

Theo vị này, đơn vị thi công đã tiến hành làm bờ bao khép kín, đồng thời đặt ống thoát nước mặn ra biển trở lại nên không thể có chuyện nước mặn tràn vào kênh 200. Cánh đồng bị nhiễm mặn có thể do thời tiết hoặc do nước mặn rò rỉ qua cống Tà Lức hoặc từ nguồn khác.

Không đồng ý với lập luận của đại diện nhà thầu, ông Đào Xuân Nha cho hay cánh đồng bị thiệt hại đã được trồng lúa 2 vụ từ nhiều năm nay. Nguyên nhân nước mặn rò rỉ qua cửa cống Tà Lức cũng không thuyết phục, vì hàng chục năm nay cống vẫn đóng suốt vụ đông xuân, nước biển có rò rỉ cũng không đủ để làm chết lúa.

Bí thế, đại diện nhà thầu tiếp tục đổ lỗi nước mặn xâm nhập vào đồng lúa do người dân tự xẻ 5 con mương nhỏ để tranh thủ… lấy bùn. Đồng thời cho rằng việc bơm bùn đã dừng thi công cách đây gần 2 tháng, không thể ảnh hưởng tới vụ lúa đông xuân.

Do nhà thầu cương quyết không nhận trách nhiệm nên UBND xã Lình Huỳnh đã lập biên bản ghi ý kiến của đại diện các bên liên quan, chuyển về Sở NN&PTNT để tiếp tục xử lý.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở NN&PTNT - cho biết quan điểm của sở, nếu lúa chết do nguyên nhân con người thì ai sai người đó phải chịu trách nhiệm, chừng nào thiệt hại do thiên tai Nhà nước mới xem xét hỗ trợ.

Cán bộ Chi cục thuỷ lợi chỉ ra một điểm bùn biển từ dự án tràn vào đất ruộng của dân - Ảnh: K.Nam
Cán bộ Chi cục thủy lợi chỉ ra một điểm bùn biển từ dự án tràn vào đất ruộng của dân - Ảnh: K.Nam
KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên