TTCT - “Hãy cứu lấy nhà tắm truyền thống”. Đó là khẩu hiệu nhằm cảnh tỉnh về sự lụi tàn của các nhà tắm cộng đồng, vốn được xem là một bộ phận của di sản văn hóa và là một yếu tố thêu dệt nên bức tranh xã hội thị dân Ả Rập huyền bí từ xa xưa. Phóng to Kiến trúc cổ của một nhà tắm Ả Rập - Ảnh: ardolgin.com Đây là đợt hoạt động bao gồm một loạt các loại hình, khởi đầu bằng cuộc tiếp xúc chính thức của các đại diện và những người bảo trợ, diễn ra tại nhà tắm cộng đồng al-Qarmani (người Ả Rập gọi là Dimashqi) ở trung tâm thủ đô Damas của Syria. Bên cạnh đó còn có nhiều triển lãm liên quan đến di sản văn hóa này kéo dài đến ngày 17-4. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, thủ đô Damas từng có đến 60 nhà tắm cộng đồng, trong đó một số được xây theo kiểu kiến trúc Dimashq rất đặc trưng. Vậy mà hiện chỉ còn 16 cơ sở, trong đó một số đã bị thay đổi chức năng hoặc đang sửa chữa, phục hồi. Không ít số nhà tắm cộng đồng cổ bị phá bỏ vì nằm ở vị trí đắc địa trong thành phố, phải nhường đất cho các nhà đầu tư thu lợi nhuận cao hơn. “Chỉ khi bước đến thềm nhà tắm, người đàn bà mới được phơi bày bản thân một cách đầy bất ngờ trong cái thế giới kín đáo này. Nó vừa ẩm ướt, vừa ấm áp lại vừa tĩnh lặng. Mọi góc khuất của cơ thể đều được lộ thiên, không chừa ngay cả một khiếm khuyết nào. Tinh khôi, kiều diễm, buông thả và nũng nịu. Tóc xõa chảy dài theo dòng nước miên man. Để rồi khi bước ra khỏi cái thế giới riêng biệt ấy, khuôn mặt và đôi má của nàng trở nên ửng hồng phơi bày trước những ánh mắt dõi theo” Hiện tượng này chính là nguyên nhân thúc đẩy sự ra đời của “Chương trình nhà tắm cộng đồng” được Liên minh châu Âu và Viện Văn hóa Cận Đông của Pháp cung cấp tài chính và bảo trợ, nhằm khôi phục di sản văn hóa Ả Rập độc đáo này. Chương trình không chỉ hoạt động tại Syria mà còn diễn ra tại một số quốc gia Ả Rập và Hồi giáo khác trong khu vực, giúp làm sống lại nhiều nhà tắm cộng đồng như Sinkoul ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), Amouna ở Damas, Tanbali ở Cairo (Ai Cập), Souq al-Gazal và Samrah ở Gaza (Palestine), Safareen ở Fas (Morocco)... Kiến trúc đặc trưng của nhà tắm cộng đồng truyền thống không chỉ đảm bảo sự hài hòa mà mỗi bộ phận đều có chức năng riêng. Chẳng hạn các mái vòm không chỉ đảm bảo tính cân đối của kiến trúc, mà còn có tính năng cách nhiệt chống nóng và giữ nhiệt vào mùa lạnh. Các cửa sổ quanh mái vòm đảm bảo chiếu sáng tự nhiên khi loài người còn chưa biết đến điện năng. Triển lãm cũng trưng bày một số thiết bị thượng hạng cho nhà tắm của các cung điện và dinh thự cổ. Có cả những loại xà phòng được dùng từ xa xưa cho đến tận bây giờ. Người ta thấy các loại khăn bông, đá kỳ, cả loại sữa chải tóc và cho vào nước để tắm vốn được sử dụng ở các nhà tắm cộng đồng truyền thống dành riêng cho phái yếu. Cả những bộ đồ uống trà đặc trưng Ả Rập mà khách đến tắm thường tụ tập thưởng thức khi chờ đợi hoặc quây quần hàn huyên khi đã sạch sẽ tinh tươm. Triển lãm mang tên “Nhà tắm cộng đồng - nơi kín đáo và thư giãn bị lãng quên” thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và giới chuyên môn. Họ coi việc đến với nhà tắm cộng đồng là một cơ hội để vừa được tẩy rửa thân thể, vừa hòa đồng xã hội và trao đổi với hàng xóm láng giềng. Trong xã hội thị dân Ả Rập xa xưa, nhà tắm cộng đồng là một yếu tố không thể thiếu. Có rất nhiều câu tục ngữ, châm ngôn nói tới cái thế giới bí ẩn của nhà tắm cộng đồng trong xã hội Ả Rập vốn không cởi mở và phụ nữ có nghĩa vụ phải che kín toàn thân, xa lánh mọi tiếp cận với người khác giới ngoài chồng và con mình. Người ta vẫn thường kháo nhau rằng: “Cái mà chồng chê thì chỉ có nhà tắm mới biết”, “Họ đố nhau tóc em dài hay ngắn thì chỉ sàn nhà tắm mới tường”... Triển lãm còn có bình phẩm của nữ văn sĩ Khadeeja Adel (Algeria) về tiểu thuyết Nhà tắm đàn bà của nữ tác giả đồng hương Layla Sabba’r, với nhiều đoạn diễn đạt gợi cảm về thế giới riêng của đàn bà khi đến với nhà tắm cộng đồng riêng cho mình.
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Nhiều người ở TP.HCM bắt đầu đi làm, đi học bằng metro CHÂU TUẤN 23/12/2024 Từ sáng đến trưa 23-12, không ít người dân ở TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên dùng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để đi làm.
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Hàng loạt đại học phát cảnh báo chiêu lừa đảo học bổng, giảm học phí cho sinh viên MINH GIẢNG 23/12/2024 Hàng loạt trường đại học phát cảnh báo chiêu trò lừa đảo sinh viên về học bổng, giảm học phí khi chuyển khoản cho cá nhân.
Nên 'bêu' tên người xả rác bừa bãi như cách làm của người Nhật? THANH NY 23/12/2024 Để trị 'bệnh' xả rác bừa bãi, hãy học người Nhật cách xử lý người thiếu ý thức nơi công cộng.