07/01/2019 10:27 GMT+7

Nhà sư, bác sĩ và doanh nhân bàn chuyện sống khỏe mạnh

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - Có phải nhà sư thì khỏe hơn do tinh thần an vui hơn? Làm cách nào để đối diện với bệnh tật?... Câu trả lời của các khách mời tại bàn tròn 'Nghệ thuật sống khỏe mạnh và hạnh phúc' khiến nhiều người suy ngẫm.

Nhà sư, bác sĩ và doanh nhân bàn chuyện sống khỏe mạnh  - Ảnh 1.

Ngài Gyalwa Dokhampa cùng 2 khách mời chia sẻ tại buổi trò chuyện - Ảnh: L.Đ.L.

Nhà sư đến từ Ấn Độ, ngài Gyalwa Dokhampa, BS Lương Lễ Hoàng và doanh nhân Phan Thị Tuyết Mai ngày 6-1 đã gặp nhau tại bàn tròn "Chất lượng cuộc sống" do Quan Âm tu viện (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), Công ty truyền thông Mani tổ chức với chủ đề "Nghệ thuật sống khỏe mạnh và hạnh phúc".

Buổi chia sẻ khá thú vị với gần 500 người tham dự, mang đến an lạc cho mọi người trong sáng cuối tuần đầu tiên của năm 2019.

Hạnh phúc là…sự an tĩnh bên trong

Theo thầy Gyalwa Dokhampa, hạnh phúc là sự an tĩnh bên trong. Thầy nhắc lại giá trị "tâm bình thế giới bình", "tâm an vạn sự an" khi khẳng định cách nhìn nhận, đối mặt với cuộc sống với tâm thế như thế nào sẽ cho mỗi người cảm thụ cuộc sống như thế đó. 

"Vì chúng ta định nghĩa, vàng là quý, nên khi mình có thật nhiều vàng, mình nghĩ mình giàu có và hạnh phúc. Nhưng với một con khỉ thì sao? Nó không hạnh phúc khi có vàng, khỉ chỉ hạnh phúc khi có chuối mà thôi", ngài Gyalwa Dokhampa lấy ví dụ chứng minh.

Trong khi đó, qua cách trò chuyện dí dỏm, gây cười cho đại chúng, BS Lương Lễ Hoàng cho rằng chấp nhận thực tại và sống với thực tại một cách tốt nhất, hay nói cách khác là sự hài lòng, mãn nguyện chính là hạnh phúc. 

"Hạnh phúc lớn nhất là sự yên bình trong tâm hồn, đó là việc những người tu hành đang đi", BS Hoàng nói.

Nói về cảm giác thơ thới hạnh phúc trên phương diện thần kinh theo BS Hoàng, nguyên nhân đến từ việc tuyến yên tiết ra nội tiết tố endorphin, chất này thường có khi mình làm những việc tốt đẹp, xuất phát từ lòng thương thật sự. 

"Cũng có những việc làm mà người ta nghĩ rằng nó tạo ra endorphin cho cơ thể - đó là đi từ thiện với tâm thế ban phát cho người khổ hơn mình", BS nói và cho biết, với mục tiêu như thế, thì cơ thể tiết ra dopamine.

Theo BS Hoàng, dopamine mang lại niềm vui và cảm giác hài lòng tức thời, khiến con người muốn có được nó nhiều hơn. Từ đó, người ta nảy sinh mong muốn đạt được rồi cố gắng đi đến hoàn thành mục tiêu đề ra - sẽ làm tăng sự hài lòng, tức là tăng lượng dopamine.

Nhưng, với mong muốn đạt được nhiều thành tựu, hoàn thành càng nhiều mục tiêu thì mức độ thỏa mãn càng tăng cao khiến tham muốn mình tăng cao, không phải là hạnh phúc thực sự nhưng con người hay lầm tưởng, BS nói.

Ông kể, có nhiều bệnh nhân tới tìm ông, rồi đặt ra các cột mốc trị bệnh này, bệnh kia vào thời điểm 2-3 tháng tới, rồi 2-3 tháng sau đó sẽ trị bệnh khác… Ông bảo, giờ thì cứ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không cần đặt ra những mục tiêu như vậy chi cho khổ. Đó cũng chính là tinh thần lạc quan, và nhờ tinh thần này, nhiều bệnh nhân bệnh nặng được trị khỏi. 

"Trong khi đó, có nhiều người bệnh nhẹ hơn nhưng thiếu lạc quan, nên chết sớm", BS Lương Lễ Hoàng khẳng định.

Lạc quan và...hoang tưởng

Lạc quan với hoang tưởng khác nhau chỗ nào? BS Hoàng chia sẻ, khác nhau ở mục tiêu. "Một bệnh nhân tới tìm bác sĩ xin cho toa thuốc để 2 ngày sau hết tiểu đường - đó là hoang tưởng, một bệnh nhân khác tìm bác sĩ và yêu cầu cho thuốc giúp tránh tối đa biến chứng do tiểu đường gây ra để sống chung với bệnh lâu nhất có thể là lạc quan".

Cùng quan điểm này, doanh nhân Phan Thị Tuyết Mai lấy ví dụ thực tế, rằng bà quan tâm nhiều đến vấn đề sức khỏe, sắc đẹp nhưng vẫn luôn sẵn sàng đón nhận mọi thứ liên quan tới hai điều đó. Nhờ vậy, tạo ra được sinh khí cho tự thân. 

Sự lạc quan theo bà Tuyết Mai, còn là mình luôn biết tạo ra bầu không khí vui vẻ cho những người xung quanh. "Khi vào cơ quan, mình làm đẹp, mình biết lắng nghe thì cộng sự của mình mới chia sẻ với mình".

Theo bà Mai, khi mình hạnh phúc, mình phải làm cho nhân viên mình hạnh phúc và ngược lại. Bà Tuyết Mai đề nghị cách làm từ thiện của một doanh nghiệp: không chỉ đem giá trị vật chất tới nơi nào đó mà là tạo ra một sản phẩm có lợi cho cộng đồng. Đó chính là sự chia sẻ mang lại hạnh phúc bền vững nhất.

Biết đủ sẽ khỏe

Nhà sư, bác sĩ và doanh nhân bàn chuyện sống khỏe mạnh  - Ảnh 2.

Đông đảo người tham dự đều cảm thấy hoan hỷ khi nghe những chia sẻ thú vị từ 3 khách mời của chương trình - Ảnh: L.Đ.L.

Nhiều câu hỏi về sức khỏe được đặt ra: có phải nhà sư thì khỏe hơn do tinh thần an vui hơn, hay làm cách nào để đối diện với bệnh tật, việc sanh con khi vừa trải qua trị liệu ung thư vú… Cả ba khách mời chương trình đều cùng quan điểm: biết đủ sẽ khỏe.

Thầy Gyalwa Dokhampa khẳng định giá trị vật chất nếu mình chạy theo thì không bao giờ mình có hạnh phúc được. Ngài khuyên, biết bảo vệ mạng sống loài khác sẽ tạo ra giá trị bền vững, và đó cũng là điều kiện đưa tới sức khỏe, bình an.

Riêng BS Lương Lễ Hoàng, ông cho biết một nghiên cứu khoa học ở Thái Lan đưa ra kết quả, nhà sư bệnh nhiều hơn các đối tượng khác. Nhưng giữa bệnh nơi thân và khỏe ở bên trong có sự tác động qua lại nên dù bệnh hay sinh hoạt kiêng khem hơn người thường nhưng nhà sư vẫn hạnh phúc hơn. 

Ngoài ra, bác sĩ còn chia sẻ, thầy thuốc giỏi còn là một người "ăn cắp", là 'ăn cắp" trái tim của người bệnh để họ tin mình mà sống vui, sống khỏe.

Thầy thuốc giỏi còn là người có khả năng nói dối trơn tru vì điều đó tốt cho bệnh nhân chứ không phải vì túi tiền của mình. "Nếu nói dối mà giúp bệnh nhân mình sống thêm một ngày vui với con cháu thì tôi sẵn sàng nói dối", BS Lương Lễ Hoàng nói.

Trong khi đó, thầy Gyalwa Dokhampa cho rằng dù là ai thì trước tiên chúng ta cũng là con người. Có thân phải bệnh. Nên dù là bác sĩ mà không biết chăm sóc sức khỏe cũng khiến họ bệnh. Cho nên tất cả phụ thuộc vào mình ăn uống, cách mình xử sự với nhau, cách mình sống với mọi người… cũng giúp mình khỏe hay không. 

Nên, mình cần thay đổi tích cực trong cuộc sống mỗi ngày, ngay hôm nay thì cuộc sống của mình sẽ tích cực lên, thầy Gyalwa Dokhampa khẳng định.

Hãy sống hạnh phúc, đừng lo sợ bị lãng quên

TTO - Chúng ta mang nỗi sợ thời đại FOMO - hội chứng sợ bị quên lãng - và gần như lúc nào cũng phập phồng lo lắng 'ngoài kia có thể có những thứ tốt hơn, vui hơn mình chưa làm, có những con người thông minh hơn, tài năng hơn'.

LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên