Thông tin Việt Nam mua thành công ấn vàng Hoàng đế chi bảo đã được lan truyền trên mạng xã hội vài ngày qua.
Sáng 13-2, ông Nguyễn Thế Hồng xác nhận với Tuổi Trẻ Online qua điện thoại ông đã ký hợp đồng thành công mua về ấn vàng Hoàng đế chi bảo từ nhà đấu giá Millon (Pháp).
Cố gắng đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo về nước sớm nhất
Ông Hồng cho biết hợp đồng được ký vào ngày 12-1 theo giờ Pháp (ngày 13-1 theo giờ Việt Nam). Hợp đồng trị giá hơn 6,1 triệu euro.
Ông Hồng và các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nỗ lực với các thủ tục nhập cảnh cổ vật khá phức tạp để đưa ấn vàng về nước sớm nhất, đúng pháp luật của hai nước Việt Nam và Pháp.
Quá trình đàm phán mua ấn vàng của ông Hồng được sự hỗ trợ, đồng hành rất lớn từ các cơ quan văn hóa, ngoại giao của Việt Nam.
Hồi tháng 11-2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án hồi hương ấn vàng và tổ chức đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương dẫn đầu, đàm phán, thương thảo trực tiếp với Hãng Millon, Pháp, thực hiện các bước trong lộ trình hồi hương ấn vàng.
Trong thời gian ở Pháp, đoàn công tác đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hiện đang lưu giữ tại văn phòng Hãng đấu giá Millon (số 19 rue de la Grange-Bateliere Paris, Pháp).
Kết quả nghiên cứu và đối sánh tư liệu, đoàn xác định ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hiện đang rao bán tại Hãng đấu giá Millon là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) như ghi chép trong sử sách (Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ) và trong biên bản, hình ảnh bàn giao ấn kiếm của chính quyền Pháp cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 8-3-1952 hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Cục Di sản văn hóa cho biết sẽ sớm có thông tin chính thức về tin vui mua thành công ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Hiện vẫn còn nhiều thủ tục phức tạp cần làm, sớm nhất cũng phải tháng 4 mới có thể hồi hương ấn vàng.
Trước đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá việc hồi hương được ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, "chảy máu" ra nước ngoài, mà còn khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế…
Người mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo đang sở hữu bảo vật quốc gia
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thế Hồng là một doanh nhân nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản ở Bắc Ninh.
Ông có niềm đam mê với cổ vật và đã sưu tập cổ vật từ rất sớm. Ông đã thành lập Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) để trưng bày bộ sưu tập cổ vật đồ sộ của mình, cùng Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng năm 2022 với nhiều hoạt động nghiên cứu, sưu tập, kinh doanh, trong đó có hoạt động môi giới, đấu giá.
Ông Hồng nói với Tuổi Trẻ Online bảo tàng cổ vật của ông "rất lớn".
Mới đây, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng có tên trong số 3 đơn vị tư nhân sở hữu cổ vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.
Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.200 - 2.300 năm, thuộc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng của ông Nguyễn Thế Hồng được công nhận bảo vật quốc gia cùng 26 quý vật khác trên khắp cả nước hôm 30-1.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận